Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Nước mắt mùa Vu lan

ằm tháng 7 hàng năm – cũng là ngày lễ Vu lan, ngày báo hiếu cha mẹ – dù bận đến mấy, nhiều người con vẫn tranh thủ vào chùa, ước nguyện. Chúng tôi đã gặp, vẫn những nụ cười và không ít nước mắt – trên sân chùa mùa Vu lan năm nay, như bao mùa Vu lan trước. Chuyện quen, nhưng không tránh được nỗi xúc động dâng tràn...

Phật tử hành lễ cầu phúc cho cha mẹ nhân ngày Vu lan, 24.8.2010 tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật
“Ai cũng vậy thôi, thương mẹ là tình cảm rất tự nhiên chẳng mỹ miều, trau chuốt hay so tính”, Trà My, một cô gái trẻ, mắt lấp lánh niềm vui đã nói với chúng tôi như vậy khi chúng tôi gặp chị ở một ngôi chùa nhỏ nằm tĩnh lặng ở quận 1, TP.HCM. Trên ngực áo My là một bông hồng đỏ. Chị bảo công ty mình làm gần chùa nên tranh thủ buổi trưa vào thắp một nén nhang, cầu cho ba mẹ luôn được bình an.

Quê ở Quảng Bình, vào TP.HCM học và làm việc gần mười năm, hơn một lần My đã suýt mất mẹ. Ngày mẹ cô nhập viện mổ khối u ở não, My quỳ trước phòng phẫu thuật suốt bảy tiếng đồng hồ, lòng tràn ngập lo sợ. Rồi may mắn đã mỉm cười. Mẹ chị thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh dù sức khoẻ của bà đã không còn được như trước. Mới đây, nghe tin My bệnh, mẹ chị ngoài quê đi thật xa tìm lá thuốc rồi tỉ mẩn xắt, phơi khô, đóng gói gửi vào với những lời căn dặn đầy yêu thương. My nói với chúng tôi: “Đêm qua nằm nghe bài hát Lòng mẹ, đến đoạn ru “Sương rơi trắng bạc đầu non. Bao nhiêu sông cái đổ dồn về khơi. Mẹ là tất cả mẹ ơi. Trăm năm vắt cạn trút đời vì con…”, tôi không kìm được nước mắt”. Chị nói dù có kể bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào nói hết tình thương mẹ đã dành cho chị.

Không có được hạnh phúc như Trà My, Duy Thông mất mẹ từ lúc mới học cấp 2. Trò chuyện với chúng tôi sau khi cắm xong nén nhang trên bàn thờ Phật tại một ngôi chùa ở quận 3, Thông cho biết anh lớn lên trong tình thương và sự che chở đủ đầy của ba, nhưng nhiều lúc anh vẫn thấy mình bơ vơ, nhất là những lúc như ngày hôm nay. Tuy chỉ mới quen biết, Thông vẫn rất chân thành khi kể với chúng tôi anh hạnh phúc thế nào trong những giấc mơ được nhìn thấy lại người mẹ thương yêu. Anh nhớ mẹ ngọt ngào dỗ dành, nâng niu chăm sóc thời anh còn trẻ dại... Thông nói với chúng tôi về mẹ mình, giọng không giấu sự thương yêu và tự hào: “Từ lúc một thân một mình du học ở xứ người gặp nhiều khó khăn, vất vả đến những khi mệt mỏi, bất lợi trong công việc sau này, tôi đều nghĩ đến mẹ. Trong nhà, mẹ tôi là người quyết đoán nhưng mẹ cũng là người rất bao dung, tốt bụng với mọi người”.

Vòng quanh nhiều ngôi chùa trong thành phố, từ những cái tên rất quen thuộc như Vĩnh Nghiêm, Giác Lâm, Xá Lợi, Nghệ Sĩ... đến những ngôi chùa nằm khiêm tốn trong những con hẻm nhỏ vùng ngoại ô, chúng tôi gặp không chỉ những người lớn tuổi, trung niên mà còn thấy khá nhiều bạn trẻ từ sinh viên, học sinh đến các em nhi đồng thành kính dâng hương trên bàn thờ Phật. Ai cũng có cho riêng mình những đấng sinh thành và khi chắp tay nguyện cầu, có lẽ họ đều có chung ước nguyện lớn nhất “cầu mong cha mẹ sống đời với con...”

Ở chùa Huỳnh Kim bên quận Gò Vấp, chúng tôi hoà vào nhóm người đang ngồi nghe Phật pháp, giáo lý về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Bên cạnh chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa cùng con gái và cháu ngoại ngồi nghe thuyết pháp hết sức trang nghiêm. Bà nói với chúng tôi: “Phải nghe để hiểu và biết thương cha mẹ nhiều hơn, nhất là tụi trẻ các cháu!” Ngoài cổng chùa Huỳnh Kim, chúng tôi gặp cô bé Mỹ Kim, học sinh lớp sáu, trường Quang Trung (Gò Vấp) với bông hồng đỏ thắm cài trên ngực trái. Cô bé cười rất tươi: “Vu Lan năm nào mẹ cũng dắt em lên chùa thăm ông bà nội đã mất. Em đốt nhang cho ông bà nội và cầu trời Phật cho ba mẹ em mạnh khoẻ, sống lâu”.

Mùa Vu lan, lên chùa, được cài lên áo mình một bông hồng màu đỏ, tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn biết bao người…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét