Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Cạm bẩy cuộc đời


ANTĐ - Thời gian gần đây, có nhiều vụ việc chiếm đoạt tài sản mà nạn nhân sau đó không hiểu vì sao mình lại bị rơi vào cái bẫy đó và đều lý giải rằng mình đã bị… thôi miên. Từ những vụ việc như vậy đã dẫn đến những lời đồn đoán về một loại tội phạm mới chuyên dùng biện pháp… siêu nhiên để gây án. Tuy nhiên sự thực có phải như vậy ?

Một số đối tượng gây mê chiếm đoạt tài sản bị công an bắt giữ
Từ những nghi án về thôi miên...

Trong những vụ việc lừa đảo, trộm cắp tài sản mà nạn nhân cho rằng mình bị thôi miên, khi đến trình báo tại cơ quan công an, họ đều không thể chứng minh hoặc đưa ra những bằng chứng là họ có bị thôi miên hay không, hay chỉ là do mất cảnh giác. Chị Thu Hà nhân viên bán hàng tạp hóa trên phố Đội Cấn cũng là nạn nhân của một trường hợp như vậy. Theo trình báo của chị Hà, có một phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi đến cửa hàng mua đồ. Sau khi lựa chọn được mặt hàng có trị giá gần 100.000 đồng, người phụ nữ này đưa tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng cho chị Hà. Dù đã nhận đủ tiền trả lại, nhưng người phụ nữ này không ra về mà lân la ở lại cửa hàng vừa trò chuyện với chị Hà vừa tìm đồ để mua thêm. Khi chọn thêm được một số đồ người này bảo chị Hà cho hàng vào túi ni lon rồi nói “Em cứ ghi nhé, lát chị gửi tiền”, người phụ nữ này mắt không rời khỏi chị Hà và luôn miệng lặp lại điệp khúc trên rồi sau đó ra chiếc xe máy đang chờ ở ngoài cửa hàng đi mất dạng. Lúc này chị Hà mới chợt bừng tỉnh, ú ớ gọi mọi người. Khi kiểm tra lại mới phát hiện hơn 2 triệu đồng tiền mặt đã không cánh mà bay.

Tương tự như vậy, chị Đỗ Thị Huyền (Thái Bình) trong một lần ra Bến xe Gia Lâm để về Thái Bình. Khi chị đang đợi xe thì có một phụ nữ khoảng trên 50 tuổi chủ động đến bắt chuyện. Trong lúc nói chuyện người phụ nữ này vừa nói vừa dùng tay thấm mồ hôi trên mặt của chị Huyền. Sau đó, chị Huyền thấy người rũ ra, phải dựa vào người này cho đỡ choáng váng. Sau một vài phút, người phụ nữ này nói có công việc, chào chị Huyền rồi bỏ đi. Đến khi lên xe ô tô, kiểm tra lại túi xách, chị Huyền mới phát hiện ví tiền và điện thoại di động đã biến mất.

Cũng tại khu vực Bến xe Gia Lâm, Hà Nội, chị Lê Thị Hoa trong khi chờ xe buýt đã gặp một người phụ nữ trạc 50 tuổi, sau màn hỏi chuyện kết thân, người này lấy chiếc túi nilon nhờ chị Hoa chuyển cho người đàn ông ngồi ở hàng ghế kế bên. Sau đó, chị Hoa tự động đưa chiếc túi của mình cho người phụ nữ kia cầm khoảng 5 phút. Cho đến khi xuống xe thì số tiền khoảng 20 triệu đồng trong túi đã biến mất.

Tại Nghệ An, thời gian trước đây thường xuất hiện tình trạng có một nhóm gồm 2 người giả vờ vào một số chợ, nhất là các chợ ở vùng nông thôn, miền núi để lừa tiền, vàng. Thủ đoạn của những người này là vờ mua hàng sau đó đứng nói chuyện với người bán hàng rồi đưa tiền để chờ trả lại, sau đó chúng đã lấy hết số tiền hoặc vàng của người bán hàng. Gần đây nhất, ngày 16-3-2012 tại nhà chị Nguyễn Thị Viện (xóm 8 xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bị hai đối tượng vào tận nhà giới thiệu mua vé trúng thưởng xe máy nhưng đã bị chúng làm cho mụ mị và đã đưa cho các đối tượng này tiền, vàng tổng cộng lên tới 30 triệu đồng. Cũng với hình thức như vậy, cách đây không lâu xuất hiện thông tin về hàng chục người dân ở Sơn La trình báo về việc bị một nhóm người giả làm người đi giới thiệu bán các sản phẩm như son môi, phấn, dây chuyền, ngọc trai… để tiếp cận các chủ quầy hàng. Hầu hết các nạn nhân trong khi ngồi nói chuyện với các đối tượng này đều đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, nửa tỉnh, nửa mê, dần dần không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình rồi tự động lấy vàng hoặc tiền đưa cho những người lạ mặt. Họ bị rơi vào trạng thái mê man khoảng hơn 15 phút, khi tỉnh dậy mới biết rằng mình bị mất tài sản.

...Đến màn kịch vụng về

Ngày 21-10-2011, Công an huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi nhận được thông báo về một vụ cướp tiệm vàng đặc biệt. Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h20 cùng ngày có một thanh niên chừng 30 tuổi, mặc áo xanh, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang bước vào cửa hiệu hỏi mua 5 chỉ vàng. Sau khi giao dịch xong, không hiểu người thanh niên kia nói gì, nhưng bà Nguyễn Thị Thúy (chủ hiệu vàng Tín Huy) đã tự tay lấy toàn bộ 6 khay vàng (khoảng trên 100 cây) trong tủ, đồng thời mở két sắt lấy số tiền trên 1 tỷ đồng đưa cho người thanh niên. Sau khi sự việc xảy ra, bà Thúy đã tả lại rằng lúc người khách vào mua hàng, người bà cứ run lên, mồ hôi toát ra rất nhiều, cứ đưa vàng, tiền cho anh ta rồi sau đó không còn biết gì nữa. Còn dư luận tại huyện Bình Sơn thì hoang mang với hình thức gây án bằng thôi miên của hung thủ giấu mặt.

Tuy nhiên chỉ sau 4 ngày tích cực điều tra, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã xác định vụ cướp tiền, vàng bằng hình thức thôi miên tại hiệu vàng Tín Huy chỉ là một màn kịch. Bà Thúy đã dàn xếp toàn bộ sự việc chứ không hề có chuyện bị thôi miên cướp vàng. Do bà Thúy vay nợ của nhiều người và của ngân hàng số tiền hàng tỉ đồng nên đã phải dựng nên màn kịch trên để nhằm đánh lạc hướng những chủ nợ.

Phần nhiều là do mất cảnh giác

Trao đổi với chúng tôi về việc có hay không hiện tượng dùng thuật thôi miên để lưa đảo, lấy tài sản, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Chủ nhiệm bộ môn thông tin dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã khẳng định: Khái niệm thôi miên là hiện tượng con người có khả năng dùng ánh mắt, phương tiện hỗ trợ để đưa một người khác vào trạng thái ngủ đặc biệt, là lĩnh vực cho ta khám phá những bí ẩn của hoạt động bộ não. Tuy nhiên, để đưa người bình thường vào giấc ngủ cần phải dùng biện pháp gây sự chú ý như đề nghị người đó nhắm mắt vào rồi sau đó dẫn dụ bằng những lời nói đều đều, có uy lực để đưa đối tượng vào trạng thái mất dần ý thức. Tùy theo trạng thái nông, sâu để dẫn dụ người đó làm những hành động vô lý theo lệnh của nhà thôi miên. Đối với các trường hợp được cho rằng bị thôi miên để chiếm đoạt tài sản, hầu hết những người bị mất của đều không trong trạng thái bị yêu cầu phải nhắm mắt và rõ ràng là không bị đưa vào giấc ngủ đặc biệt. Do vậy có thể khẳng định việc thôi miên thông thường không áp dụng cho những trường hợp này.

Để tìm hiểu thêm về việc liệu tội phạm có thể sử dụng biện pháp thôi miên để chiếm đoạt tài sản, chúng tôi đã tới gặp PGS, TS Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân). Thượng tá Nguyễn Minh Đức cho biết: Về góc độ khoa học, không có chuyện dùng sức mạnh siêu nhiên ở bên ngoài để làm người khác tê liệt ý chí rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chỉ có thể bằng những cử chỉ, ngôn ngữ, lời nói thậm chí bằng những hình ảnh làm cho người đối diện bị cảm thấy mê muội dẫn tới việc làm theo bản năng trao tiền, trao tài sản cho đối tượng. Còn nếu có phép thuật bằng thôi miên để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì đó là vấn đề mà cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiên cứu, có biện pháp đấu tranh, thậm chí phải có hành lang pháp lý để xử lý từ rất lâu rồi.

Trước hiện tượng một số người tin rằng mình đã bị kẻ xấu thôi miên rồi bị chiếm đoạt tài sản, Thượng tá Nguyễn Minh Đức lý giải: Về góc độ tâm lý con người, các đối tượng có khả năng dùng ám thị (mỗi người có sức mạnh từ con mắt, từ tâm sinh lý của họ và họ có thể ám thị đối tượng bên cạnh, làm đối tượng bị lúng túng) sau đó có thể tấn công bằng ngôn ngữ, lời nói, ánh mắt, cử chỉ tình cảm, làm cho người đối diện bị mê muội, mất tỉnh táo dẫn đến mất cảnh giác. Ngoài ra có những đối tượng còn kết hợp dùng cả những loại chất hóa học nào đó để gây mê, làm cho người bị hại mê muội đi nhằm chiếm đoạt tài sản. Dưới khía cạnh nghiên cứu về tội phạm, đây là hiện tượng dùng sức mạnh vật chất tấn công người quản lý tài sản, hoặc dùng sức mạnh ngay tức khắc để làm người quản lý tài sản bị tê liệt ý chí, không thể quản lý được tài sản. Cơ quan công an đã làm rõ rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi này. Bên cạnh đó các đối tượng này còn có thể dùng các thủ thuật đặc biệt đã được rèn luyện rất nhiều qua năm tháng giống như trò nhanh tay, nhanh mắt trong ảo thuật. Trò này đã từng được những “phù thủy” ngoại quốc thực hiện ở Việt Nam. Lợi dụng sự mất cảnh giác của những người bán hàng, những đối tượng này đã bày ra màn đổi tiền rồi tìm cách chiếm đoạt tiền của họ.

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, đây không phải là một thủ đoạn mới của tội phạm, tuy nhiên trước khi ra tay các đối tượng này đã nghiên cứu rất kỹ và thường áp dụng với những người nào mất cảnh giác, hoặc yếu về mặt tâm lý. Do vậy để đối phó với loại tội phạm này, ngoài việc người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác thì các lực lượng chức năng cũng cần phải nâng cao công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm để người dân có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét