Cùng với hai hàng nước mắt giấu vội là một câu hỏi thật thảng thốt
bật ra: 'Rồi tiền đâu mà học?'. Đó là tất cả phản ứng của ba tôi sau vài
giây mừng rỡ khi con quăng chiếc xe đạp bể bánh giữa đường chạy vội về
báo tin trúng tuyển đại học...
- Con tự lo được! Câu nói như đinh đóng cột làm ba nhẹ lòng.
Thương lắm kìa, ngay trưa đó, không biết mượn được ở đâu ít tiền, ba đạp
xe ra chợ mang về cả cái đầu heo đem nấu cháo cúng trình ông bà rồi mời
cả xóm đến khoe. Mà mừng cũng phải thôi bởi bao nhiêu trông mong, hy
vọng chỉ còn lại nơi đây, vào đứa con út này.
Ba tuần sau, vét hết nồi cháo huyết của chị Huyền được trăm hai, cha con dắt díu nhau lên Sài Gòn.
- Ba gởi con ở nhờ nhà một người bạn nối khố của ba ngày xưa. Nhà chú
giàu, vợ chồng chú được lắm. Có được miếng ăn, chỗ ở là mừng lắm rồi
con.
- Dạ.
Vài quyển sách, hai cái áo, một cái quần và một chiếc xe đạp. Đó là tất
cả hành trang của đứa con tỉnh lẻ mười bảy tuổi vào đại học. Túi đồ cũng
nhẹ thôi nhưng tấm lưng cong oằn bởi sự trông mong của cả dòng họ, bởi
héo gầy của cha, quầng thâm của chị, gầy gò của cháu.
Xuống xe, đèo nhau bảy cây số giữa chang chang nắng rồi cũng đến nhà
chú. Căn nhà nhỏ, xinh và cũng có cây mận thật mát trước sân giống nhà
mình quá. Nhưng làm sao biết được rằng đằng sau khoảng sân êm đềm đó là
cả một trời bão giông...
Ăn xong với nhau được bữa cơm, tôi vội vã đạp xe đưa ba ra bến xe trở
về quê. Trước khi bước lên xe, ba vuốt vai nói với con một câu, đúng
một câu thật ngắn: "Ba tin con". Câu nói chỉ có ba chữ vậy mà, thật
không ngờ, lại có sức mạnh khôn cùng, giúp vực tôi dậy sau những vấp
ngã, dẫn dắt tôi đi đúng đường sau những lung lạc chông chênh.
Ba là vậy, không bao giờ dỗ dạy nhiều, chỉ hết mình sống, hết mình yêu
thương. Rồi con cái sẽ thấy đó, làm theo đó và từng bước trưởng thành.
Mãi sau này, qua một buổi pháp thoại của thầy Thích Nhất Hạnh, tôi mới
ngộ ra đó là cách giáo dục hay nhất trong tất cả các cách giáo dục: thân
giáo.
Tôi quay trở về ngôi nhà mới với hàng trăm cảm xúc không tên đeo mang trong lòng.
Tuổi mười bảy với vô số những ước mơ, hoài bão háo hức trong lòng nhanh
chóng ngụt tắt ngay sau đó, một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt giúp tôi
tỉnh táo và nhận ra rằng... không ai cho không ai một cái gì.
Đó là những tháng ngày tăm tối nhất, tôi luôn sống trong nơm nớp lo sợ
bởi những lời mắng chửi có thể trút lên đầu bất cứ lúc nào, đôi khi chửi
chỉ để cho biết thân một đứa ăn nhờ ở đậu.
Có lẽ lúc đó tôi là người mang nhiều chức danh nhất trên đời: sinh viên,
người giúp việc, đầu bếp, gia sư, tài xế xe đạp ôm và người chăm sóc...
chó. Đó hoàn toàn là những việc lần đầu tiên tôi làm nhưng xin cam đoan
rằng tất cả đều được hoàn thành tốt với một thái độ rất tích cực. Vậy
nhưng thím cũng vẫn không hài lòng. Và một khi không hài lòng thì chỉ có
một việc duy nhất thím có thể làm: chửi.
Bây giờ ngồi vạch lại những tháng ngày này, tôi thấy thương mình quá.
Những tháng ngày năm giờ sáng thức dậy dọn dẹp nhà cửa, xách giỏ đi chợ,
giặt đồ, nấu cơm cho người, nấu cơm cho chó vắt kiệt sức đến nỗi vào
lớp chỉ biết ngủ để chiều về còn đón rước hai em, tối đến dạy cho chúng
học. Cơm không bao giờ dám ăn no, ngủ không chiếu không mền, nửa khuya
chờ cho cả nhà say giấc mới rón rén bốc cơm nguội nuốt như một ăn trộm.
Mà đúng là ăn trộm chứ còn gì. Có khi vội quá mắc nghẹn đến trợn trắng,
nước mắt chảy ròng... Không một ai có thể sẻ chia vất vả và tủi nhục
này. Và có lẽ cũng không cần ai, mình ăn của người, mình phải làm trả.
Cũng đang sống đây mà.
- Con sống ra sao?
- Dạ được lắm ba, chú thím thương con lắm, ở nhà giàu sướng lắm.
Miệng trả lời mà mắt không dám nhìn thẳng vào ba bởi sợ rằng mình sẽ bật
khóc, sẽ bật khóc tức tưởi khi ba biết rằng con mình phải ngồi giặt
từng chiếc quần lót dính đầy máu của người đàn bà phải tháng, phải mua
thịt bò nấu riêng một nồi cho sáu con chó trong khi muốn gắp một miếng
rau, nó phải rón rén trông chừng.
Ba biết không, có những tối viện cớ đi mua đồ, con ra ngồi trước đường
nhìn về hướng quê nhà rồi trông chờ một cơn gió bởi con tin rằng ngọn
gió ấy chắc từng thổi qua nhà mình, nó sẽ mang theo chút hơi ấm của ba,
vỗ về con để thấy lòng còn được chút ấm. Nhưng con biết ba cũng đang nhớ
con, hy vọng ở con nên không dám ngồi lâu, con cắn răng quay vào.
Thú thật, nhiều lúc cũng ngồi trách ông trời. Mình sống đúng mà, làm
phải mà, vắt cạn sức rồi mà, nếu không thể thương yêu được thì chớ, sao
lại mắng chửi và giày xéo như thể đó là niềm vui vậy? Lòng tin vào con
người đã mất, khái niệm về sự công bằng, về những người tốt cũng không
còn. Điều đó thật đáng sợ với một người vừa chập chững vào đời, hơn cả
những đói lạnh, hơn cả những nhục nhằn. Nhưng thôi, xin lỗi ông trời,
người ta được quyền vậy mà.
Thưa thím, dù thế nào chăng nữa, con vẫn mang ơn thím, tạc dạ đến hết
đời vì những chén cơm, vì chỗ ngả lưng thím đã cho con và hơn hết là
những bài học về nhân tình thế thái. Nhờ có những tháng ngày được chú
thím cưu mang, bước chân con mới vững vàng hơn, trái tim và tâm hồn con
mới cứng rỏi hơn, lẽ đời được con hiểu nhiều hơn. Nhưng thím vẫn còn nợ
con, thím nợ con một lời xin lỗi. Mỗi lần quay về, trước là để vấn an
chú thím, sau là để chờ nghe một lời xin lỗi. Mười bốn năm rồi, chắc
thím đã quên hay thím không muốn nhớ?
Nếu thím không muốn nhớ, con đành chịu nhưng nếu thím quên, cho con xin
nhắc lại. Một buổi tối không hiểu vì lẽ gì, trong lúc con đang rửa chén,
thím ném cái ví tiền vào mặt con và mắng rằng:
- Có khổ thì xin tao cho chứ đừng ăn cắp như vậy! Rồi thím đòi đưa con lên công an.
Trời ơi!
Ngay trong đêm đó, con đã cảm ơn chú thím và cuốn ba lô ra đi. Chỉ trong
đêm đó thôi, thím đã biết ai là người lấy số tiền, đúng không?
- Ba ơi, con kiếm được việc làm rồi, con muốn ra ngoài thuê nhà ở. Ngày mai cha con mình lên cảm ơn chú thím đi ba.
- Ừ.
Lúc con về thăm, sao thím không nhìn thẳng vào mắt con, nói một câu gì đó, hả thím?
Chỉ cần có vậy, con sẽ quên ngay thôi mà.
P.S.: Viết để cảm ơn những ngày tháng nhọc nhằn. Để tặng những bạn trẻ
chuẩn bị tạm biệt quê nhà bước vào giảng đường, bước xuống đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét