Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Tính luân Lý của các Hành Vi Con Người và Lương Tâm

Ngày nay người ta tìm đủ mọi cách để biện minh cho các hành vi trái luân lý của mình. Thay vì nhận trách nhiệm, thì họ đổ lỗi cho xã hội, cho di truyền, cho hoàn cảnh và cho giáo dục. Thay vì làm chủ các hành vi của mình thì họ đòi buộc người khác không những phải chấp nhận những hành vi vô luân của mình mà còn tìm cách hợp thức hóa chúng qua luật pháp và giáo dục. Mục đích là đưa mọi người, nhất là các thế hệ tương lai đến tình trạng tương đối về luân lý. Xã hội thế tục càng hợp thức hoá những điều vô luân thì chúng ta, những người Công Giáo càng phải triệt để bảo vệ luân lý và giúp con cái chúng ta đào luyện một lương tâm ngay thẳng theo giáo huấn của Đức Kitô và luật tự nhiên. Để góp phần vào việc giúp đào luyện lương tâm, chúng tôi xin tóm tắt những điều trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo để những ai không có thì giờ đọc Sách Giáo Lý có thể có một cái nhìn tổng quát về Giáo Huấn của Hội Thánh về tính luân lý của các hành vi của mình và làm thế nào để thực sự sống theo lương tâm.

I. Tính Luân Lý của các Hành Vi Con Người

1. Tự Do và Trách Nhiệm

Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí để chọn làm hay không làm điều gì, nhờ đó con người có thể làm những việc có ý thức và chịu trách nhiệm về việc mình làm. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Tự do còn bao hàm khả năng lựa chọn giữa thiện và ác. Vì có tự do, nên con người có công hay có tội. Con người chỉ có tự do đích thực khi làm điều thiện. Khi chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên nô lệ tội lỗi. Có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ chủ ý. Lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ vì thiếu hiểu biết, sơ suất, áp lực, sợ hãi, thói quen, tâm thần bất ổn, hoặc các yếu tố tâm lý hay xã hội. Con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi trực tiếp chủ ý của mình. Quyền sử dụng tự do, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo, là một đòi hỏi không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Luật dân sự phải công nhận và bảo vệ quyền này, trong giới hạn công ích và trật tự công cộng (X. GLCG 1731-1738). Tự do làm cho con người thành một chủ thể luân lý. Khi hành động có chủ ý, con người được coi là cha của các hành vi của mình. Các hành vi được tự do lựa chọn theo phán đoán lương tâm, đều có tính luân lý: có thể là tốt hay xấu (X. GLCG 1749).

2. Nguồn gốc của luân lý (X. GLCG 1750-1754)

Luân lý tính của các hành vi con người tùy thuộc vào:

• đối tượng được chọn lựa;

• mục đích nhắm tới hay ý hướng;

• các hoàn cảnh của hành động.

Ðối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh tạo nên yếu tố cấu thành luân lý tính của các hành vi con người. Ðối tượng được lựa chọn xác định luân lý tính của hành vi ý chí, tùy theo sự nhận biết và phán đoán của lý trí. Ý hướng phát xuất từ ý chí tự do và xác định mục đích của hành động, nên là một yếu tố căn bản để đánh giá luân lý tính của hành động. Ý hướng có thể định hướng toàn bộ cuộc sống chúng ta đến một cùng đích. Cứu cánh không biện minh cho phương tiện. Một ý hướng tốt không thể làm cho một hành vi xấu thành tốt. Ngược lại, một việc tốt có thể trở thành xấu vì làm với ý xấu. Các hoàn cảnh, kể cả những hậu quả, là những yếu tố phụ của một hành vi luân lý. Chúng không thể làm cho một hành vi tự nó là xấu, trở nên tốt hay đúng, nhưng có thể góp phần gia tăng hay giảm bớt tính chất tốt hay xấu về mặt luân lý của những hành vi con người.

3. Hành vi tốt và hành vi xấu (X. GLCG 1575-1562)

Một hành vi tốt về mặt luân lý đòi hỏi đối tượng, mục đích và các hoàn cảnh đều phải tốt. Đối tượng được lựa chọn có thể làm cho toàn bộ hành động trở nên xấu. Có những hành vi luôn luôn là sai, vì ngay khi chọn lựa, ý chí đã lệch lạc; đó là một điều xấu luân lý. Không được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt. Chưa cần xét đến hoàn cảnh và ý hướng, có những hành vi tự bản chất luôn là bất chính nghiêm trọng do đối tượng.

II. Tính Luân Lý của Những Đam Mê

Đam mê hay cảm xúc mà một người cảm nghiệm có thể giúp người ấy chuẩn bị và góp phần vào việc đi tìm hạnh phúc (X. GLCG 1762).

1. Các đam mê (1763-1766)

Đam mê hay cảm xúc là những tình cảm hay xúc động cảm giác làm cho chúng ta có khuynh hướng làm hay không làm điều chúng ta cảm thấy là tốt hay xấu. Các đam mê là thành phần tự nhiên của sinh hoạt tâm lý con người. Chúng nối kết đời sống cảm giác và đời sống tinh thần. Ðức Kitô gọi tâm hồn là nguồn phát xuất các đam mê. Có nhiều thứ đam mê. Trong số các đam mê có yêu, ghét, ước muốn, lo sợ, buồn phiền, và nóng giận. Yêu là đam mê căn bản, là muốn điều tốt cho người khác. Tất cả những đam mê khác đều bắt nguồn từ rung động nguyên thủy này của tâm hồn hướng về điều thiện hảo. Ðam mê xấu khi tình yêu xấu, đam mê tốt khi tình yêu tốt.

2. Ðam mê và đời sống luân lý (X. GLCG 1767-1775)

Tự bản chất, đam mê không tốt không xấu. Ðam mê mang giá trị luân lý tùy mức độ liên hệ thật sự với lý trí và ý chí. Muốn đạt tới mức hoàn hảo luân lý, con người cần phải dùng lý trí điều khiển các đam mê. Về phương diện luân lý, đam mê tốt nếu góp phần vào một việc làm tốt, và xấu nếu ngược lại. Ý chí ngay thẳng hướng các cảm xúc về điều lành và hạnh phúc thật, ý chí xấu không chống nổi các đam mê hỗn loạn và làm cho chúng trở nên dữ dội hơn. Các cảm xúc và tình cảm có thể được đón nhận trong các nhân đức, hoặc bị băng hoại trong các thói xấu. Trong đời sống Kitô hữu, Chúa Thánh Thần thực hiện công trình của Ngài bằng cách huy động mọi sự nơi con người, kể cả những đau khổ, sợ hãi và buồn phiền, như trong cơn hấp hối và cuộc khổ nạn của Ðức Kitô. Trong Ngài, những tình cảm của chúng ta được kiện toàn nhờ đức ái và hạnh phúc đích thực. Con người đạt tới mức hoàn thiện luân lý bằng cách vươn tới điều thiện hảo, không chỉ với ý chí, mà còn với cả tâm hồn.

III. Lương Tâm

Tận đáy lòng, con người khám phá ra một lề luật mà chính họ không đặt ra, nhưng phải tuân theo, đó là tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi họ làm lành lánh dữ. Tiếng nói ấy vang lên đúng lúc trong tâm hồn. Đó thật là một lề luật Thiên Chúa ghi trong tâm hồn mỗi người (X. GLCG 1776). Tuy nhiên lương tâm có thể bị lầm lạc nếu không được huấn luyện, và có thể bị ra chai đá và không còn hiệu quả khi một người cố tình chà đạp kương tâm của mình cách thường xuyên.

1. Phán quyết của lương tâm (X. GLCG 1777-1782)

Phán quyết của lương tâm là phán quyết của lý trí, nhờ đó ta biết một hành vi cụ thể là tốt hay xấu. Lương tâm hiện diện trong lòng ta và ra lệnh đúng lúc cho ta làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa. Mỗi người phải quay về với nội tâm, để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm. Phẩm giá của nhân vị bao gồm và đòi buộc con người phải có lương tâm ngay thẳng. Lương tâm gồm ba điều:

• Nhận biết các nguyên tắc luân lý;

• Áp dụng vào việc cân nhắc thực tiễn các lý do và lợi ích trong những hoàn cảnh cụ thể;

• Phán quyết về các hành vi cụ thể sắp làm hay đã làm.

Nhờ phán quyết khôn ngoan của lương tâm, chúng ta nhận ra điều lành đã được lý trí đưa ra. Người khôn ngoan sẽ chọn phán quyết này. Với lương tâm, ta chịu trách nhiệm về những việc đã làm. Lời kết án của lương tâm có thể dẫn ta đến hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi xác định lỗi lầm đã phạm, lương tâm nhắc nhở ta phải xin ơn tha thứ, làm việc lành và luôn trau dồi nhân đức nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Con người có quyền hành động theo lương tâm và trong tự do, để tự mình có những quyết định luân lý. Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ, hay ngăn cản họ hành động theo lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.

2. Rèn luyện lương tâm (X. GLCG 1783 -1785)

Lương tâm phải được rèn luyện từ nhỏ và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức của Thiên Chúa và Hội Thánh. Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm. Phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá Ðức Kitô, nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, và được giáo huấn chính thức của Hội Thánh hướng dẫn

3. Chọn lựa theo lương tâm (1786-1790)

Khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp với lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc phán đoán sai. Ðôi khi gặp những hoàn cảnh không phán đoán chắc chắn được, ta phải luôn luôn tìm kiếm điều công chính và thiện hảo, cũng như nhận định đâu là thánh ý trong lề luật Thiên Chúa. Muốn vậy, ta phải cố gắng giải thích đúng đắn kinh nghiệm của mình và các dấu chỉ thời đại, dựa vào đức khôn ngoan, lời khuyên bảo của những người hiểu biết cũng như sự trợ lực của Chúa Thánh Thần và ân sủng của Người. Một vài quy tắc có thể áp dụng trong mọi trường hợp:

• Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt;.

• Luật Vàng: "Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình thì các con hãy làm cho người";

• Ðức ái Kitô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ.

4. Phán đoán sai lầm (X. GLCG 1790-1802)

Chúng ta phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm. Chủ ý làm ngược lại với phán đoán ấy là tự kết án mình. Nhưng lương tâm có thể thiếu hiểu biết nên phán đoán sai về các hành vi sẽ làm hay đã làm. Sự thiếu hiểu biết và sai lầm đó không phải lúc nào cũng vô tội. Nếu vì cố tình không chịu rèn luyện lương tâm thì chúng ta vẫn có lỗi. Lời Thiên Chúa phải là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta. Phải lãnh nhận Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện, và đem ra thực hành. Ðó là phương thế để rèn luyện lương tâm.

IV. Kết Luận

Vì tự do của con người có giới hạn và có thể lầm lạc, nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ, nên họ cần phải làm theo tiếng nói của lương tâm. Tự do không có nghĩa là muốn nói gì hay làm gì thì làm. Mặt khác, những điều kiện về kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa cần thiết để thực thi tự do cách chính đáng, lắm khi bị phủ nhận và vi phạm. Khi xa lìa luật luân lý, con người làm thương tổn sự tự do của chính mình, làm nô lệ cho tính ích kỷ, cắt đứt tình huynh đệ với đồng loại và nổi loạn chống lại ý Chúa (X. GLCG 1740). Muốn cho hành động phù hợp với luân lý, con người cần một lương tâm ngay thẳng được hướng dẫn bời Luật Tự Nhiên và các giáo huấn của Tin Mừng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc đào luyên lương tâm của mình. Tuy nhiên sống theo lương tâm không phải là dễ nếu không có ân sủng của Chúa. Nhờ tác động của ân sủng, Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta trong việc đào luyện lương tâm và dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng để chúng ta trở thành những người tự nguyện cộng tác vào công trình của Người trong Hội Thánh và thế giới (X. GLCG 1742-1748).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét