A . Đối với cây Mai đã trồng trong chậu từ trước
Dù đã tháp ghép hay chưa tháp ghép cũng vậy, nếu đã bị đem vô nhà trang trí, để nơi râm mát suốt mấy ngày Tết thì cây Mai đã bị thiếu nước, thiếu nắng và thiếu dinh dưỡng ! Chúng ta cần phải :
b) Cắt tỉa bớt chồi lá non dư thừa và những cành nhánh quá dài :
Chúng ta đều biết sau Tết là mùa xuân, khí hậu mát mẻ cây cỏ đều sinh sôi nảy nở, đâm chồi nhảy tược. Với cây Mai vàng thấy rỏ hơn, hàng trăm chồi, hàng ngàn lá non đua nhau mọc lên đầy cành nhánh, xanh mướt cả cây, mỗi tược non có thể dài ra từ 10-20cm. Chúng ta cũng phải nghiên cứu thật kỹ, xem nên tỉa bỏ bớt tược nào, để lại tược nào cho hài hòa. Nếu là cây Mai đã ghép rồi thì phải thẳng tay cắt bỏ hết những nhánh nào không phải xuất phát từ nhánh ghép, để tập trung nuôi nhánh ghép. Thí dụ : như gốc ghép là gốc Mai tứ Quí thì tất cả những tược non nào mọc lên trực tiếp từ gốc Mai Tứ Quí đều phải cắt tỉa bỏ hết vì nhánh mai tứ quí mọc lên từ gốc cây mẹ, ví như là con ruột, rất mạnh, tranh dành hết dưỡng chất, còn những nhánh Mai ghép thêm vào, coi như là con ghẻ, không thể nào tranh giành lại được đầy đủ dưỡng chất nên sẽ ốm yếu và chết dần chết mòn, nhất là những nhánh Mai ghép có hoa màu trắng, càng dễ chết hơn vì giống Mai trắng là loại yếu nhất (vì lý do nầy mà cây Mai ghép thường bị chết nhánh ghép do không cắt bỏ hết những nhánh mọc lên từ cây mẹ) . Việc cắt tỉa cành nhánh cũng rất quan trọng nên nghiên cứu cho thật kỷ để tỉa bỏ cho đúng những nhánh dư thừa, hầu tạo cho cây Mai sau nầy có được hình dáng tròn trịa cân đối mới đẹp.
c) Kế đến cũng nên lảy bỏ hết trái non :
Sau Tết cây Mai đậu rất nhiều trái , nếu không tỉa bỏ thì cây Mai phải nuôi thêm trái càng mất thêm nhiều dưỡng chất, sẽ suy yếu, chậm phát triển, trừ khi chúng ta cần nuôi hạt để lấy giống gieo trồng sau này, nhưng cũng tỉa bỏ bớt những trái nhỏ lép để nuôi dưỡng những trái còn lại được to mập. Khi gieo trồng làm giống, cây con mới mọc lên đều và mạnh khõe hơn.
B. Trường hợp những cây Mai đã trồng ở đất vườn
Cây Mai đã trồng ở đất trước sân nhà hoặc trồng trên líp thì ít mất sức hơn nhưng cũng phải nghiên cứu cắt tỉa bỏ những cành nhánh dư thừa và tỉa bỏ hết những trái non, càng tốt.
C. Cũng là thời điểm thuận tiện để chuẩn bị tháp ghép
Mùa xuân là mùa tháp ghép. Muốn tháp ghép các loại Mai giống mới có hoa màu sắc đẹp hơn, cánh hoa to hơn, thì phải nghiên cứu cưa cắt bỏ ngay từ bây giờ những nhánh nào muốn ghép thêm, để dưỡng cho tược non sớm mọc ra kịp thời tháp ghép sau vài tháng tới, khi các tược non này to cỡ bằng đầu đũa ăn, là ghép tốt nhất. Như vậy đến Tết năm sau, cây Mai ghép này sẽ kịp ra hoa to đẹp, đúng theo yêu cầu giống mới, để trang trí chơi được.
D. Bón phân là phần quan trọng nhất, có 2 cách bón : bón lót và bón thúc.
Sau Tết, cây Mai mất sức cần phải bón phân ngay, để kịp bồi dưỡng cho cây Mai. Vấn đề là nên bón phân như thế nào?Nên chọn loại phân gì ? để tiện lợi và hiệu quả cao ?
a) Bón lót là bón làm nền bằng những loại phân hữu cơ, như phân chuồng để sử dụng lâu ngày, vì phân hữu cơ tan ra từ từ, lâu bền hơn và khi phân hủy biến thành chất mùn, làm cho đất thêm tơi xốp, chứ không có làm chai đất như phân hóa học. Phân hữu cơ cũng có rất nhiều loại như :
1. Phân bò khô, bón cũng tốt nhưng có khuyết điểm là sinh ra nhiều cỏ.
2. Phân rơm rất tốt nhưng khi bón thì mau phân hủy và giữ rất nhiều nước.
3. Phân bánh dầu miếng : loại phân vừa rẽ tiền vừa tiện lợi, vừa bền lâu. Sau Tết chỉ cần bẻ bánh dầu ra từng miếng nhỏ cỡ bằng 2 ngón tay, dùng nẹp tre hay dao cùn moi đất chung quanh vành chậu ra, nhét sâu xuống sát vành chậu, xa gốc cây mỗi gốc cỡ từ 100-200gam tùy theo chậu lớn hay nhỏ và bỏ thêm một ít thuốc trừ sâu rầy như Vibasu 10H hoặc một ít thuốc trừ kiến là được. Khi tưới nước, bánh dầu miếng sẽ tan ra từ từ . Qua đến đầu mùa mưa, cỡ tháng 5-6 âm lịch, bón thêm một lần bánh dầu miếng nữa y như lần trước nữa là đủ cả năm để tiếp sức cho cây Mai ra chồi ra lá mới. Mùa xuân và mùa mưa đều là mùa tăng trưởng cả, là những lúc cây Mai cần rất nhiều phân để phát triển tươi tốt, tàn nhánh sum suê.
4. Phân Dynamic Lifter là phân hữu cơ đậm đặc của Út, giá hơi đắt nhưng bón rất tốt, là loại phân chuồng qua chế biến có trộn thêm phân trung lượng và vi lượng như lưu huỳnh, Manhê, sắt, Mangan, kẽm, đồng, bo, molyp…Đặc biệt là được diệt hết mầm cỏ, nên khi bón không mọc cỏ, rất tiện. Chỉ cần xới đất rồi chôn vào hoặc trộn với đất trước rồi bỏ vô gốc cây cũng được. Bón cho cây gì cũng tốt, hơi lâu tan, 2-3 tháng mới cần bón thêm một lần, rất tiện.
B) Bón thúc:là bón thêm phân một lần nữa.
Mặc dù đã có bón lót bằng phân hữu cơ rồi nhưng cũng cần phải bón thúc thêm phân hóa học thì hiêu quả sẽ tăng gấp đôi. . Phân hóa học cũng có rất nhiều loại :
1. Loại phân NPK 30-10-10 là loại có tỷ lệ đạm(N) cao, dùng để bón cho cây tăng trưởng nhanh. Sau Tết nên bón phân hữu cơ lẫn phân hóa học loại này cho cây Mai mau lợi sức, phát triển đâm chồi nhảy tược mạnh hơn.
2. Loại phân NPK 15-30-15, loại 6-30-30 là những loại phân có tỷ lệ Lân (P) và Kali (K) cao, dùng bón để kích thích cho cây Mai ra nhiều nụ hoa và nụ hoa to.
3. Loại phân 10-50-10 là loại phân có tỷ lệ Lân (P) thật cao, bón để kích thích cho ra hoa nhiều và mạnh. Khi gần đến Tết cở tháng 9-10 âm lịch, chúng ta cần phải bón thúc thêm các loại phân hóa học NPK loại có tỷ lệ Lân và Kali cao để cho cây Mai ra nhiều hoa, hoa to, màu sắc đẹp và lâu tàn.
C) . Loại phân bón lá vi sinh cũng có nhiều loại :
Cây không những hấp thu các loại phân qua rễ khi bón phân vào đất mà còn có thể hấp thu qua lá. Phân bón lại còn có hiệu lực nhanh hơn do diện tích lá rất lớn, lớn hơn nhiều lần so với diện tích rễ. Phân bón qua lá là các loại phân hòa tan trong nước và tưới phun lên lá như :
1. Loại phân Komix, Mymix …pha đúng theo liều lượng hướng dẫn, rồi phun sương lên lá làm tế bào lớn đều, làm cây sinh trưởng nhanh.
2. Loại phân bón lá Atonik xâm nhập nhanh chóng vào mô cây trồng, làm cho cây phát triển nhanh, làm tăng năng suất cây trồng.
3. Tùy theo điều kiện, chúng ta có thể bón lót phân hữu cơ tối đa cho cây Mai sau Tết và gần đến Tết năm sau, bón thúc thêm phân hóa học để giúp sang năm mới cây Mai sẽ ra hoa nhiều hơn(nếu không bón phân đúng cách thì qua năm sau cây Mai sẽ ra ít hoa) .
4. Trường hợp cây Mai đã trồng dưới đất trước sân nhà thì chỉ cần cuốc đất cỡ 5-7 lỗ nhỏ chung quanh, cách xa gốc cây cỡ chừng 5 tấc, bỏ phân vào rồi lấp đất kỹ lại, đừng để cho mèo chuột bươi phá hoặc rắc lên một ít thuốc trừ kiến, trừ sâu rầy là được.
E. Sang qua chậu mới khi cần
Khi trồng đã 2-3 năm rồi mà chưa thay chậu cho cây Mai thì đất đay đã chai cứng nên sang qua chậu mới. Phải lựa chậu mới tương đối đẹp và hơi lớn hơn chậu cũ một tí. Trong Tết không có tưới nước, bây giờ đất trong chậu đã khô nên thể tích đất bị rút bớt lại có thể lòi vành chậu ra, chúng ta có thể moi bỏ bớt đất sát vành chậu, rồi nhẹ nhàng ôm gốc Mai lên, lấy tay gỡ bỏ bớt đất ra nhưng coi chừng đứt rễ . Xong có thể sang chậu mới, bên chậu mới nên đục lỗ thoát nước cho khá to, bỏ lên một lớp gạch đá nhỏ, rồi bỏ đất to vô trước, đất nhỏ vô sau, từ từ đặt cây Mai vô, sửa cho ngay ngắn, mới bỏ thêm đất đã trộn thêm phân hữu cơ vào, lên đến 8/10 chậu là vừa, nếu thêm đất đầy chậu quá, khi tưới nước sẽ tràn ra ngoài dơ bẩn. Nên nhớ lúc mới trồng đừng nên bón nhiều phân vì phân rất nóng, dễ làm thối rễ non, phải đợi đến khi nào cây Mai ra rễ mạnh mới nên bón thêm phân.
Cách sang chậu thứ 2 là có thể đổ nước tối đa vô chậu Mai, ngâm cho mềm đất rồi lấy nẹp tre moi bỏ bớt lớp đất chung quanh vành chậu ra, từ từ mang cây Mai lên, gỡ bỏ bớt đất rồi trồng trở lại y như cách trước.
F. Cách tưới nước
Cây Mai không cần phải tưới nước mỗi ngày nhưng phải theo dõi thường xuyên khi nào thấy đất trong chậu khô là tưới, nhưng khi tưới phải tưới cho thật nhiều nước, nếu để quên không tưới nước lâu dài, cây Mai thiếu nước làm héo lá vàng lá và rụng. Khi rụng lá thì cây Mai sẽ ra hoa bất thường trong năm, đến Tết sẽ ra ít hoa.
Muốn cho cây Mai ra nhiều hoa trong 3 ngày Tết thì phải tích cực chăm sóc tưới tiêu, bón phân ngay từ đầu năm làm sao cho tán lá cây Mai luôn luôn xanh tươi suốt cả năm.
Chúc các bạn thành công, để năm sau có được cây Mai đẹp.
.
Bài 2 CHĂM SÓC MAI SAU TẾT
(Chủ yếu mai trồng chậu và thời tiết miền Nam, các bạn ở miền Trung tham khảo để vận dụng tuỳ trường hợp)Trong diễn đàn nhiều bạn thấy có những cây mai nụ to và nhiều có hỏi: phải dùng thuốc gì, chất kích thích gì hoặc phân bón gì để có được như thế? Các bạn hỏi trong giai đoạn gần cuối năm thì không ai giúp các bạn được cả , muốn được cây mai có nụ sai, to hoa nở đẹp thì việc chăm sóc cây ngay từ sau Tết mới quyết định. Các bạn muốn có được những cây mai đẹp để chưng trong năm mới thì sau Tết các bạn phải làm những việc như sau:
Giai đoạn sau Tết rơi vào các tháng 1,2,3,4 âm lịch, mùa nầy miền Nam rất nóng, kể từ cuối tháng 3, sang đầu tháng 4 mới có vài cơn mưa đầu mùa.
1/ Mai được chưng trong nhà:
Mai được chưng trong mấy ngày Tết thường từ 30 đến mồng 6 Tết, nếu cây chưng ngoài sân hay chưng ở hành lang không bị mất sức nhiều lắm còn cây chưng trong nhà thì không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời nên hiện tượng quang hợp không thực hiện được bao nhiêu , lá phát triển mới thường có màu xanh nhợt nhạt, lá mỏng, cành phát triển dài và yếu. chủ nhà nhiều khi không tưới một ít nước mỗi ngày mà đôi khi đổ cả bia, nước ngọt…vào gốc mai. Chưa kể đến việc dùng thuốc kích thích ra hoa, giữ hoa không rụng làm sáo trộn sinh lý của cây. . Cây mai đã dồn nhựa ra để nuôi hoa đẹp, lại phải thiếu điều kiện sống trong một tuần lễ nhiều cây đã bị kiệt sức đi rất nhiều.. Nếu không chăm sóc tốt thì năm sau mai sẽ không còn hoa nữa, có khi bị sâu bệnh tấn công và có thể chết đi.
-Mai được đem ra ngoài càng sớm càng tốt , phải đặt cây nơi có bóng râm để lá không bị cháy khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Lặt bỏ tất cả các hoa dù nở hay chưa nở (cả nụ còn lại) để cây không mất dinh dưỡng nuôi đài hoa tạo hạt., các lá dù xấu cũng để nguyên như vậy. Dùng 5 g urê (1 muỗng café nhỏ) pha với 10 lít nước tưới gốc cây và phun lên cả cây. Nếu thấy cây hồi sức lại (lá xanh hơn, tược non phát triển…) thì không cần phải phun thuốc kích thích chồi lá nữa, trường hợp cây có vấn đề thì mới sử dụng thuốc kích thích phun với liều lượng ít hơn liều lược được hướng dẫn.
-Khi cây lợi sức thì đưa từ từ ra nắng để cây quen dần, nó sẽ phát triển chồi, lá rất nhanh
-Chú ý rằng đây là giai đoạn bọ trĩ và nấm hồng hoạt động (lá non, trời nắng nóng) nên pha chung hai loại thuốc có hoạt chất :Hexaconazole (Anvil) Fipronil (Regent) phun lần đầu khi tược non vừa phát triển và làn sau khi lá vừa già (khoảng 20 ngày sau)
-Nếu năm bình thường thì việc tỉa tán cho mai nên thực hiện vào khoảng từ ngày 20 tháng 1 đến cuối tháng, nếu năm nhuần thì chờ đến rằm tháng hai mới tỉa tán. Các bạn chú ý việc tỉa tán rất quan trọng nó sẽ:
-Tạo lại dáng , tán lá cho cây
-Khi cành bị cắt đi tược non sẽ phát triển tạo nên cành mới và mang theo cả chồi trên nách lá, chồi nầy có thể biến thành tược hoặc nụ phụ thuộc vào quang kỳ, phân bón, nhiệt độ và một số yếu tố khác. Những cây không tỉa cành chắc chắn sẽ không cho hoa nhiều bằng các cây tỉa cành ngay từ đầu năm. Trong việc tỉa cành các bạn chú ý rằng: Cành tỉa càng gần thân thì tược phát triển càng mạnh, nhưng khi chồi phát triển có thể là nhiều chồi nên ta chỉ chọn một chồi theo đúng vị trí mong muốn để lại và lảy bó các chồi còn lại ngay từ khi mới hình thành. Tuỳ theo sự dịnh dạng cho cây, khi chồi phát triển từ 6 lá trở lên ta nên bấm đọt để cành nhảy tược mới, có thể bấm đọt tiếp sau đó để tạo tán lá hoàn chỉnh theo ý.
- Khi cây nhiều lá thì bón phân : Vì chưa thay đất nên sử dụng phân vô cơ để có tác dụng nhanh như loại 16-12-8-11 TE của Bình Điền hoặc phân NPK tương đương (Không nên bón DAP giai đoạn nầy nụ hoa hình thành sớm mai có thể nở trước). Có thể dùng phân bón lá loại 30-20-10 để phun lên tán cây.
2/ Cây được chưng ngoài sân hoặc ở hiên nhà:
Trong trường hợp nầy cây chỉ mất dinh dưỡng cho hoa phô hương sắc trong mấy ngày Tết nhưng cây vẫn đủ nắng để thực hiện quang hợp .Nên sau những ngày Tết bộ lá phát triển tốt , ta có thể cắt tỉa cây , lảy hết hoa và nụ còn lại trên cây và thấy mai phát triển mạnh có thể tiến hành thay đất, thay chậu cũng được. Muốn bón phân thì chỉ nên phun phân bón lá thôi còn bón gốc phải chờ khoảng 2 tuần cho rễ non phát triển mới bón được. Cũng phải xử lý thuốc trừ sâu bệnh như cây mai chưng trong nhà.
- Cuối tháng 3, đầu tháng 4 miền Nam bắt đầu có những cơn mưa vào mùa , việc thay đất cho cây vào gần cuối tháng 3 là hợp lý. Cây trồng trong chậu nếu chất trồng chủ yếu bằng tro, xơ dừa thì mang cây ra khỏi chậu dễ dàng nếu rễ đã phát triển đầy chậu. Dùng dao thật bén gọt bỏ phần rễ già (có màu vàng sậm, khô), dùng bay nhỏ hoặc cây nhọn cạy bỏ bớt đi một phần đất trồng lâu năm. Trước khi đưa mai vào chậu trở lại cần kiểm tra lại các lổ thoát nước , dưới đáy chậu cần lót một lớp phân hữu cơ , phủ lên trên một lớp chất trồng rồi mới đặt lại cây vào (không để rễ tiếp xúc trực tiếp với phân), bổ sung cho đủ chất trồng, ém chặt cho cây cứng gốc. Cũng cần chú ý là lớp phân hữu cơ và phân tro sẽ phân huỷ một thời gian cây sẽ bị lún xuống , vì thế nên đặt cây có gốc cao hơn mặt chậu để khi ổn định ta có vị trí cây như ý. Nếu mai có chất trồng chủ yếu là đất thịt thì việc thay đất khó hơn, các bạn phải dùng bay moi quanh góc sát chậu hơn nửa vòng rồi lắc mạnh, mai sẽ tách khỏi chậu và có thể mang ra cắt bớt rễ, thay đất cho cây. Thông thường, nếu cây lớn trồng trong chậu nhỏ và nhất là trồng bằng tro trấu-xơ dừa thì mỗi năm phải thay đất 1 lần (khi thấy rễ mai bám đầy cả thành chậu) Trường hợp trồng bằng đất thịt rễ chưa bám nhiều có thể hai năm hoặc 3 năm thay cũng được (xem sự phát triển của cây)
- Không cần bón phân hữu cơ nhiều trong giai đoạn nầy, với số phân bón lót hoặc phun phân bón lá vô cơ một ít cũng đủ cho mai phát triển trong đầu mùa mưa. Cộng với những cơn mưa đầu mùa, khí trời mát hẳn , sấm sét tổng hợp chất đạm tự nhiên trong không khí và đất làm cây phát triển mạnh hơn.
Công việc chăm sóc mai sau Tết coi như hoàn chỉnh, làm các việc trên các bạn đã chuẩn bị thật tốt cho cây mai để nó tích luỹ chất dinh dưỡng trong mùa mưa , tạo nụ hoa để cho những hoa thật đẹp vào Tết tới.
Tết Nguyên Đán năm Tân Mão rơi đúng vào ngày 3 tháng 2 năm 2011 đúng vào tiết Lập Xuân (4/2/2011) , nếu không có biến động nhiều về thời tiết thì đó là một năm rất thuận lợi cho việc trồng mai. Ra công chăm sóc để có được cây mai đẹp đó là một niềm vui, hãnh diện của người trồng mai. Thời gian không nhiều nên tôi chỉ viết phần Chăm sóc mai sau Tết còn các phần : Chăm sóc mai trong mùa mưa, Chăm sóc mai chuẩn bị Tết sẽ viết tiếp sau. Khi viết bài nầy có thể có nhiều chủ quan hoặc không diễn tả được hết ý của mình nên khi đọc có gì chưa rõ cần trao đổi , các bạn cứ nêu lên, mong các bạn khác có kinh nghiệm tham gia trao đổi, giải đáp giúp. Để tìm hiểu thêm về công việc cả năm các bạn tham khảo thêm bài viết “Quy trình chăm sóc mai trong năm” của tôi viết với nick aimai trong www.new.dalatrose.com hoặc trong mục đào tạo của www.caycanhvietnam.vn .
3/ Chăm sóc mai vàng sau Tết
Chăm sóc mai vàng sau Tết là tên một hội thảo thường niên được tổ chức tại CLB Sinh Vật Cảnh Giao Châu (1143 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.28, Q.Bình Thạnh) vào ngày 14/3/2009 vừa qua. Hội thảo đã thu hút trên 200 người tới dự trong đó có đông đảo các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà vườn cùng toàn thể thành viên trong CLB SVC Giao Châu.Bàn về vấn đề về chăm sóc mai vàng sau Tết, nhiều người tham gia Hội thảo tỏ ra rất lúng túng trong vấn đề tự chăm sóc cây mai của mình. Ông Lê Văn Hạc, Quận 7, một người chơi mai cho biết: “Từ trước tới giờ mai chơi xong là tôi đem gửi bảo dưỡng ở nhà vườn nhưng năm nay tôi muốn giữ lại để tự tay chăm sóc cho tác phẩm của mình”.
Nghệ nhân Trần Thuận, Chủ nhiệm CLB Sinh Vật Cảnh Giao Châu-người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc mai vàng chia sẻ: “Chăm sóc cây mai sau Tết là rất quan trọng. Sau khi chơi xong, phần lớn cây mai bị suy kiệt nặng chưa kể là bị hư hỏng do người chơi không biết chăm sóc, bảo quản. Vì vậy, phải bù đắp cho cây về dinh dưỡng bằng cách thay đất phân, tập chế độ ánh nắng cho cây mai thích ứng dần…”. Kỹ sư Trần Thuận cũng cho biết thêm về thời điểm tốt nhất để thay đất cho cây là vào khoảng từ 10-20 tháng riêng âm lịch. Việc thay đất cho cây hay vẫn giữ nguyên chờ đến mùa mưa mới thay là phụ thuộc hoàn toàn vào thể trạng của cây.
Ngoài ra, Hội thảo còn mở rộng bàn về việc chăm sóc mai vàng xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Nghệ nhân mai vàng Võ Thành Dũng-chủ vườn mai ở Q.12 cho biết: “Thị trường Mỹ là thị trường rất tiềm năng về hoa cảnh, những sản phẩm Sinh Vật Cảnh của Việt Nam rất được người Việt ở đây ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều nhà vườn xuất khẩu được mai vàng qua thị trường này. Một số doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu được nhưng số lượng rất hạn chế và mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ”. Cũng theo nghệ nhân Võ Thành Dũng, vấn đề vướng mắc lớn nhất của việc xuất khẩu mai vàng qua thị trường này chính là ở quy trình sản xuất của các nhà vườn trong nước chưa tuân thủ đúng quy định về tiêu chuẩn kiểm dịch của thị trường vốn khó tính này.
Ông Trần Thế Châu, một trong những doanh nghiệp đã xuất khẩu mai vàng qua thị trường Mỹ qua nhiều năm cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Mỹ rất chuộng những cây mai bonsai mini để bàn. Quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn mà Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho nhà vườn. Ngoài việc tính toán được sự chênh lệch thời tiết và điều kiện tự nhiên của nước ta với nước Mỹ để tác động, điều chỉnh, chăm sóc cho cây mai vàng qua đó vẫn nở hoa đúng Tết thì phải có cách bảo quản trong khi vận chuyển bằng tàu biển qua đó trong thời gian dài 1 tháng. Chính vì vậy tỉ lệ mai đạt tiêu chuẩn qua đó là rất thấp”.
Kết thúc Hội thảo, Nghệ nhân Trần Thuận, Chủ nhiệm CLB SVC Giao Châu đề xuất các nhà vườn lớn thống nhất liên kết lại để tìm ra cách thức sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn về kiểm dịch cây cảnh của thị trường Mỹ nói riêng và thị trường các nước có đông người Việt sinh sống nói chung.
CLB SVC Giao Châu
Mỗi độ xuân về, hoa mai với sắc vàng rực rỡ là sự giao hòa giữa thiên nhiên với con người trong những ngày đầu năm. Hoa mai mang đến hi vọng, may mắn, niềm vui cho mọi người, mọi nhà. Khi nở hoa mai xòe cánh thẳng ra mang ý tưởng hào phóng, chính nhân quân tử. Khi tàn hoa mai rụng xuống mặt đất, trải một tấm thảm dịu dàng, êm ái. Vì vậy mà các cuộc hội thảo nhiều người đề xuất chọn mai vàng làm Quốc hoa cho Việt Nam.
Bài về Chăm sóc Mai vàng sau Tết của Công Ty CP Sinh Vật Cảnh Giao Châu
Mai vàng chưng trong những ngày tết mang ý nghĩa rất quan trọng đối với con người Việt Nam nên ai ai cũng muốn cho chậu mai, cành mai của mình có bông lớn, nở nhiều, lâu rụng trong những ngày đầu xuân, nhiều nghệ nhân, nhà vườn cho ghép những cây mai vàng 5 cánh đột biến thành các cây mai vàng 12 cánh – 24 cánh – 120 cánh, bông lớn, vàng thẩm, lâu rụng, rất đẹp. Nhưng việc chăm sóc và điểu chỉnh để cho cây mai vàng năm nhuận nở hoa đúng vào dịp tết đó là điều vô cùng khó khăn cho các nhà khoa học, nhà vườn, nghệ nhân, doanh nhân, bởi cây mai vàng để trổ đúng tết ảnh hưởng rất nhiều yếu tố như: năm nhuận (13 tháng) – tưới nước –bón phân – bảo vệ thực vật – thời tiết nóng – thời tiết lạnh – ánh nắng – bóng râm – trảy lá.
Công ty CP Sinh Vật Cảnh Giao Châu đã trên 10 năm nhận chăm sóc, sản xuất mai vàng hàng ngàn chậu / năm. Vì vậy có một ít kinh nghiệm xử lý mai vàng ra hoa lớn, bông nhiều, lâu tàn và trổ hoa đúng tết trong năm nhuận (13 tháng) để Quý vị cùng tham khảo:
1. Sau tết những chậu mai có đất chai cứng phải thay đất phân hữu cơ.
2. Thay đất phân vào ngày 28 à 30 tháng giêng – âm lịch (trễ hơn năm bình thường 15 ngày), cắt bỏ bớt cành nhành, chỉnh tàn theo ý của mình, càng cắt bỏ nhiều cành non càng đâm mạnh.
3. Tưới nước ngọt, không mặn, không chua. Tưới nước vừa đủ đến đáy chậu.
4. Luôn luôn giữ độ ẩm cho đất từ đầu năm đến cuối năm. Cây mai cần ánh nắng trực tiếp, thiếu nắng cây mai dễ sâu bệnh, bông ít.
5. Bón phân hữu cơ: 2 lần / năm, bón phân vô cơ: 4 lần / năm. Luôn luôn giữ cho cây mai có màu xanh đậm, trẻ hóa đến đầu tháng 9 – âm lịch, điều chỉnh phân bón để cây mai chuyển lần qua màu xanh nhạt, đầu tháng 10 âm lịch, bổ sung vào gốc mai phân lân và ngưng bón phân cho đến khi trổ hoa, giai đoạn này tưới nước dưới gốc, trên lá, thân cành đủ độ ẩm.
6. Trị bệnh cho cây mai:
ü Sâu đục thân: xịt, rãi vào gốc Basudin 10
ü Tuyến trùng: rãi vào chậu Furadan
ü Nhện đỏ, bọ trĩ: xịt Dendy
ü Nấm hồng: xịt Anvil hoặc Folpan đều trên thân, cành.
ü Cháy bìa lá: xịt Anvil đều trên lá
ü Thán thư (đốm lá): xịt Anvil hoặc Vicarben
ü Rỉ sắt, đốm tảo xịt Bordo hoặc Coc 85.
7. Điều khiển trổ hoa:
Áp dụng thích hợp 5 yếu tố:
ü Khí hậu nóng trổ nhanh, lạnh trổ chậm…
ü Nước nhiều trổ nhanh, ít trổ chậm
ü Nụ to trổ nhanh, nụ nhỏ trổ chậm
ü Đọt bung lá non làm trổ chậm và không tập trung
ü Tưới nước thất thường, mai sẽ trổ sớm
v Có thế áp dụng phương pháp lặt lá mai để điều khiển trổ hoa:
ü Việc lặt lá mai vào ngày nào, không ai dám khẳng định trước mà phải căn cứ vào tình trạng nụ hoa đầy đặn hay không và theo dõi chuyện nóng, lạnh của thiên nhiên rồi mới quyết định ngày lặt lá “dứt điểm”.
ü Thông thường chúng tôi chọn khoảng ngày 16/12/ âm lịch để lặt lá toàn bộ cây mai (trong điều kiện khí hậu và thời tiết bình thường). Nhưng trước khi lặt nếu cây nào có nụ hoa nhưng chưa căng đầy thì lặt sớm hơn 1 – 2 ngày. Trường hợp gặp trời lạnh và có thể kéo dài thì lặt sớm hơn cho cả 2 trường hợp nói trên, nhưng sớm hơn bao nhiêu ngày là do lạnh nhiều hay ít.
ü Năm ngoái (2008) do chúng tôi không tiên liệu được những ngày gần tết thời tiết lạnh nên có một số mai nở chậm từ 3 đến 5 ngày, do đó nên theo dõi bản tin khí tượng thủy văn để biết thời tiết nóng, lạnh trong những ngày gần tết là cần thiết.
v Ngoài ra, ta còn có thể kết hợp 3 yếu tố khác để tác động vào việc trổ hoa nhanh hay chậm của cây mai là:
ü Khi xác định cây mai trổ chậm thì tăng tưới nước, nếu trổ nhanh thì giảm nước tưới.
ü Đặt chậu mai ở vị trí nhận ánh sáng ban mai càng sớm càng tốt (trước 9h), sẽ làm nó trổ nhanh và nhận ánh sáng sau 9h sẽ trổ chậm (dù thời gian chiếu ánh sáng nhiều hơn). Để áp dụng phương pháp này ta xoay chậu mỗi ngày, để phía nào cũng có nhận ánh sáng sớm (hạn chế tình trạng bên này trổ trước bên kia trổ sau).
ü Nếu cây mai sau khi lặt lá, các chồi đọt mọc ra sẽ làm cho hoa trổ chậm, trổ không đồng loạt và màu sắc lợt lạt. Muốn trổ nhanh thì bấm bỏ hết đọt non, muốn chậm thì để lại và “canh chừng” chọn ngày lặt để hoa trổ đúng và tập trung.
ü Nói chung, việc điều khiển mai vàng ra hoa khi gặp thời tiết hoặc khí hậu bất lợi là không dễ. Nhưng có một điều tối kỵ là không nên dùng phân bón tưới vào gốc hoặc phun vào nụ hoa. Vì cây có thể nhận được một ít phân bón, nhưng vì không còn lá nên nó sẽ bị ngộ độc (không quang hợp được) và sau tết èo uột và có thể chết. Chỉ nên linh động điều chỉnh những yếu tố vừa nêu giúp cây mai ra hoa nhiều, bông lớn, lâu tàn và đúng tết.
Cắt cành mai để cắm vào bình hoặc bán
Khi cắt cành mai để cắm vào bình hoặc bán cho khách nên lưu ý:
ü Ngưng tưới nước cho cây mai trước khi cắt ít nhất 2 à 3 ngày (để nhựa đông đặc hơn).
ü Khi cắt xong dựng cành mai ngược lại để nhựa hạn chế chảy ra ngoài, để cho khô vết cắt mới quay trở ngược lại, muốn di chuyển nhanh hoặc cắm vào bình sớm thì phải đốt ở phần cắt.
ü Khi đã khô vết cắt xịt nước sạch toàn bộ cành mai, luôn giữ cho cành mai lúc nào cũng tươi, di chuyển cần phải bọc ở ngoài để cành mai hạn chế tiếp xúc nắng, gió.
ü Nước dùng để cắm mai phải là nước sạch, thường xuyên thay đổi nước trong bình, chậu mai nhỏ buổi tối đưa ra sân để lấy sương. Chậu mai lớn để cố định trong nhà cần phải xịt toàn bộ cây mai để giữ cho cây mai luôn luôn tươi tốt.
ü Không nên để cây mai trong phòng lạnh quá 7 ngày, nếu không cây mai sẽ yếu hoặc chết trong năm sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét