Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

TÍNH CHỦ THẾ TRONG TÂM LÝ CON NGƯỜI


Ông bà ta thường nói: “Sống mỗi người một nết
                   Chết mỗi người một tính”

Điều này đã phần nào nói lên được sự phức tạp, đa dạng trong các hoạt động tâm lí của con người, chẳng ai giống ai hoàn toàn và phải chăng chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn của mỗi người và đó cũng là những bí ẩn mà nếu khám phá được một chút dù rất nhỏ cũng khiến ta ngạc nhiên đến ngỡ ngàng!
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định: “Tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể, tâm lí người mang bản chất xã hội - lịch sử”. Ở đây chúng tôi không bàn đến những vấn đề khác mà chỉ bàn đến tính chủ thể trong các hiện tượng tâm lí người.”
Tính chủ thể ở đây có thể được hiểu đó là một cá nhân hay một nhóm người, ở đó cá nhân (hay nhóm người) thể hiện những nét đặc trưng, bản sắc riêng của mình và cá nhân (hay nhóm người) có quyền hành động dựa vào sở thích, hứng thú, suy nghĩ, tình cảm, vốn sống, vốn trải nghiệm …của họ.
Tại sao có sự khác biệt đó? Điều này được giải thích là do mỗi con người ngay từ khi mới sinh ra đã mang trong mình những nét đặc trưng về bẩm sinh di truyền, về giải phẫu sinh lí thần kinh và não bộ, bên cạnh đó mỗi người chịu sự tác động của môi trường xã hội, của giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình khác nhau và trên hết chính là mỗi cá nhân tham gia vào quá trình giao tiếp, hoạt động với các mức độ tích cực rất khác nhau… Điều này đã chứng minh được tại sao hai anh em sinh đôi cùng trứng (có hình thức bên ngoài giống nhau) nhưng lại có những sở thích, nhu cầu, hứng thú, các phẩm chất nhân cách rất khác nhau, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Chính điều này đã bác bỏ được quan điểm tuyệt đối hoá vai trò của yếu tố bẩm sinh di truyền của tâm lí học tư sản phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Có thể lấy rất nhiều ví dụ chứng minh vấn đề này như: xem xong một cuốn phim, tôi có thể cảm động đến rơi nước mắt nhưng anh lại cảm thấy hoàn toàn dửng dưng; anh có thể cảm thấy tức đến nghẹt thở trước những hành động vô văn hoá của kẻ khác nhưng với tôi điều đó là quá bình thường… Vậy có thể giải thích vấn đề này dưới góc độ nào? Đơn giản vì đó là do tôi khác anh, tôi và anh là hai chủ thể khác nhau khi đúng trước những hiện tượng tâm lí như nhau, do đó tôi và anh phải tôn trọng những nét riêng đó của nhau.
Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định rằng, chúng ta tôn trọng những điều riêng tư trong tâm lí mỗi con người cụ thể nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi người có quyền làm tất cả những gì mình thích, mình cho là đúng, là phù hợp với mình… mà bất cứ cá nhân nào sống trong cộng đồng, trong xã hội phải tôn trọng những quy định chuẩn mực chung của xã hội, không thể sống tách mình với xã hội, với cộng đồng. Hay nói cách khác, xã hội tôn trọng những cái riêng trong tâm lí mỗi con người nhưng con người vẫn phải sống tuân theo những chuẩn mực của xã hội, có như thế cả xã hội nói chung và những con người cụ thể nói riêng mới có thể tồn tại và phát triển được.
Chúng ta có thể có những dẫn chứng cụ thể về tính chủ thể trong tâm lí con người thông qua hoạt động nhận thức, tình cảm và các thuộc tính tâm lí của nhân cách, cụ thể như sau:
Về hoạt động nhận thức:
Có thể nói hoạt động nhận thức là một trong những hoạt động cơ bản giúp con người có thể tồn tại được trong thế giới luôn luôn biến đổi này. Từ hoạt động nhận thức cảm tính đến hoạt động nhận thức lí tính là bước phát triển về chất trong tâm lí con người. Ở đây chúng ta không bàn đến đặc điểm của từng loại hoạt động nhận thức mà chúng ta chỉ nhấn mạnh đến tính chủ thể của mỗi cá nhận khi tham gia vào các hoạt động này. Chúng ta đều biết, cơ thể của con người khi chịu tác động của thế giới khách quan đều cho ta những cảm giác nhất định như: mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi… nhưng mắt nhìn có tinh hay không, tai ta nghe được những âm thanh nào còn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người nhận cảm giác đó; đặc biệt nó còn tuỳ thuộc vào sự rèn luyện của mỗi người để tự hình thành cho mình độ nhạy cảm cần thiết phù hợp với công việc và môi trường sống của mình.
Trong nhận thức lí tính cũng vậy, sự khác biệt giữa các cá nhân trong tư duy và tưởng tượng là không thể không nhắc đến. Có thể dẫn chứng điều này qua ví dụ sau: Người ta đo khả năng tưởng tượng của trẻ mẫu giáo thông qua truyện kể bằng cách kể đoạn đầu một câu chuyện bịa đặt nào đó và yêu cầu các em kể tiếp những phần còn lại, kết quả cho thấy các em bé có khả năng tưởng tượng rất khác nhau và chúng cho “ra lò” những câu chuyện với các nội dung mang tính đặc thù riêng của chính mình, không em nào giống em nào một cách hoàn toàn
Về tình cảm
Trong lĩnh vực tình cảm, tính chủ thể thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Đứng trước một sự vật hiện tượng, tôi xúc động nhưng anh thì dửng dưng, ngừơi khác lại cười mai mỉa….Chính vì thế con đường hình thành tình cảm phức tạp hơn rất nhiều so với con đường hình thành quá trình nhận thức. Tình cảm luôn luôn gắn liền với nhu cầu và động cơ, nó được hình thành dựa trên những xúc cảm cùng loại, được động hình hoá, khái quát hoá mà thành. Điều này sẽ giúp lí giải tại sao trong tình yêu lại phức tạp, có khi trớ trêu đến như thế.
Về những thuộc tính tâm lí của nhân cách:
Trong phần lớn sách về tâm lí học người ta coi nhân cách gồm có 4 nhóm thuộc tính điển hình là: xu hướng, năng lực, tính cách và khí chất. Cũng giống như một vectơ lực có phương, chiều, cường độ và tính chất của nó, xu hưóng nói lên phương hướng phát triển của nhân cách; năng lực nói lên cường độ phát triển của nhân cách; tính cách, khí chất nói lên tính chất, phong cách của nhân cách.
 Như vậy, với bốn thuộc tính tâm lí của nhân cách nêu trên, chúng ta nhận thấy ở mỗi cá nhân khác nhau đã mang trong mình những đặc điểm về các thuộc tính tâm lí khác nhau để rồi mỗi người sẽ tạo ra được tính điển hình trong nhân cách của mỗi người.
Ví dụ: Tôi và anh đều có năng lực như nhau về sự phát triển trí tuệ nhưng xu hướng của tôi khác xu hướng của anh, từ đó tôi và anh sẽ có cách lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.
Từ ví dụ này cho thấy, việc chọn nghề hiện nay của thanh niên chúng ta đôi lúc còn mang tính cảm tính, nhiều em không xem xét năng lực, hứng thú của mình mà chỉ chạy theo “mốt”, theo những công việc mà cảm tính mách bảo là sành điệu, sẽ dễ hái ra tiền hoặc đôi khi chỉ dựa hoàn toàn vào sự định hướng thực dụng của bố mẹ mà không quan tâm thực sự con mình hợp với công việc nào, hứng thú của các em ra sao…
Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh thêm một chút về sự khác biệt giữa các cá nhân trong khi nhận sự tác động của hiện thực khách quan là vấn đề không thể tranh cãi nhưng cũng có khi cùng một hiện thực khách quan tác động đến một chủ thể duy nhất nhưng vào những thời điểm khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau, với trạng thái cơ thể, trạng thái tinh thần khác nhau có thể cho ta thấy mức độ biểu hiện và các sắc thái tâm lí rất khác nhau…
Vấn đề tôn trọng những nét riêng trong tâm lí mỗi người phải được thể hiện trong các hoạt động của đời sống hàng ngày, từ cách ăn mặc, nghỉ ngơi, giải trí cho đến những vấn đề riêng tư trong tình cảm mỗi người, đặc biệt trong công tác giáo dục tôn trọng những nét riêng trong tâm lí từng người học đã trở thành một nguyên tắc, có như thế, giáo viên mới theo sát đối tượng, mới có cách tác động cho phù hợp với từng người học  nhằm đảm bảo thành công trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.
Tóm lại:
Tính chủ thể trong tâm lí mỗi người sẽ luôn được xã hội tôn trọng nếu những nét riêng đó không đi ngược lại với các chuẩn mực của xã hội. Chính điều đó sẽ tạo nên nét đặc sắc trong tâm hồn và tính cách mỗi người; nó sẽ giúp con người trở nên hấp dẫn hơn, thú vị hơn nó đáng để người khác khám phá và…bất ngờ!
Trong công tác dạy học và giáo dục đòi hỏi mỗi giáo viên phải chú ý đến những cái riêng trong tâm lí mỗi học sinh, giáo viên phải quan tâm và tôn trọng những nét riêng đó để có cách tác động cho phù hợp nhằm đạt được kết quả cao nhất trong dạy học và giáo dục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (2001), Tâm lí học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, NXB Đại học quốc gia Hà Nội
  2. Trần Trọng Thuỷ (1992), Khoa học chẩn đoán tâm lý, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên), Nguyễn Văn Luỹ, Đinh Văn Vang (2005), Giáo trình Tâm lý học đại cương, NXB Đại học sư phạm Hà Nội 
  4. http://kxhnv.duytan.edu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét