SỰ
KẾ THỪA VÀ ĐỔI MỚI QUAN NIỆM VỀ CON
NGƯỜI
TRONG TIỂU THUYẾT
HỒ BIỂU CHÁNH
Ths. Huỳnh Thị Lan Phương
(Bài đã
đăng trên tạp chí Khoa học số 17b, 2011,
Trường Đại học Cần Thơ,
từ
trang 16 đến trang 27)
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Văn học là nhân
học. Từ xưa đến nay văn chương
đều lấy con người làm đối
tượng miêu tả, phản ánh. Trở lại, văn
chương cũng phục vụ con người. Con người
trong văn chương thể hiện ý thức về con
người và cuộc đời của nhà văn. Đây
là một yếu tố quan trọng làm cơ sở cho
việc sáng tạo các hình tượng nghệ thuật
trong tác phẩm. Trong văn học, con người bao
giờ cũng là con người được quan
niệm, vì thế “nói
đến quan niệm nghệ thuật là nói đến ý
hướng của nhà văn hướng đến
thế giới và con người ngay trong khi sáng tác văn
học” [1]
và “quan niệm nghệ
thuật về thế giới và con người thể
hiện tầm nhìn của nhà văn và chiều sâu triết
lý của tác phẩm”[2].
Quan niệm con người trong tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh thể hiện tầm quan sát, sự nhận
thức về con người của nhà văn, tạo cho
tác phẩm có được chiều sâu triết lí
nhất định.
Quan
niệm về con người trong văn chương có
sự thay đổi qua các thời kì phát triển của
lịch sử văn học, đồng thời cũng có
nét riêng ở mỗi tác giả. Hiện đại hoá
văn học bao hàm sự đổi mới trên mọi
phương diện: cảm hứng, đề tài, nội
dung tư tưởng, phương pháp sáng tác, quan niệm
sáng tác và có cả quan niệm về con người. Quá
trình chuyển biến của lịch sử văn học
Việt Nam từ thời kì trung đại sang thời kì
hiện đại cũng là quá trình biến đổi quan
niệm con người trong văn chương. Tìm hiểu
quan niệm con người trong tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh sẽ nhận ra biểu hiện của
sự thay đổi tư duy và quan niệm thẩm mĩ
về con người ở thời kì đầu của
quá trình hiện đại hoá.
2. NỘI DUNG
2.1. Sự kế thừa quan niệm của nhà
Nho về con người chức năng phận vị[3]
2.1.1 Hồ Biểu Chánh
quan niệm mỗi cá nhân là
một thành viên của cộng đồng, là nhân tố làm
nên cái ta. Đồng thời giữa các cá nhân trong cộng
đồng đều phải có mối liên hệ mật
thiết, có trách nhiệm với nhau và có bổn phận
nhất định. Con người cá nhân không thể tách
khỏi gia đình, xã hội, càng không thể lớn
tiếng: “Ta là Một, là Riêng
là Thứ Nhất.” Trong tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh, con người cá nhân chưa thể tồn tại
độc lập như một hữu thể.
Hồ
Biểu Chánh khẳng
định con người chức năng phận vị
nhưng có sự thay đổi trong quan niệm về
chức năng phận vị. Nhà Nho xưa nhấn
mạnh chức năng phận vị đặt trong quan
hệ với vua, với nước. Hồ Biểu Chánh
lại chú ý chức năng phận vị trong quan hệ
với gia đình, xã hội. Hồ Biểu Chánh không
đặt con người trước vấn đề to
tát, lớn lao, mà đưa con người vào cuộc
sống đời thường để xem xét. Con
người trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là con
người sống cho bổn phận, luôn ý thức làm
tròn chức năng của một thành viên trong gia đình,
một cá nhân trong cộng đồng. Con người
chức năng phận vị trong tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh không chỉ thuộc tầng lớp trí
thức, mà có cả trong hàng ngũ người lao
động. Anh Lê Văn Đó (Ngọn
cỏ gió đùa) vốn là một nông dân, lúc nghèo đói,
túng quẫn nhất vẫn biết sống cho người
thân là chính, sống với ý thức bổn phận làm con,
làm chú, quên cả bản thân, nên đánh liều, ăn
trộm trã cháo heo. Đến lúc giàu có, hạnh phúc
đối với Lê Văn Đó là được cứu
giúp, cưu mang người nghèo khó. Như có một sợi
dây ràng buộc cuộc đời anh vào sự sống
của ngàn người nghèo. Anh ý thức rõ về mối
quan hệ giữa mình với cộng đồng và cũng
xác định vị trí của mình trong cộng
đồng. Anh không chỉ sống cho riêng anh. Vì thế
đã có sự giằng co, trăn trở rất nhiều
trong anh trước khi ra thú tội, để một
người khác không phải nhận án oan: ”Ra chịu tội thì khỏi hổ
với
lương tâm, song hết thế cứu giúp cả ngàn
người nghèo khổ nữa. Còn như nín luôn thì cả
ngàn người được nhờ, song mình đối
với Phật Trời chắc cả đời phải
ăn năn hổ thẹn.”(tr 248)
Tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh đặc biệt phổ
biến mô tip nhân vật độc thân. Loại nhân vật
này thường có biểu hiện chán ghét hoặc
cương quyết chối từ chuyện lập gia
thất như cô Vân (Đoạn
tình), cô Hai Tân (Tân Phong
nữ sĩ), thầy giáo Tự Cường (Tại tôi). Cũng có
trường hợp không rõ lí do vì sao không lập gia đình
như Lê Văn Đó (Ngọn
cỏ gió đùa), Ba Cam (Con
nhà nghèo). Vấn đề muốn bàn ở đây là các
nhân vật này đều ý thức rất cao về bổn
phận, trách nhiệm với những người xung
quanh, trong gia đình và cả ngoài xã hội. Ở họ,
dường như hạnh phúc tìm thấy từ việc
làm tốt bổn phận. Họ có thể quên cả chính
mình để làm tròn bổn phận. Lê Văn Đó
từng vượt ngục để trở về làm tròn
bổn phận cha nuôi. Ba Cam bất chấp nguy hiểm
để được thực hiện bổn phận
làm anh phải rửa nhục cho em. Hành động và suy
nghĩ của các nhân vật tôn thờ chủ nghĩa
độc thân thể hiện quan niệm muốn thoát
khỏi chức năng phận vị trong gia đình: làm cha,
làm mẹ, làm vợ, làm chồng… Nhưng lại tự
gắn mình vào một bổn phận khác, bổn phận
với đời, thấy mình cần phải đóng góp
cho xã hội. Người mở trường dạy
học, kẻ lập báo quán. Tất cả đều
muốn làm việc có ích cho đời, đó là việc
chấn hưng phong hoá xã hội. Nhân vật cô Vân (Đoạn tình)
từ
chối chức năng, phận vị của người
vợ, người mẹ nhưng đâu thể quên
bổn phận làm con đối với mẹ già. Không
muốn lập gia thất, không muốn bị ràng buộc
vào chuyện chồng con, thích tự do để
được: ”thong thả mà
học vẽ học đờn, tập làm thi chơi,
khỏi lo phải làm mọi người ta nữa”(tr 51).
Thế nhưng, lại tự nhận trách nhiệm lo cho
sự bền vững và hạnh phúc của bao gia đình
khác. Cô dốc sức vào việc thành lập trường
để dạy cho “con gái có
tính tình cao thượng, cho biết tôn trọng gia đình,
cho biết đường phải mà đi,
đường quấy mà tránh.”. Hoài bão lớn nhất
của cô là được “hiến
dâng cho xã hội phụ nữ”. Từ các biểu
hiện trên cho thấy một quan niệm ít nhiều mang
nét tương đồng với quan niệm con
người tự do trong văn học thời Lý Trần,
không thích bị ràng buộc vào những ham muốn tầm
thường (ham tiền, ham công danh, ham hưởng
thụ,..), cũng không muốn thực hiện trách
nhiệm, bổn phận ở một giới hạn
nhỏ hẹp của gia đình mà thích khẳng
định ý thức bổn phận giữa xã hội
rộng lớn. Xét cho cùng, theo Hồ Biểu Chánh con
người phải sống với chức năng
phận vị. Qua nhiều tình huống, trong nhiều hoàn
cảnh khác nhau, tác giả đã chứng minh con
người không thể thoát ra khỏi chức năng
phận vị.
Hồ
Biểu Chánh nhìn xã hội
như một cộng đồng rộng lớn, bao
gồm trong đó nhiều gia đình. Mỗi gia đình có
một hoàn cảnh riêng. Các thành viên của từng gia
đình thì khá đa dạng, thuộc nhiều loại
người, có những công việc khác nhau, có nhiều
trình độ, tính cách khác nhau nhưng chung quy thuộc hai
loại chính: người tốt – có đạo đức
và người xấu - vô đạo đức. Do đó,
chức năng phận vị của con người
được cụ thể hoá thành chức năng
của người vợ, người chồng,
người cha, người mẹ, người con,
người anh, người chị. Bổn phận
đối với gia đình được coi là quan
trọng nhất. Đó là
bổn phận gìn giữ đạo đức, bảo
vệ sự bền chặt các mối quan hệ. Mỗi
con người đều phải ý thức đúng về
vị trí của mình trong gia đình, để làm tròn
bổn phận. Gia đình bền vững tất xã hội
sẽ tốt đẹp. Ngược lại, gia đình
sẽ đổ vỡ. Cho nên làm tốt chức năng
đối với gia đình cũng là làm tốt môt
phần bổn phận đối với xã hội, là góp
phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
Khi
đã là một thành tố không thể tách rời khỏi
gia đình, thì dù con người có gặp trắc trở to
lớn đến dường nào, có chán ngán, bất mãn
tột cùng cái gia đình đang có của mình đi chăng
nữa cũng không thể nào từ bỏ được
nó. Thuần (Đoạn tình),
sau một thời gian bỏ nhà ra đi, muốn sống
cho riêng mình vì bất mãn gia đình, vì tuyệt vọng
trước cuộc sống hiện tại, đã quay
trở về với mái ấm gia đình, cùng lời thú
lỗi:”. . .tôi điên, nên tôi
đi lạc đường xa gia đình rồi tôi
mới thấy chỗ quấy của tôi. Không thể
dứt bỏ vợ con được, nên tôi phải
trở về đây”(tr 200). Nhân vật cô Oanh (Bỏ chồng) đã
ân
hận, xấu hổ tột cùng, đến mức
phải tìm nơi hẻo lánh để lẩn trốn
người thân vì không làm đúng chức năng của
một người vợ, người mẹ, đã
tự rời khỏi phận vị của một thành
viên trong gia đình. Hồ Biểu Chánh chỉ ra một
thực tế: những ai không làm đúng chức năng
phận vị sẽ nhận lấy kết quả
thảm hại. Thị Lựu (Cha
con nghĩa nặng) thất tiết với chồng,
thiếu trách nhiệm với con bị té vỡ sọ mà
chết; Hoàng Kiết (Một
đời tài sắc), không nhớ đến bổn
phận người cha, trách nhiệm người
chồng, chạy theo những đua đòi vật
chất, hưởng thụ cá nhân, sống cho riêng mình thì
cuối cùng cũng đột tử mà chết; Hồng
Như Hoa (Thầy thông ngôn)
không giữ bổn phận vợ hiền nên phải
nhận cái chết thê thảm v. v. . .
Viết
cho độc giả Nam bộ, nói về con người
Nam bộ, những con người chân chất, thiệt thà
nơi ruộng đồng sông nước phương Nam,
Hồ Biểu Chánh không quan niệm về con người “đứng trong trời
đất”,“vẫy vùng trong
bốn bể” cho phỉ sức anh hùng, hay ôm giấc
mộng “trị quốc bình
thiên hạ”. Con người trong tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh nhìn xã hội bằng cái nhìn thực
tế và chủ trương hành động vừa sức, làm những
việc mà ai cũng có thể làm được và đó
phải là những việc hợp với đạo lý
ở đời. Con người hành hiệp trượng nghĩa trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh có một vai trò đặc
biệt. Có thể xem đó là một kiểu cụ thể hoá, một
bước chuyển đổi con người
chức năng phận vị của nhà Nho. Việc
nghĩa được đề cao, ngợi ca, khuyến
khích là những việc rất bình thường nhưng
mang nhiều ý nghĩa, không phải ai cũng có thể làm
được nếu thiếu một tấm lòng.
Hồ
Biểu Chánh quan niệm con người hành hiệp trượng nghĩa là
con
người khảng khái, không chịu cúi lòn. Khi cần
phải ra tay trừng trị kẻ gian ác, người
sống vì nghĩa không sợ gì cả. Đối với
họ cái nghĩa đáng làm là trên hết. Nếu
được làm việc nghĩa mà phải nhận
lấy sự thiệt thòi cho mình, họ vẫn vui vẻ
chấp nhận. Hạnh phúc được sống
hết mình cho cái nghĩa ở đời đã khiến
họ dám làm tất cả. Đôi khi có liều nhưng
thể hiện sự hiên ngang thách thức trước cái
xấu, người xấu. Ba Cam (Con nhà nghèo) từng tuyên bố: ”Qua rửa nhục cho em mà qua ở tù, thì qua vui lòng
lắm, không hại chi đâu mà sợ”(tr 154). Người hành
hiệp trượng nghĩa cũng là kiểu
người dám làm dám chịu, không chấp nhận
để người khác lãnh thay trách nhiệm cho mình. Lê
Văn Đó (Ngọn cỏ
gió đùa) đã mạnh dạn nhận mình là tên tù
bị truy nã có tên thật là Lê Văn Đó. Bởi vì anh
không muốn một người khác chịu tội oan
ức, nhận hình phạt thay cho mình. Dẫu biết
rằng ra nhận tội là đến với trăm
điều cay đắng khổ nhục, là bỏ lại
sản nghiệp mà mình đã dày công gây dựng bấy lâu
nay. Xem như cuộc đời không còn gì. Qua đây
cũng cho thấy sự thể hiện con người
trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có nhiều
điểm kế thừa văn chương của nhà Nho
thời trung đại. Hồ Biểu Chánh đã dựa
vào tiêu chí con người nghĩa khí, hành động vì
nghĩa để xác lập mẫu hình lí tưởng
về nhân vật chính diện, tiêu biểu cho cái thiện,
cho loại nhân vật sống theo ý thức bổn phận
và trách nhiệm với cộng đồng. Một cách thể
hiện phổ biến trong Lục
Vân Tiên hoặc các truyện Nôm bình dân trước đó.
Hồ
Biểu Chánh xem bổn phận bồi đắp luân lý,
trách nhiệm gìn giữ phong hoá là của tất cả
mọi người nhưng ông đặt niềm tin
lớn nhất ở thành phần trí thức và
người giàu có. Ông tin vào vốn tri thức của những
người theo tân học. Ông hi vọng vào tiềm lực
kinh tế của những người có tiền của.
Trong cái nhìn của ông, con người có được ý
thức về trách nhiệm, bổn phận đối
với xã hội là điều cần thiết nhưng
chưa đủ nếu thiếu tri thức mới. Xã hội
hiện đại đặt ra nhiều nhu cầu
mới. Phải có sự hỗ trợ, trang bị vât
chất mới có thể thành công trong những việc
lớn. Do đó, con người không thể không thực
tế. Cô Hai Tân (Tân Phong nữ
sĩ), Cô Vân (Đoạn
tình) hay cô Thu Vân (Khóc
thầm) muốn mở báo quán, lập trường, hay
thực hiện việc khai hoá
để chấn hưng phong hoá, kinh tế nước nhà
đều phải đầu tư tiền của. Quan
niệm về con người thực tế hay thực
dụng có lẽ chỉ mới xuất hiện trong văn
chương khi xã hội bước vào thời kỳ
tư sản hoá, khi con người biết sống và hành
động theo lợi nhuận.
2.1.2. Với Hồ Biểu
Chánh sống theo
đạo đức cũng là bổn phận và chức
năng của con người. Đó là bổn phận
với chính mình và với phong hoá của xã hội. Con
người chức năng phận vị còn
được cụ thể hóa thành con người
đạo đức. Nhân vật trong tác phẩm của
Hồ Biểu Chánh sống theo đạo đức và
sống vì đạo đức. Họ có thể dẹp
bỏ tất cả những ham muốn và quyền lợi
cá nhân để thực hiện tốt những chuẩn
mực về đạo đức. Nhân vật chính
diện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh
đều là những nhân vật sống vì chữ
hiếu, chữ nghĩa, chữ tiết. Ngược
lại, nhân vật phản diện, người xấu
đều là những kẻ bất nhân phi nghĩa. Đây
là điểm rất giống nhà Nho của ông. Bởi vì
theo Trần Nho Thìn: “đạo
đức trở thành một tiêu chuẩn cơ bản để phân loại con
người trong văn chương nhà Nho”[4].
Nhưng Hồ Biểu Chánh đã có điểm khác so
với nhà Nho. Hồ Biểu Chánh đã đặt ống
kính quan sát ở nhiều hướng, để nhận
thấy tường tận, thấu đáo các vấn
đề về con người. Quan niệm người
phụ nữ là phải sống với chữ tiết. Ai
thất tiết là người xấu, người hư
hỏng nhưng nhà văn đã xem xét hoàn cảnh, tình
huống “phạm tội”
để “luận tội”
và “xử phạt”. Đều
là những phụ nữ đã thất tiết nhưng cô
Tư Lựu (Con nhà nghèo) có
cái kết cục khác hẳn Hồng Như Hoa (Thầy thông ngôn), Thị
Lựu (Cha con nghĩa nặng).
Cách giải quyết đó cho thấy môt quan niệm mang
tính mềm dẻo, uyển chuyển, không bảo thủ,
càng không áp đặt. Người cố tình vi phạm
đạo đức được đánh giá khác với
người bị buộc phải vi phạm,
lại biết ăn năn hối lỗi. Nhìn chung, theo ông
tiết hạnh đáng giá nghìn vàng, người phụ
nữ tốt phải là người tiết hạnh. Tuy nhiên,
phải đặt vào từng hoàn cảnh thích hợp thì
tiết hạnh mới có ý nghĩa thật sự.
Trong
đạo làm con, chữ hiếu đứng hàng
đầu nhưng Hồ Biểu Chánh không quan niệm
như Nho giáo. Với ông chữ hiếu phải có hai
chiều. Cha mẹ có yêu thương và làm tròn bổn
phận với con cái thì mới có thể nhận
được tình yêu thương, lòng hiếu thảo
trọn vẹn từ con cái. Xưa nay văn chương
thường đặc biệt nói đến quan hệ
mẫu tử, ngợi ca tình mẫu tử, thông qua đó
nói đến tấm lòng của người mẹ,
đạo hiếu của con người. Nhưng ít
thấy trường hợp đi sâu vào tình phụ tử,
thể hiện tấm lòng thương con đến vô
bờ, hi sinh tất cả vì con của người cha,
đặc biệt là cha nuôi. Tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh đi vào khai thác mối quan hệ này là chủ
yếu (Cha con nghĩa
nặng, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ gió đùa, Tại
tôi, Con nhà nghèo). Chính nhờ cách thể hiện có
phần đặc biệt này đã tạo được
sự thú vị cho người đọc, giúp nhà văn
bộc lộ rõ nét quan niệm về con người
đạo đức.
Hồ
Biểu Chánh quan niệm con người lý tưởng là
con người làm tốt chức năng phận vị,
sống theo những chuẩn mực đạo đức
nhưng không thể thiếu vẻ đẹp tâm hồn. Quan
niệm này đã kéo ông trở lại với nguyên tắc
tư duy kiểu nhà Nho khi thể hiện con người.
Tác giả rất quan tâm đến vấn đề
tạo giá trị tinh thần cho nhân vật chính diện,
nhân vật tiêu biểu cho loại người có
đạo đức. Loại nhân vật đó
thường mang vẻ đẹp ngoại hình vừa thanh
khiết, tinh anh, vừa gần gũi. Tuy nhiên, có cái khác nhà
Nho, ông không sử dụng yếu tố thiên nhiên để
tô vẽ bức chân dung nhân vật chính diện, mà sử
dụng các yếu tố cụ thể và rất
đời thường, cái vốn có của con
người để khắc hoạ hình dáng bên ngoài
của nhân vật: “Nàng
để đầu trần, tóc vuốt mà bới chớ
không cần lược, nhưng mà mái tóc nàng xấp xải
hai bàn tang, đầu tóc nàng xụ xộp đừng sau
ót, làm cho chiều lả lơi pha lộn với vẻ hữu
tình. Mặt nàng không dồi phấn mà trắng hồng
hồng, môi nàng không thoa son mà ửng đỏ đỏ;
hàm răng nàng khít khao mà lại trắng trong; chơn mày nàng
cong vòng mà lại nhỏ mức; ngón tay nàng dài mà nhọn
như mũi viết, lại thêm phao hồng hồng; móng
tay suông đuột nên đánh đờn xa coi dịu
nhểu, bàn chơn nàng không đi giày, mà gót ửng
đỏ, bàn no vun, nên hễ gió phất ống quần thì
ai cũng phải ngó”(Ngọn cỏ gió đùa, tr
71).
Đi kèm với cái đẹp là tài nghệ. Đó là tài cầm, kì, thi, hoạ.
Lý Ánh
Nguyệt (Ngọn cỏ gió
đùa) đánh đàn rất hay, Tuý Nga (Một đời tài sắc) làm
thơ rất
giỏi. Nếu không thì cũng thuộc dạng
người yêu thích văn thơ, cây cảnh, yêu vẻ
đẹp của thiên nhiên, muốn sống hoà mình với
thiên nhiên và tìm thấy sự bình yên thanh thản ở thiên
nhiên như cô Vân (Đoạn tình),
cô Hai Tân (Tân Phong nữ sĩ), Tự
Cường (Tại tôi),
Hai Cường (Sống thác vì
tình), Thu Hà (Khóc thầm),
v .v
Tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh xuất hiện khá phổ
biến mô tip nhân vật coi trọng vẻ đẹp tâm
hồn, có ý thức cao về việc nuôi dưỡng tâm
hồn sao cho cao thượng; coi công danh, phú quý là cái
tầm thường, là cái gieo khổ não phiền toái cho con
người. Nhân vật ông giáo Lạc (Đoá hoa tàn) đã khuyên Tuý
Nga:” Cháu phải thành tâm vui với cảnh hoa thơm
trăng tỏ, vui với thú thi tối cầm trưa, cháu
tập được như vậy rồi, tự nhiên trí
cháu tiêu diêu, lòng cháu thơ thới, cháu làm thi văn mới
thanh cao, tứ mới cao thượng”(tr 82). Tuy nhiên, cái
nhìn nhiều chiều đã giúp Hồ Biểu Chánh trở
nên thực tế. Với ông, tuỳ theo từng hoàn
cảnh, đặt vào từng đối tượng khác
nhau cần có sự thay đổi phù hợp. Người
đã từng trải, kinh qua nhiều sóng gió cuộc
đời, khi về già có được ý thức giữ
cho tâm hồn cao thượng, sáng trong bằng cách sống
từ bỏ công danh, phú quý, tìm sự an nhàn là hợp
lẽ, rất đáng quý. Nhưng đối với
lớp trẻ, cần phấn đấu vươn lên
để cống hiến cho xã hội, cần làm việc
và học hỏi để bắt kịp xu thế phát
triển chung của thời đại, thì không thể hoàn
toàn theo quan niệm ấy, mà phải biết xem xét hợp
hay không ở từng yếu tố cụ thể. Tác
giả đã để cho Hải Đường (Đoá hoa tàn) phát biểu suy
nghĩ của một người thuộc thế hệ
trẻ: ”Đã biết phú quí
thường là miếng mồi để câu mình vào
biển khổ, song có khi nó cũng là cái vật để
cho loài người cạnh tranh mà tấn hoá. Nếu loài người
ai cũng lo hưởng thú gió trăng, không thèm kể phú
quí, thì hại cho đường tấn hoá lắm”(tr 82).
Hồ Biểu Chánh đã rất sáng suốt trong việc
tiếp nhận tư tưởng của Lão giáo,
để đưa ra một quan niệm về con
người lí tưởng phù hợp đời sống
thực tế của xã hội đang hiện đại
hoá.
2.1.3. Con người
chức năng phận vị
trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh được
xây dựng theo mẫu hình con người chức năng
phận vị của nhà Nho. Tuy nhiên, đã có biểu
hiện cho thấy những chuyển biến trong quan
niệm về con người chức năng phận
vị. Con người như đang cựa quậy, muốn
bứt phá tất cả, để thoát ra ngoài chức
năng phận vị, mà vươn tới chân trời
tự do, được sống cho riêng mình, thoả mãn
khát vọng cá nhân. Nhưng tất cả đã bị kéo
trở lại với chức năng phận vị,
phải sống có trách nhiệm, phải làm tròn bổn
phận và ý thức về vị trí, vai trò của mình trong
mối quan hệ gia đình, xã hội. Do đó, chấp
nhận hi sinh tất cả những gì của cá nhân,
chấp nhận đau khổ riêng mình, có khi phải ôm
lấy nỗi sầu não cả một đời
để lo vun đắp hạnh phúc cho gia đình, cho
những mối quan hệ cộng đồng thân
thiết, bạn bè. Đôi nam nữ Thuần – Vân (Đoạn tình), một
người đã có vợ con, một kẻ là bạn thân
của vợ, cảm nhau vì tình, mến nhau vì tính cách,
hợp nhau về quan điểm sống, sắp ngã vào nhau
đã lập tức bật dậy như người say
sực tỉnh. Cô Vân như hét lên để cảnh
tỉnh cả chính mình: “Anh
điên rồi hay sao? Hai đứa nhỏ là máu thịt
của anh. Chị Hoà là người anh hứa hẹn
trăm năm. Anh không được phép khinh rẻ. Em
không cho anh phạm điều bất nghĩa ấy. Em
khuyên anh có can đảm thì đoạn tình với em đi.
Đạo nghĩa và phong hoá đều buộc anh phải
làm như vậy.”(tr 157).
Tác giả để cho Thuần không dễ dàng chấp
nhận từ bỏ tình cảm với cô Vân. Anh cảm
nhận sự mệt mỏi, chán chường khi chỉ
sống cho bổn phận, khao khát được yêu,
được sống với tình yêu theo đúng nghĩa. Anh
ta vừa tha thiết cầu xin cô Vân, vừa bất bình cho
những điều phi lí đang áp đặt lên mình: ”Hôm nay chúng ta
biết
được tình của nhau rồi, thế thì chúng ta
phải nuôi lấy mối thâm tình ấy, dại gì phải
trốn tránh mùi tri kỉ, tri âm, đặng mang mãi nỗi
sầu nỗi thảm”(tr 150,151). Tưởng như nhân
vật muốn nổi loạn
để tuyên chiến với những gì được
cho là hợp với phong hoá bấy giờ, sống cho danh
dự, sống vì đạo đức. Thế mà cuối
cùng Thuần cũng đã tuyên bố: ”vì gia đình, vì danh dự nên
tôi phải đoạn
tình tri kỉ, song tôi sẽ ôm chặt mối tình ấy trong
lòng tôi cho tới giờ tôi thở hơi cuối cùng, tôi
cũng ôm theo xuống cửu tuyền, không ai làm sao mà gỡ ra
được”(tr 152).
Con người trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh
quả là có nhiều vật vã, đau khổ vì đang trong
tình trạng giằng co dữ dội: vừa muốn
thoả mãn hạnh phúc cá nhân, vừa muốn gìn giữ
lối sống theo phận vị, làm tròn chức năng,
hay nói cách khác là vẫn muốn sống cho cái ta mặc dù
cái tôi đã trỗi dậy, cuốn hút mạnh mẽ, khó
khăn lắm mới cưỡng lại được
cái tôi. Có lúc, cái tôi cá nhân đã thôi thúc con người lên
tiếng bất bình: ”vì
trọng luân lý mà phải thống khổ như vậy”.
Sự bất mãn, pha chút chán chường nhưng chưa
đến mức tuyệt vọng đã làm cho con
người trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không
thể từ bỏ trách nhiệm, luôn thấy mình có bổn
phận với mọi người xung quanh, với
cuộc đời.
2.2. Sự
đổi mới trong quan niệm về con người cá
nhân
2.2.1. Quan niệm về
con người cá nhân đã
được thể hiện trong văn học trung
đại. Đến tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh, tiểu thuyết của giai đoạn giao thời
trong lịch sử văn học Việt Nam, quan niệm
về con người cá nhân tất yếu sẽ có
những đổi thay, tạo nét riêng nhất
định. Vào thời điểm Hồ Biểu Chánh
viết tiểu thuyết, khẳng định con
người cá nhân dám ý thức và sống cho bản ngã
vẫn còn là vấn đề mới mẻ, chỉ
mới bắt đầu phổ biến trong văn
học. Đối với thể loại tiểu
thuyết nó hãy còn là chuyện ít thấy. Con người cá
nhân trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tuy chưa
mạnh dạn sống cho bản ngã, chưa thể
tồn tại độc lập nhưng đã ý thức rõ
về bản ngã và đang muốn khẳng định mình
trước cuộc đời. Trước tiên là
khẳng định năng lực, năng lực phát
triển kinh tế nước nhà và năng lực chấn
hưng phong hoá xã hội.
Vì muốn duy trì sự
sống cho người thân và cho cả chính mình, anh nông dân
nghèo Lê Văn Đó với bản tính hiền lành đã
phải bao phen làm đạo tặc. Miếng ăn và
sự sống bị trả giá bằng tù đày, đòn roi
dã man. Sống trong xã hội như thế, con người
trở nên rẻ rúng đến tội nghiệp. Dường
như đã nhận ra chính sự thua sút về kinh tế
dẫn con người đến chỗ thấp hèn,
bị coi khinh, bị ức hiếp chèn ép một cách
bất công, anh Đó đã quyết tâm làm giàu, gây dựng
sự sống cho mình và cho những người cùng
cảnh ngộ bằng chính đôi bàn tay trắng và sự
cần cù. Cuối cùng anh đã thành công, thành công lớn! Anh
đã khẳng định được năng lực
của những con người nghèo. Con người cá nhân
như đã nhận thấy một thực tế trong cuôc
sống: càng có tiềm lực kinh tế thì càng có sức
mạnh quyền thế. Thiên Hộ Chánh Tâm được
quan trên kính nể, kẻ dưới bái trọng. Còn Lê
Văn Đó nghèo khổ luôn bị từ chối giúp
đỡ, bị rẻ khinh. Do đó, con người cá
nhân ý thức phát triển cuộc sống để khẳng định
mình.
Xã hội Việt Nam
đầu thế kỷ XX có nhiều thay đổi
lớn, phong hoá đang bị huỷ hoại dần
trước sự tấn công của lối sống
phương Tây. Con người cá nhân trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh khẳng định mình có
đủ năng lực chấn chỉnh xã hội,
bảo vệ phong hoá. Các hoạt động mở báo quán,
xây trường hoc, dựng nhà bảo sanh, …của các nhân
vật Tân Phong (Tân Phong nữ sĩ), cô Vân (Đoạn tình) để
giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi phụ
nữ, tạo cho phụ nữ có được cuộc
sống bình đẳng nhưng không bỏ quên thiên chức
làm vợ, làm mẹ, đã chứng minh năng lực
hoạt động xã hội của những cá nhân là
phụ nữ. Đây là nét mới ở tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh. Trong văn chương trung
đại, con người khẳng định năng
lực thường là những bậc tu mi nam tử.
Hiếm hoi có nữ sĩ Xuân Hương đã để
con người cá nhân là phụ nữ tự khẳng
định mình. Người phụ nữ trong thơ
Hồ Xuân Hương có thể đã rất tự tin
ở chính mình, mạnh dạn tuyên bố: ”Ví đây đổi phận làm trai
được. Thì
sự anh hùng há bấy nhiêu” nhưng vẫn chưa
chứng minh bằng việc làm cụ thể, để
tạo sức thuyết phục. Hồ Xuân Hương
khẳng định nhưng phải có điều kiện
“đổi phận làm trai
được”. Với dung lượng của tác
phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, lại
viết bằng văn xuôi, Hồ Biểu Chánh có đủ
điều kiện thuận lợi để miêu tả
cụ thể hành động nhân vật. Nhân vật
của ông không chỉ nói để khẳng định mà
còn làm để chứng minh. Những thành công trong hoạt
động “giải phóng
Phụ nữ” của cô Hai Tân (Tân Phong nữ sĩ) đã khiến
cho bác sĩ
Vĩnh Xuân, một người từng chê cô nên đã
từ hôn không cưới cô, cũng phải thán phục:”Thiệt tôi không
dè gái An Nam có
người lập tâm như cô vậy”(tr 166). Việc
làm cao cả của cô Vân, mở trường dạy
học để đào tạo phụ nữ tân thời
biết sống theo đạo đức truyền
thống của người Việt, được xem
như thắng lợi trong hoạt động chấn hưng
phong hoá. Với năng lực và tri thức sẵn có, con
người cá nhân khẳng định mình có thể làm
được nhiều việc cao cả và ích lợi cho
xã hội. Mặc dù Hồ Biểu Chánh có phần lí
tưởng hoá khi xây dựng loại nhân vật chính
diện là phụ nữ nhưng qua đó đã cho thấy
quan niệm tiến bộ của ông về người
phụ nữ, nhất là phụ nữ theo tân học. Đôi
khi, Hồ Biểu Chánh chú ý đề cao phụ nữ
lại có phần hạ thấp vai trò của nam giới.
Ông xây dựng không ít nhân vật nam thiếu bản lĩnh
trong cuộc sống. Khi phải đối mặt với
thử thách hoặc phải nếm mùi cay đắng
của cuộc đời, các nhân vật nam tỏ ra
yếu đuối, rất dễ rơi nước
mắt, phải nhờ vào sự giúp đỡ của
những người bạn là phụ nữ mới có
thể tìm được sự thanh thản cho tâm hồn,
gây dựng lại ý chí (Vĩnh Xuân – Tân Phong nữ sĩ; Hải
Đường – Đoá hoa tàn; Thiện – Đoạn tình…).
2.2.2. Con người cá
nhân trong tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh ý thức rõ về nỗi đau và
hạnh phúc đời thường. Là người ai
cũng có nỗi khổ riêng. Người nghèo
thường khổ, mà người giàu cũng khổ.
Kẻ có học và người thất học đều
cùng biết khổ. Có cái khổ do hoàn cảnh đưa
đến nhưng cũng có khi do con người tự
tạo ra cho mình. Hạnh phúc không dễ dàng có
được mà đau khổ cũng không nhanh chóng
biến mất. Thế nhưng, không vì cảm nhận
vấn đề trên mà con người trở nên bi quan,
tuyệt vọng. Con người cá nhân trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh tin vào luật nhân quả, vào
quan niệm thiện thắng ác.
Con người cá nhân trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nhận diện khá
tường tận những nỗi khổ của
đời thường. Sống với quan niệm đạo
đức chịu nhiều ảnh hưởng của Nho
giáo nhưng con người cá nhân đã nghĩ nhiều cho
mình. Dù còn hướng theo hôn nhân được xây dựng
bằng nghĩa nhưng ái tình vẫn tạo cho con
người sự say đắm, cuồng nhiệt không ít.
Vì thế khi chưa được thoả mãn con
người cá nhân thấm thía nỗi đau vì ái tình: ”…ái tình của
bậc cao
thượng thì thương tưởng nhau, yêu mến
nhau trong trí cũng đủ chẳng cần phải ở
chung nhà tuy vậy mà người cao thượng cũng có
máu thịt cũng có ruột gan như hạng bình dân,
bởi vậy nhiều khi cũng biết đau
đớn về sự thương mà không được
gần về sự nhớ mà không được nói ra”(Đoạn tình, tr 174)
Tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh đặc biệt khai thác đề tài gia
đình, ông quan niệm gia đình là một thành tố
rất quan trọng hợp thành xã hội. Xã hội có
tốt đẹp, bền vững là tuỳ thuộc vào gia
đình. Tuy nhiên, con người cá nhân trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh đã nhận ra gia đình
cũng là nơi hình thành bao khổ đau: ”tôi lập gia thất là
tính kiếm hạnh phúc, té ra
hạnh phúc không thấy mà tôi
lại thấy cảnh địa ngục ở trong nhà”(Tân Phong nữ sĩ,
tr174).
Đấy là khi trong gia đình vợ chồng không có
sự hoà thuận, thiếu tình yêu chân thành, mà mất
cả nghĩa tào khang. Vì không có được hạnh phúc
gia đình, con người cá nhân trong tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh cũng bắt đầu cất
tiếng than cho sự cô đơn, không người chia
sẻ, thiếu bạn tri âm: ”Tôi
cũng là một người như các người khác, tôi
cũng cần phải nói chuyện chơi cho giải trí,
tôi cũng cần phải tỏ việc vui, than việc tôi
buồn. Tôi bực mình là không biết nói chuyện với
ai, không ai chung vui chia buồn với tôi hết”(Tân Phong
nữ sĩ, tr 169).
Con người cá nhân trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đặc biệt
hiểu thấu nỗi khổ do chính mình tạo ra. Tham
vọng về quyền lực và tiền của cũng
đem đến nỗi khổ lớn cho con người.
Nhà văn đã để cho nhân vật tự vấn
lương tâm. Suy ngẫm lại các việc đã làm, con
người mới thật sự day dứt với
nỗi đau: ”Tôi nghĩ
lại thiệt tôi háo danh bậy lắm. Chớ chi hồi
trước tôi nghe lời bà nó thì đâu có cực lòng
cực trí như vầy”(Đoá
hoa tàn, tr 57). Sống trong
xã hội đương thời, con người cảm
nhận như luôn bị bủa vây bởi cái khổ. Ai
cũng có thể khổ đau, người khổ về
vật chất, kẻ đau về tinh thần. Phụ
nữ là đối tượng phải chịu
đựng nhiều nhất. Họ thốt lên những
lời than vãn thật chua xót: ”Đời
thiệt là khổ, mà nhất là đời của một
con gái”(Đoá hoa tàn, tr 30).
Người phụ nữ trong cái nhìn của Hồ
Biểu Chánh chịu rất nhiều bất công, họ
không chỉ phải vật lộn với cuộc mưu
sinh, mà còn “bị cái chế
độ gia pháp bó buộc”; còn là nạn nhân của
những dục vọng thấp hèn.
Con người cá nhân trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng đi tìm cách lí
giải cho nỗi đau đời thường. Trách
phiền ông Trời, đổ lỗi cho các đấng
siêu nhiên, đó là cách giải thích khá phổ biến trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Con người còn tin
vào mệnh trời. Do đó cũng dễ dàng chấp
nhận số phận nghiệt ngã, an bài với những
gì đang phải chịu đựng. Cũng có khi con
người thấy bất bình trước xã hội
bất công, lí giải cuộc đời trên cơ sở
có phần thực tế hơn, nỗi khổ sinh ra
từ sự suy thoái đạo đức của
người đời: “tại
lòng người nham hiểm, độc ác, nên mới có
việc uất ức” (Ngọn
cỏ gió đúa, tr 225).
Con người cá nhân trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh ý thức cuộc
đời nhiều đau khổ nhưng không ít hạnh
phúc: “mùi đời có ngọt bùi mà cũng có cay
đắng, thú đời có sung sướng mà cũng có
cực khổ”(Tại tôi,
tr 159). Chính vì vậy, dầu biết ái tình là đau khổ
người ta vẫn cứ yêu; gia đình có thể là gánh
nặng khó cất, người ta vẫn muốn tạo
dựng nó: ”Tuy khổ, song tôi
có ăn năn chút nào đâu. Về gia thất thì chí
của tôi vẫn còn hăng hái luôn luôn, mà vợ tôi cũng
không buồn, không ngả lòng. Vợ chồng tôi mà thương
yêu nhau hoài, thì khổ gì
cũng không sợ”( Tại
tôi, tr 99). Phải chăng con người cá nhân đang
cần được thoả mãn khát vọng tình yêu, sẵn
sàng đánh đổi bằng bao nhọc nhằn, gian truân
để được nó.
Hạnh
phúc được quan
niệm trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có cái gì
đó rất đơn giản nhưng lại hết
sức cao đẹp. Khi đã được trải
nghiệm trong cuộc sống phức tạp, nếm
đủ đắng cay, ngọt bùi của cuộc
đời, con người như nhận ra
được chân giá trị của sự sống, suy
nghĩ thực tế hơn, cao cả hơn về
hạnh phúc: ”hạnh phúc mà có,
là nhờ mình không hổ với bụng mình, không thẹn
với thiên hạ, nhờ gia đình hoà thuận, nhờ
tánh khí cao thượng, chớ không phải tại của
nhiều chức lớn mà được hạnh phúc
đâu” (Đoá hoa tàn, tr
65). Hồ Biểu Chánh là một nhà văn có cái nhìn tinh
tế về cuộc đời. Phải từng trải
nhiều ông mới có thể để cho nhân vật
của mình suy ngẫm mà đúc kết được bài
học kinh nghiệm sống rất sâu sắc: ”Mùi đời phải nếm cho
đủ rồi mới tỉnh trí an lòng được”(Đoá hoa tàn, tr
58). Có qua
đau khổ, có gặp mất mát con người mới
có thể bình tâm nhận ra đâu là hạnh phúc thật
sự, hạnh phúc bền vững.
Con người cá nhân trong
văn chương nhà Nho cũng nói nhiều về nỗi
đau, sự phiền não nhưng đó là nỗi đau
đời, sự phiền não cho nhân thế. Cái đau riêng
có nguồn cội từ cái đau chung. Mọi thứ
đều vì cộng đồng, cho cái ta. Hiếm thấy
trường hợp nói về nỗi đau cho riêng mình hay
phân tích mổ xẻ cái buồn vì chưa được
thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Những biểu hiện
kể trên trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã
góp thêm tiếng nói để khẳng định cái tôi
bản ngã đang phổ biến và bắt đầu
được chấp nhận.
2.2.3. Con người
cá nhân trong tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh đang hướng đến một
phương cách rèn luyện mới. Không ít nhân vật chính
diện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cho
rằng “Đời trái
ngược” nên chọn lối sống: ”lánh xa rồi để chí làm
bạn với nước non, vui say với trăng gió mà
chơi cho sạch thân, cho khoẻ trí”(Tại tôi, tr 161).
Thế nhưng, chúng ta không
thể kết luận con người cá nhân trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh là con người yếm
thế, lánh đời. Bởi vì, bên cạnh đó còn có
một kiểu con người cá nhân khác, đối
lập hẳn, hăm hở vào đời, trong tư
thế đối mặt với thử thách của
cuộc đời để được trưởng
thành thật sự, để có thể thành công và phát
triển vững chắc. Con người cá nhân trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có chủ trương
sống tự rèn luyện, thích lăn lộn với
thực tế. Thật không ngẫu nhiên chút nào khi tác
giả để cho nhân vật của mình thực hiện
những chuyến phiêu lưu. Người lớn phiêu
lưu mà trẻ em cũng phiêu lưu (Cay đắng mùi đời, Vì nghĩa vì
tình, Ai làm
được, Chúa tàu Kim Qui). Sau những chuyến phiêu
lưu, con người có thể đạt được
những kết quả tốt đẹp. Khi
được sống trong hoàn cảnh mới, tầm nhìn
mở rộng, con người thật sự mong muốn
thay đổi sự hiểu biết bằng việc
đi tìm những môi trường, điều kiện
sống mới hơn, rộng lớn hơn. Không còn
chấp nhận hạn chế tầm nhìn hay không gian
hoạt động ở phía sau luỹ tre làng như nhà Nho
thời phong kiến trước đó nữa. Con
người đã dám sống cho những khát vọng
lớn lao, tích cực vươn lên, hăm hở khám phá
để đạt được điều mới
mẻ. Đúng là tính cách của con người hiện
đại!
2.2.4. Tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh cũng khá
phổ biến loại nhân vật hám danh, hám tiền. Vì
tiền, vì danh lợi mà không từ bất cứ một
thủ đoạn nào để đạt
được. Là một nhà văn có tấm lòng nhân
hậu bao la, lại nhìn đời bằng lăng kính màu
hồng, Hồ Biểu Chánh luôn nhận thấy con
người và cuộc sống có những mặt trái đáng
sợ nhưng không vì thế mà lánh xa hoặc cương
quyết vứt bỏ tất cả cái xấu một cách
không suy xét. Với ông, chấn chỉnh, sửa đổi
cái xấu là công việc đáng được quan tâm. Ông
nhận thấy bên trong những con người xấu
vẫn còn có một lương tâm trong sáng, luôn phán xét
mọi hành vi của họ, có khi còn kịp thời ngăn
chặn để họ không lún vào hố sâu tội
lỗi. Con người cá nhân trong tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh tuy có những đam mê về tiền tài
vật chất, làm việc bất nghĩa nhưng vẫn
còn có thể biết mang mặc cảm tội lỗi. Nhân
vật thầy thông Phong (Thầy
thông ngôn) về cuối tác phẩm đã ăn năn
rất nhiều về những lầm lỗi của mình,
khao khát được sửa sai, đã làm rõ vấn
đề nói trên.
3. KẾT LUẬN
Tóm
lại, quan niệm về con người trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh thể hiện rõ những
biến đổi nghệ thuật trong việc miêu tả
con người và cuộc sống ở giai đoạn
văn học giao thời. Chịu ảnh hưởng
của cả hai nền Hán học và tân học, Hồ
Biểu Chánh tỏ ra chưa hoàn toàn phủ nhận quan
niệm của nhà Nho. Ông vẫn nhìn con người và
cuộc đời bằng cái nhìn của nhà Nho. Nhưng
Hồ Biểu Chánh là nhà văn không bảo thủ mà
rất sáng suốt khi đi theo con đường của
nhà Nho. Tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây, Hồ
Biểu Chánh có được cái nhìn mới mẻ, phóng
khoáng về con người. Với cái nhìn đa chiều và
tinh tế, Hồ Biểu Chánh quan niệm con người
trong giai đoạn hiện thời không thể hoàn toàn là
con
người chức năng phận vị. Hoàn cảnh
mới, những đổi thay của xã hội đã
dẫn đến sự khẳng định con
người cá nhân sống theo bản ngã. Tuy nhiên, Hồ
Biểu Chánh vẫn thấy rằng con người biết
sống theo bản ngã trong chừng mực nhất
định, nếu không quên chức năng phận vị
là con người lý tưởng nhất. Hạnh phúc
sẽ đến với ai biết dung hoà cái ta và cái tôi. Chính
quan niệm trên đã tạo cho tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh có những nét riêng và có sức sống lâu
bền trong lòng độc giả.
Trong
thời kì hiện đại hóa văn học, đổi
mới bao giờ cũng khởi phát từ cái nền
của truyền thống. Yếu tố hiện
đại và truyền thống luôn đan cài, kết
nối vào nhau để làm nên giá trị phù hợp nhất
với thời đại. Quan niệm về con người
trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã thể
hiện rõ đặc điểm nói trên. Dù theo quan niệm
của nhà nho Hồ Biểu Chánh vẫn có những
đổi thay nhất định. Và khi có được
cái nhìn mới mẻ, Hồ Biểu Chánh lại là
người tỏ ra rất tình
nghĩa với cái truyền thống. Đây cũng là
nét đặc trưng dễ nhận ra trong văn học
đầu thế kỉ XX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phan
Cự Đệ- Trần Đình Hượu- Nguyễn
Trác- Nguyễn Hoàng Khung- Lê Chí Dũng – Hà Văn Đức
(1998), Văn học Việt Nam
(1900 – 1945), NXB Giáo dục.
Nguyễn
Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương – Lí luận văn học vấn
đề và suy nghĩ (1999)- NXB Giáo dục.
Huỳnh
Thị Lan Phương (2006), Cái
nhìn của Hồ Biểu Chánh về người nông dân Nam bộ
(in trong Bình luận văn học, niên giám 2006), NXB Văn hóa
Sài Gòn.
Trang
Quan Sen- Phan Tấn Tài, Nguyễn Văn Nở (2006), Hồ Biểu Chánh-
Người
mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam
hiện đại, NXB Văn nghệ.
Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử,
Huyền Giang, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn,
Đoàn Thị Thu Vân - Về
con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam (1998)–
NXB Giáo dục.
[1] Nguyễn
Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương – Lí luận văn học vấn
đề và suy nghĩ (1999)- NXB Giáo dục, tr 211.
[3] Con
người chức năng phận vị (chữ dùng
của Nguyễn Hữu Sơn trong sách “Về con người cá
nhân trong văn học cổ Việt Nam”, Nxb Giáo
dục, 1998, tr 26) ý nói: con người sống theo bổn
phận, trách nhiệm; làm tròn bổn phận trách nhiệm
đúng với vị trí của mình trong gia đình cũng
như ngoài xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét