THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Thi hành án hình sự được quy định trong phần thứ năm BLHS về thi hành Bản án và Quyết định của Tòa án. Trong đó, từ chương XXV đến chương XXIX bao gồm các Điều từ 255 đến 271 BLHS. Đây là công tác chuyên môn, ngành Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên thực hiện. Tuy nhiên, cán bộ thực hiện công tác này tại Tòa án nhân dân cấp huyện thường kiêm nhiệm nên không chuyên sâu. Ngoài ra, nhiều Chánh án mới được bổ nhiệm nên việc tiếp cận công việc cũng gặp khó khăn. Tài liệu tập huấn này giúp cho cán bộ thực hiện công tác thi hành án hình sự cũng cố lại kiến thức và hiểu thống nhất các quy định pháp luật hình sự về lĩnh vực này để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả hơn.
1.Những quy định chung về thủ tục đưa ra thi hành bản án và quyết định của Tòa án.
1.1.Những bản án và quyết định thi hành
Theo quy định tại Điều 255, những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:
a)Những bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;
b)Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c)Những quyết định của Tòa án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;
Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Trừ trường hợp bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì phải ra quyết định thi hành án khi án có hiệu lực, việc trả tự do căn cứ vào bản án, các trường hợp trên còn lại căn cứ vào bản án, quyết định do Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử đã ra để thi hành
Nội dung quy định trên cho thấy thông thường chỉ những bản án và quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mới được đưa ra thi hành. Vấn đế đặt ra là lúc nào bản án có hiệu lực pháp luật. Đối với các bản án, quyết định giám đốc thẩm và tái thẩm thì việc xác định dễ dàng vì có hiệu lực pháp luật ngay. Đối với cấp sơ thẩm, phải chờ hết hạn kháng cáo - kháng nghị, qua thực tiễn có Tòa án đã ra quyết định khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật vì còn trong thời hạn kháng nghị.
Ví dụ: Ngày 1/10/2006 Tòa án cấp sơ thẩm xét xử nguyễn Văn A về tội Trộm cắp tài sản và tuyên phạt 3 năm tù. Bị cáo không kháng cáo bản án, ngày 17/10/2006 Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành hình phạt tù đối với bị cáo. Mặc dù bị cáo không kháng cáo nhưng bản án vẫn còn trong thời hạn kháng nghị nên việc ra quyết định vào ngày 17/10/2006 là sai; đúng phải là từ ngày 2/11/2006 mới được ra quyết định thi hành hình phạt tù nếu không có kháng nghị của Viện kiểm sát.
Do vậy trong quá trình thực hiện chúng ta cần chú ý về thời hạn này. Các tình huống đặt ra mà Tòa án cấp sơ thẩm thường gặp đó là trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, Trại tạm giam và Viện kiểm sát đề nghị Tòa án xử lý vì người bị kết án ốm nặng có thể chết trong trại tạm giam hay nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc là lao động duy nhất trong gia đình. Khi gặp các tình huống này, Tòa án cấp sơ thẩm cần có văn bản trả lời để Trại giam và Viện kiểm sát biết trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, bản án và quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật nên Tòa án không thể ra bất kỳ quyết định nào.
1.2.Thủ tục đưa ra thi hành bản án và quyết định của Tòa án (Điều 256).
Để việc đưa người bị kết án đến trại giam thi hành án thì trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể tư ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành hoặc ủy thác cho Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án (Thời hạn này đã được đề cập trong ví dụ ở phần 1.1). Quyết định thi hành án phải được thực hiện theo mẫu thống nhất trong toàn ngành và đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại khoản 2 Điều 256 BLTTHS và được gửi đến VKS, cơ quan thi hành án, trại và người bị kết án.
Cơ quan thi hành án theo quy định của BLHS, cụ thể như sau:
-Cơ quan công an thi hành hình phạt trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tham gia hội đồng thi hành hình phạt tử hình;
-Chính quyền phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc có nhiệm vụ theo dõi, giáo dục, giám sát việc cải tạo của những người được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ.
-Việc thi hành hình phạt quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định do Chính quyền phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi thi hành án đảm nhiệm.
-Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền.
Trong trường hợp người bị kết án phạt tù giam nhưng đang tại ngoại thì phải tống đạt quyết định cho họ và gửi đến cơ quan công an cùng cấp để áp giải thi hành án trong trường hợp họ không tự nguyện thi hành án. Vấn đề ra quyết định thi hành hình phạt đối với người bị phạt tù giam nhưng đang tại ngoại cần phải được chú ý trong trường hợp người bị kết án có địa chỉ thường trú ở tỉnh (huyện) khác nhưng lại có nơi tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh (hoặc huyện nơi xử sơ thẩm). Theo quy định tại Điều 256 BLTTHS thì Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định ủy thác đến Tòa án nơi người bị kết án thường trú để nơi đây ra quyết định thi hành hình phạt tù. Thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp trong bản án chỉ có một địa chỉ thường trú của người bị kết án nhưng Tòa án nơi đây xác minh người bị kết án đã bỏ đi nơi khác nhưng không địa chỉ cụ thể nên hoàn trả quyết định ủy thác. Trong trường hợp này cần phải có văn bản để yêu cầu Tòa án được ủy thác phải nhận quyết định ủy thác và làm các thủ tục theo quy định của luật hình sự. Trường hợp khi Tòa án được ủy thác trả lại và kèm theo xác minh nơi đến của người bị kết án tại địa phương mình thì nơi đây phải hủy quyết định ủy thác, ra quyết định thi hành hình phạt tù để người bị kết án thi hành. Trường hợp địa chỉ cư trú của người bị kết án không ở địa phương mình thì hủy quyết định ủy thác để ra quyết định ủy thác mới về Tòa án nơi người bị kết án đang cư trú; ngoài các tài liệu theo quy định cần gửi kèm kết quả xác minh địa chỉ cư trú để Tòa án được ủy thác biết.
1.3.Truy nã thi hành án.
Khi Công an có thông báo người bị kết án tại ngoại đã bỏ trốn thì chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải có công văn yêu cầu công an cùng cấp ra quyết định truy nã theo khoản 4 Điều 256 BLTTHS.
Trường hợp trong giai đoạn xét xử bị cáo đã bị truy nã thì giai đoạn thi hành án không yêu cầu truy nã.
2.Hoãn chấp hành hình phạt tù
Đây là chính sách nhân đạo của Nhà nước ta trong việc thi hành án.Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 BLHS, Tòa án có thể cho hoãn chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp sau:
a)Bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b)Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c)Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đén một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d)Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ thì được hoãn đến một năm.
Các trường hợp trên luật không bắt buộc phải cho hoãn mà có thể cho hoãn, do đó để thống nhất trong việc xét hoãn chấp hành hình phạt tù thì hồ sơ xét hoãn cần phải có:
-Đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù của người bị kết án hoặc của người thân thích của người bị kết án có xác nhận của chính quyền nơi người đó cư trú về lý do xin hoãn chấp hành hình phạt tù và thái độ chấp hành chính sách pháp luật tại địa phương. Cần phải có đơn để thể hiện ý chí của người bị kết án đồng thời thái độ của chính quyền địa phương về yêu cầu hoãn chấp hành án của họ để Tòa án xem xét. Trong thực tiễn, nhiều người bị kết án lợi dụng chính sách này để chây ì nên không làm đơn, cơ quan công an không thể áp giải vì họ có điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù. Khi gặp trường hợp này, Tòa án cần phải lập biên bản giải thích, quy định thời hạn nộp đơn, quá thời hạn quy định mà họ không nộp đơn thì không có cơ sở để xem xét việc hoãn chấp hành án, Tòa án cần có văn bản báo cho cơ quan công an được biết và yêu cầu cơ quan công an áp giải thi hành án đối với người bị kết án.
-Các tài liệu chứng minh về lý do hoãn thi hành án như: bản sao khai sinh của con dưới 36 tháng tuổi; các loại giấy tờ của cơ quan y tế về trường hợp bị bệnh nặng; bản toàn sao hộ khẩu để xác định hoàn cảnh gia đình có phải là lao động duy nhất; giấy chứng nhận vì nhu cầu công vụ…
Khi xem xét để có thể cho hoãn chấp hành án thì Tòa án cần chú ý về thời hạn, mặc dù luật quy định đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ thì được hoãn đến 36 tháng tuổi nhưng nếu Tòa án ra quyết định hoãn 3 năm thì sẽ khó theo dõi lý do hoãn có sự thay đổi nào không ( ví dụ như họ không còn mang thai hoặc con đã chết hay giao cho người khác nuôi dưỡng). Do đó, quyết định nên có thời hạn là 1 năm, hết hạn làm tiếp thủ tục khác để khẳng định lý do hoãn vẫn còn.
Đối với những trường hợp bị bệnh nặng thì phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì Tòa án cho hoãn có thời hạn như trên, nếu Tòa án cho hoãn đến khi sức khỏe phục hồi thì phải có sự kiểm tra về sức khỏe để xác định bệnh chưa hồi phục.
Đối với trường hợp là lao động duy nhất thì phải hiểu trong gia đình chỉ có người bị kết án là người lao động, ngoài họ ra không còn ai có thể lao động để nuôi sống gia đình (ví dụ trong gia đình còn lại người trên 60 tuổi, trẻ em, người khuyết tật mà họ phải nuôi dưỡng…), Đơn của người bị kết án xin hoãn với lý do là lao động duy nhất phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
Nếu thấy có đủ điều kiện thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án cho người bị kết án được hoãn chấp hành án; trường hợp không chấp nhận thì phải thông báo nêu rõ lý do không chấp nhận.
Chậm nhất là 7 ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù, Chánh án Tòa án đã cho hoãn chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định thi hành hình phạt tù và gửi ngay quyết định thi hành án cùng bản án, quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan công an cùng cấp và người bị kết án trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù.
3.Tạm đình chỉ thi chấp hành hình phạt tù.
3.1.Thẩm quyền
Theo quy định tại Điều 62 BLHS thì người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 BLHS thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Khác với hoãn chấp hành hình phạt tù, Tòa án chỉ cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát hoặc Ban giám thị trại giam nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù.
Về thẩm quyền thì BLTTHS năm 2003 quy định tại Điều 262 như sau:
a)Chánh án Tòa án cấp tỉnh nơi người đang chấp hành hình phạt tù có thể cho người đó được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 và Điều 62 BLHS.
b)Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể cho người đang chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 61 và Điều 62 BLHS.
Như vậy, chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người đang chấp hành án mới có quyền cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án bệnh nặng. Các trường hợp còn lại do chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm giải quyết.
Ví dụ:
1.Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, Tp HCM xử phạt tù và đang thi hành án tại trại giam Cái Tàu – Cà Mau. Nguyên Văn A bị bệnh nặng, theo đề nghị của Ban giám thị trại Cái Tàu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã cho Nguyễn Văn A được tạm đình chỉ chấp hành án.
2.Nguyễn Thị B bị Tòa án nhân dân quận 10, Tp HCM xử phạt tù và đang thi hành án tại trại giam Kênh 5 – Cần Thơ. Nguyễn Thị B có thai trong trại, theo đề nghị của Ban giám thị trại giam Kênh 5, Chánh án Tòa án nhân dân quận 10 có thể cho Nguyễn Thị B được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án nơi người bị kết án đang chấp hành án, nếu thấy đủ điều kiện thì ra Quyết định Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, nếu không đủ điều kiện thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
Chậm nhất là 7 ngày trước khi hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, Chánh án Tòa án đã cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định thi hành án đối với phần hình phạt còn lại và gửi ngay quyết định đó cho cơ quan Công an cùng cấp nơi Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ và người bị kết án.
3.2.Theo dõi việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Tòa án cần lập hồ sơ theo dõi để khi hết hạn hoặc lý do tạm đình chỉ không còn để ra quyết định tiếp tục thi hành hình phạt tù đối với người bị kết án. Tại Tòa án nhân dân thành phố, ngoài những hồ sơ do Tòa án thành phố có quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù còn phải theo dõi những quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 262 BLTTHS do Tòa án các tỉnh khác gởi về.
Thông tư liên tịch số 02/TTLT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/05/2006 đã hướng dẫn tại mục 8.3 như sau: “Chánh án Tòa án nơi người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cư trú để chữa bệnh có trách nhiệm có trách nhiệm phối hợp với chính quyền phường, xã , thị trấn được giao quản lý người được tạm đình chỉ theo dõi việc chấp hành quyết định đình chỉ của người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Nếu thấy sức khỏe của họ đã phục hồi thì phải báo ngay cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ để ra ngay quyết định thi hành hình phạt tù. Trường hợp thấy khó đánh giá là sức khỏe của người bị kết án đã phục hồi hay chưa thì Chánh án Tòa án cấp tỉnh nơi người bị kết án cư trú để chữa bệnh có trách nhiệm trưng cầu giám định sức khỏe cho họ. Kết luận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh trở lên là căn cứ để Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù ra quyết định tiếp tục thi hành án đối với họ hay không”. Như vậy, mặc dù Chánh án Tòa án nơi người bị kết án cư trú không ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nhưng vẫn phải theo dõi tình trạng về sức khỏe của người bị kết án và làm thủ tục trưng cầu giám định sức khỏe để xác định tình trạng bệnh của người bị kết án. Trường hợp người bị kết án chết, mục 8.4 của thông tư quy định gia đình của họ hoặc chính quyền phường, xã, thị trấn được giao quản lý người được tạm đình chỉ phải báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ và chánh án Tòa án nơi người bị kết án cư trú biết. Tuy nhiên, trong thực tế ít khi gia đình của người bị kết án hay chính quyền phường, xã, thị trấn báo về trường hợp người bị kết án chết nên cần phải mời gia đình của người bị kết án đến để họ cho biết về tình trạng bệnh của họ; qua đó nếu họ đã chết thì yêu cầu gia đình họ nộp giấy chứng tử để làm cơ sở báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ biết. Trường hợp Chánh án Tòa án nơi người bị kết án cư trú cũng là Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành hình phạt tù thì sẽ thuận lợi trong việc ra quyết định đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
4.Thời hiệu thi hành bản án
Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định tại Điều 55 BLHS năm 1999, Điều luật này có sự thay đổi về mức hình phạt tối đa trong từng thời hạn cụ thể so với Điều 46 BLHS năm 1985 nên khi áp dụng chúng ta cần chú ý về thời điểm phạm tội để áp dụng cho chính xác. Khoản 2 Điều 55 BLHS quy định: a) Năm năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoăc bị xử phạt tù từ ba năm trở xuống; b)Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù trên ba năm đến mười lăm năm; c) Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù trên mười lăm năm đến ba mươi năm. Thời hiệu thi hành bản án được tính kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn trên người bị kết án phạm tội mới thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới. Hoặc trong thời hạn đó người bị kết án cố tình tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời hiệu tính kể từ ngày người đó ra trình diện.
Ví dụ:
1. Ngày 25/2/2002 Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh xử phạt 2 năm tù về tội trộm cắp, thời hạn tù tính kể từ ngày bắt chấp hành án. Bản án không có kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành nhưng Nguyễn Văn A chưa chấp hành bản án. Đến nay bản án đã hết thời hiệu thi hành án nếu Nguyễn Văn A không phạm tội mới, không trốn tránh và không bị truy nã thì Tòa án không buộc Nguyễn Văn A phải thi hành bản án.
2. Ngày 20/3/2002 Nguyễn Văn B bị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 2 năm tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, thời hạn tù tính từ ngày bắt chấp hành bản án. Nguyễn Văn B chưa thi hành án. Ngày 25/3/2007 Nguyễn Văn B phạm tội mới, khi xét xử Tòa án phải tổng hợp hình phạt bản án đã xét xử ngày 20/3/2002.
Chú ý: Thời hiệu thi hành bản án chỉ áp dụng đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành vì bị bỏ quên hoặc bị thất lạc.
5.Miễn chấp hành hình phạt tù.
Miễn chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 57 BLHS đối với những trường hợp người bị kết án đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa chấp hành hoặc đã chấp hành được một phần hình phạt thì có thể được Tòa án xem xét cho miễn chấp hành hình phạt tù nếu đủ những điều kiện trong từng trường hợp cụ thể sau:
5.1.Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Lập công lớn có thể được hiểu như đã giúp cơ quan điều tra trong việc báo tin tội phạm cụ thể, giúp cho cơ quan điều tra phá án nhanh chóng hay trong thiên tai, hỏa hoạn đã cứu được người, tài sản có giá trị hàng chục triệu đồng… Khi đã lập công thì yếu tố cần thiết theo quy đinh của luật là “ nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” thì mới đủ điều kiện xem xét. Việc lập công và không còn nguy hiểm cho xã hội phải được cơ quan, tổ chức nơi sử dụng hoặc nơi xảy ra vụ việc, chính quyền nơi người bị kết án cư trú có văn bản xác nhận và đề nghị. Hồ sơ phải được chuyển đến Viện kiểm sát có ý kiến trước khi Tòa án quyết định.
5.2.Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
5.3.Đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đã được hoãn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 61 BLHS, nếu trong thời gian được hoãn đã lập công, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt. Khác với điều kiện trong trường hợp ở mục 5.1, trường hợp này chỉ cần trong thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù đã lập công lớn thì có thể xem xét để miễn chấp hành hình phạt cho họ.
5.4. Đối với người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 62 BLHS, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ đã lập công, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
5.5.Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành hình được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
5.6.Trường hợp người bị kết án phạm tội nhẹ chỉ bị xử phạt tù từ 5 năm trở xuống mà vì bệnh tật, sinh đẻ hoặc hoàn cảnh quá khó khăn được tạm hoãn thi hành án nhiều lần, thời giam tạm hoãn đã bằng thời hiệu thi hành án mà trong thời gian đó, họ không phạm tội mới, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì Tòa án ra quyết định miễn chấp hành hình phạt tù. Trong trường hợp bản án chậm được thi hành , nhưng khi đưa ra thi hành án lại phải tạm hoãn nhiều lần thì thời gian trước khi bản án được đưa ra thi hành cũng được tính vào thời gian tạm hoãn. Trường hợp tạm đình chỉ thì phần hình phạt còn lại cũng được giải quyết như trường hợp tạm hoãn (theo hướng dẫn tại thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 26/12/1986 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, Bộ Nội vụ).
5.7.Miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết 32/1999/QH10
Theo quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết 32/1999/QH10 thì không xử lý người thực hiện hành vi mà BLHS trước đây quy định là tội phạm nhưng BLHS này không quy định là tội phạm. Trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
5.8.Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết miễn chấp hành hình phạt.
5.8.1.Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.
-Theo quy định tại Điều 269 BLTTHS, Tòa án có thẩm quyền quyết định miễn chấp hành hình phạt tù là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc. Như vậy, chỉ có Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc mới có thẩm quyền giải quyết miễn chấp hành hình phạt tù; quy định này không lệ thuộc bản án do cấp nào xét xử.
-Đối với các trường hợp miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết 32/1999/QH10 được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH10. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn chấp hành hình phạt tù, cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội ;
5.8.2.Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
Việc miễn chấp hành các hình phạt khác thuộc thẩm quyền quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định miễn chấp hành đối với các hình phạt không phải là hình phạt tù và cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội đối với trường hợp theo Nghị quyết 32/1999/QH10
5.8.3.Thủ tục miễn chấp hành hình phạt tù.
Hồ sơ miễn chấp hành hình phạt tù phải có đơn của người bị kết án, bản án, quyết đinh có hiệu lực pháp luật; quyết định thi hành hình phạt tù; các tài liệu khác có liên quan như quyết định tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; hồ sơ bệnh án chứng minh mắc bệnh hiểm nghèo; văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, chính quyền nơi người bị kết án cư trú; văn bản xác nhận không phạm tội mới, không bị truy nã… Ngoài ra hồ sơ còn phải có văn bản đề nghị của Viện kiểm sát.
Tòa án thành lập hội đồng xét miễn chấp hành hình phạt tù gồm 3 Thẩm phán (trong đó có một Thẩm phán chủ tọa và hai Thẩm phán thành viên), phiên họp xét miễn chấp hành hình phạt phải có sự tham gia của Đại diện Viện kiểm sát và thư ký Tòa án ghi biên bản.
Đối với các trường hợp miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết 32/1999/QH10 thì phải do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị và Chánh án ra quyết định mà không cần thành lập Hội đồng.
Chú ý: Đối với người bị kết án lập công lớn có thể miễn chấp hành toàn bộ hình phạt nhưng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo chỉ được miễn chấp hành hình phạt tù giam, cải tạo không giam giũ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, quản chế, cấm cư trú .
6.Tổng hợp hình phạt.
Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì chánh án Tòa án ra quyết định tổng hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 51BLHS.
*Về thẩm quyền:
Thẩm quyền tổng hợp hình phạt được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cụ thể như sau:
-Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực đều cùng của một Tòa án thì chánh án Tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.
- Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp thì chánh án Tòa án xử sau ra quyết định tổng hợp hình phạt.
- Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực là của các Tòa án khác nhau nhưng không cùng cấp thì chánh án Tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.
-Trong trường hợp nếu có bản án của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự chưa được tổng hợp thì cũng được thực hiện như trên (Lưu ý Tòa án cấp huyện và Tòa án khu vực là ngang cấp, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp Quân khu ngang cấp).
-Đối với trường hợp có bản án của Tòa án nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và bản án của Tòa án Việt nam thì Chánh án Tòa án tối cao tổng hợp hình phạt.
*Những vấn đề cần chú ý khi tổng hợp hình phạt:
-Không tổng hợp hình phạt những trường hợp sau:
+ Đều bị phạt tù nhưng hưởng án treo;
+ Đều bị phạt tù nhưng có bản án được hưởng án treo, có bản án không được hưởng án treo;
+ Bị phạt tù, nhưng được hưởng án treo theo bản án này và bị phạt với hình phạt khác không phải là phạt tù theo bản án khác.
-Tổng hợp hình phạt bổ sung:
Khi tổng hợp hình phạt bổ sung khác loại của các bản án thì từng trường hợp cụ thể mà quy định một hình phạt bổ sung chung cho các bản án.
Ví dụ: Có bản án phạt cấm cư trú, có bản án phạt cấm làm công việc nhất định thì khi tổng hợp chỉ buộc người bị kết án phải chịu một trong hai loại hình phạt trên.
7.Rút ngắn thời gian thử thách của án treo.
Đây là trường hợp được quy định theo khoản 4 Điều 60 BLHS. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Về nguyên tắc thời gian thử thách của án treo là từ một năm đến năm năm và không được ít hơn mức hình phạt tù. Cơ sở để rút ngắn thời gian thử thách của án treo là văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo dõi, giáo dục người bị kết án. Như vậy, đối với các trường hợp mức hình phạt tù và thời gian thử thách bằng nhau thì không được rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Những trường hợp thời gian thử thách dài hơn mức hình phạt tù thì sẽ được xem xét để rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Tòa án cấp huyện nơi người bị kết án cư trú có trách nhiệm giải quyết với Hội đồng gồm 3 Thẩm phán hoặc hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân.
Ví dụ: Ngày 25/09/2005 Nguyễn Văn A bị Tòa phúc thẩm -Tòa án nhân dân tối cao xét xử 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là năm năm, thời hạn tính từ ngày tuyên án sơ thẩm và giao về chính quyền địa phương tại quận 1, tp HCM quản lý giáo dục trong thời gian thử thách. Nếu không rút ngắn thời gian thử thách của án treo thì đến ngày 26/09/2010 hết thời gian thử thách của án treo. Nếu rút ngắn thời gian thử thách của án treo thì thời hạn một phần hai sẽ được tính từ ngày 26/3/2009 và việc rút ngắn không quá 12 tháng. Tòa án giải quyết là Tòa án quận 1.
8.Xóa án tích
8.1.Đương nhiên xóa án tích
Xóa án tích được quy định tại các Điều 63, 64, 65, 66, 67 BLHS và Điều 270, 271 BLTTHS. Theo các quy định này thì người bị kết án sau khi chấp hành xong bản, hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án trong một thời hạn được quy định theo từng mức hình phạt nếu người bị kết án không phạm tội mới thì đương nhiên được xóa án tích và coi như chưa bị kết án. Thời hạn là một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo; Ba năm trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù trên ba năm đến mười lăm năm; Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù trên mười lăm năm.
8.2.Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
Những người bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV BLHS, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ lao động của người bị kết án, trong các trường hợp quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 65 BLHS.
Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích. Nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới được xin xóa án tích.
8.3.Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị thì có thể được Tòa án xóa án tích nếu người đó đã đảm bảo được ít nhất một phần ba thời hạn quy định. Một phần ba thời hạn được hiểu là một phần ba của các thời hạn được quy định tại Điều 64 về Đương nhiên xóa án tích.
8.4.Cách tính thời hạn để xóa án tích
Thời hạn quy định tại Điều 64 và 65 BLHS được căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Nếu chưa xóa án tích cũ mà phạm tội mới, thì thời hạn để xóa án tích cũ tính tù ngày chấp hành xong bản án mới. Chấp hành xong bản án được hiểu là thi hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các nghĩa vụ khác đã được quyết định trong bản án.
8.5.Thẩm quyền giải quyết xóa án tích:
Điều 270 và Điều 271 BLTTHS quy định Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người có yêu cầu trong trường hợp đương nhiên xóa án tích; trong trường hợp do Tòa án quyết định nếu đủ điều kiện thì ra quyết định xóa án tích.
8.6.Thủ tục giải quyết xóa án tích
8.6.1.Đương nhiên xóa án tích.
Người bị kết án có đơn yêu cầu kèm theo các tài liệu như bản sao bản án sơ thẩm (phúc thẩm nếu có), giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các biên lai thu tiền án phí, tiền bồi thường …, giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an cấp huyện nơi người đó cư trú cấp, bản sao chứng minh nhân dân. Chánh án Tòa án Tòa án đã xử sơ thẩm kiểm tra các loại giấy tờ này nếu đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho họ.
8.6.2.Xóa án tích do Tòa án quyết định và trong trường hợp đặc biệt
Người bị kết án phải có đơn và các tài liệu kèm theo như trường hợp đương nhiên xóa án tích đồng thời phải có văn bản nhận xét của chính quyền phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc. Các tài liệu này Tòa án phải chuyển đến Viện kiểm sát cùng cấp để phát biểu ý kiến bằng văn bản để Tòa án xem xét ra quyết định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét