ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
Nguồn:
Lý luận và văn học, Nxb Trẻ
Tp.HCM, 1990, tr.51-65.
VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN HỌC
LÊ NGỌC TRÀ
Thời đại chúng ta đang đặc biệt quan tâm đến "nhân tố
con người". Chính sách con người đang trở thành một nền tảng trong
đường lối cách mạng của các nước xã hội chủ nghĩa. Hạnh phúc và đời
sống của nhân dân, dân chủ xã hội và tự do của mỗi người là mục tiêu
nóng bỏng của cách mạng nước ta hiện nay. Trong bối cảnh đó nhận
thức lại cho đúng mối quan hệ văn học và con người là một vấn đề lý
luận có ý nghĩa thực tiễn cấp bách.
"Văn học là nhân học" (M. Gorki). Câu này thường được
nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các sách giáo khoa lý luận văn
chương. Tuy vậy, hầu như chưa bao giờ vấn đề văn học và con người
trở thành chủ đề trung tâm trong các cuộc hội thảo luận của chúng
ta.
Suốt một thời gian dài trung tâm chú ý của các nhà
nghiên cứu - phê bình và phần nào của cả giới sáng tác nữa là mối
quan hệ giữa văn học và chính trị. "Phục vụ chính trị", trực tiếp
tham gia vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, hưởng ứng các khẩu hiệu
và nhiệm vụ chính trị trước mắt - đó là nhiệm vụ cơ bản của văn học
ta mấy chục năm vừa qua. Nhờ lẽ sống lớn của dân tộc, nhờ niềm tin
tuyệt đối của người sáng tác, văn học cách mạng của chúng ta đã có
được những tác phẩm hay mà giá trị của chúng trước hết là ở tính lý
tưởng, cảm hứng anh hùng và sự chân thành của nghệ sĩ. Trong hoàn
cảnh ấy các nhà văn chỉ mới có điều kiện quan tâm chủ yếu đến cái
chung chứ chưa phải cái riêng và do đó vấn đề số phận con người chưa
có được vị trí xứng đáng của nó trong văn học. Chúng ta vẫn bắt gặp
con người nhưng phần lớn đó là con người - tập thể, con người - quần
chúng, con người - nhân dân, chứ chưa phải là những cá nhân, những
số phận. Các nhà văn thường tập trung nói lên quyết tâm, ý chí, sức
mạnh của con người chứ chưa diễn tả được hết sự phong phú, kể cả nỗi
cô đơn và sự yếu ớt của nó - cái cô đơn trong vinh quang và quyền
lực, trong cả phút giây hạnh phúc, cái cô đơn của mọi tìm tòi, của
những ai dám nghĩ, dám sáng tạo, dám nói điều ngay thẳng và sự yếu
ớt không phải lúc nào cũng chỉ như biểu hiện của hèn nhát mà còn là
dấu hiệu của cái đẹp, của một tâm hồn dịu dàng, phong phú.
Cũng trong điều kiện ấy văn học ta phải quan tâm chủ
yếu đến việc làm sao phản ánh hiện thực cho thật nhiều, ghi lại cho
hay những biến động lớn lao của đời sống. Do vậy số phận con người
tuy có được khắc họa nhưng vẫn chưa ở vào vị trí trung tâm của tác
phẩm. Phương châm "văn học phản ánh hiện thực" chủ yếu vẫn hướng nhà
văn vào việc phản ánh cuộc sống mới, con người mới, chứ không phải
toàn bộ
cuộc sống và con người hiện thực. Yêu cầu cơ bản đối với các tác
phẩm trước hết vẫn là nội dung xã hội - lịch sử, sự phản ánh các mặt
hoạt động của đời sống sản xuất, chiến đấu, hợp tác hóa, cải tạo
công thương nghiệp, quản lý kinh tế v.v... ở đây không phải không có
con người. Nhưng ở đây con người còn khuất sau sự kiện, phong trào;
con người chưa hiện ra ở mặt trước (avant-scène) của hiện thực. Thay
vì miêu tả lịch sử thông qua con người, con người trở thành phương
tiện để trình bày lịch sử. Thành ra khi năm tháng trôi qua, các
phong trào này mất đi đến lượt các phong trào khác xuất hiện thì các
tác phẩm hiện thực theo kiểu ấy cũng không còn lại bao nhiêu với đời
sau ngoài một chút không khí xã hội - lịch sử.
Có một điều lạ lùng là tuy hết sức đề cao nhiệm vụ
phản ánh hiện thực, nhưng văn học ta vẫn còn quá ít những tác phẩm
đạt tới chủ nghĩa hiện thực sâu sắc trong việc mô tả cuộc sống và
con người. Nên lý giải điều đó như thế nào? Phải chăng đó là do ở
đây khi nhấn mạnh nhiệm vụ phản ánh chúng ta yêu cầu văn học chủ yếu
vẫn là phản ánh cái mới ("cuộc sống mới, con người mới"), cái có xu
thế chiến thắng ("trong quá trình phát triển cách mạng") chứ chưa
phải là toàn bộ hiện thực? Phải chăng ở đây phản ánh chủ yếu vẫn là
để động viên, tuyên truyền chứ chưa phải nhằm nhận thức toàn bộ sự
thật, toàn bộ hiện thực đời sống với những quy luật phát triển lịch
sử của nó với tất cả ánh sáng và bóng tối, cái được và cái mất, với
tất cả mâu thuẫn, xung đột phức tạp nhiều khi đau đớn, bi đát, dẫn
đến biết bao nhiêu là tan vỡ của nó? Phải chăng chính vì thế mà
không ít tác phẩm đã thiếu mất tinh thần phân tích xã hội và sự
nghiên cứu con người là những cái cốt lõi nhất của chủ nghĩa hiện
thực?
Trong văn học cách mạng mấy chục năm qua sự hạn chế
của chủ đề số phận con người phần nào có lý do khách quan của nó.
Hiểu được cái lý do khách quan ấy cũng là cái tình của chúng ta với
lịch sử. Thiết nghĩ những người chân thành, thiết tha với sự nghiệp
đổi mới chẳng ai lại đễnh đãng và bạc nghĩa với quá khứ tới mức
không thấy điều đó. Song hiểu được sự ràng buộc của hoàn cảnh không
có nghĩa là không có quyền đánh giá lịch sử. Có người lo lắng rằng
đánh giá lại lịch sử sẽ dẫn đến phủ nhận thành tựu của cách mạng,
nói đến sai lầm của quá khứ sẽ dẫn đến phủ nhận quá khứ. Nhưng đó
chỉ là tâm trạng quá lo xa hoặc ngại đổi mới mà thôi. Bởi vì trong
lịch sử có những điều không được và cũng không thể phủ nhận được;
chúng là một biểu hiện cụ thể của chân lý tuyệt đối, của những giá
trị chung, chưa kể rằng trong đó có một phần máu thịt của mỗi chúng
ta.
Nhưng trong lịch sử cũng có những giá trị nhất thời,
thậm chí những giá trị giả, những ngộ nhận hoặc sai lầm. Chúng được
tạo ra do đòi hỏi của một hoàn cảnh cụ thể, do yêu cầu trước mắt
hoặc do nhận thức không đúng của con người. Bởi vậy khi thực tế xã
hội biến đổi, cái hoàn cảnh cụ thể lịch sử ấy mất đi cũng như khi
nhận thức của con người trưởng thành lên thì tất yếu phải phân tích
lại những gì hay dở trong quá khứ, trong lý luận, trong thực tiễn.
Chẳng hạn trong thời gian khá dài văn học được xác
định chủ yếu như là tư duy bằng hình tượng. Hình tượng trở thành dấu
hiệu đặc trưng cơ bản nhất phân biệt nghệ thuật với không nghệ
thuật, văn học với khoa học, chính trị. Lý luận này đã cản trở các
nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu đặc trưng nội dung của văn học và do
đó không hiểu cho thật đầy đủ rằng con người với tất cả đời sống tự
nhiên và xã hội của nó, thân phận và cuộc đời của nó chính là đối
tượng và cũng là nội dung đặc trưng cơ bản nhất của văn học.
Thiếu sót trên đây phần nào đã để lại dấu vết đáng
buồn trong thực tiễn sáng tác; con người và số phận của nó không có
được vị trí thích đáng trong tác phẩm, thay vào đó thường là các nội
dung chính trị, xã hội, lịch sử khác nhau được hình tượng hóa lên,
được minh họa bằng các hình tượng nghệ thuật. Rút cục là nhiều tác
phẩm tuy giàu hình tượng nhưng vẫn gây ra cảm giác thiếu một cái gì
đó như là chất văn thực sự, tuy xây dựng được các hình tượng nhân
vật đi lại nói cười nhưng trong đó vẫn không hiện rõ những số phận,
những cuộc đời buồn vui, dang dở.
Văn học là nhân học. Nhưng đã có một thời người ta
rất ngại nói đến "tính con người", chủ nghĩa nhân đạo trong văn học.
Cho đến mãi hôm nay trong các sách giáo khoa lý luận văn học của
chúng ta, chủ nghĩa nhân đạo (humanism) vẫn chưa trở thành một phạm
trù nghiên cứu văn học bên cạnh các khái niệm đã được chú ý nhiều từ
lâu như tính giai cấp, tính đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, tính
quốc tế.
Đó là hậu quả của nhận thức không đầy đủ về đặc trưng
của văn học và nhất là tâm lý sợ nói đến "nhân đạo" là rơi vào "chủ
nghĩa xét lại", vào quan niệm "tính người trừu tượng của tư sản".
Quả đã một thời nhiều người tin rằng "chính trị là thống soái ",
giai cấp là cái thấm vào tất cả mọi ngõ ngách của đời sống, xuyên
suốt con người từ đầu tới chân, dường như mọi nỗi đau của kiếp người
đều gắn với bất công giai cấp, với chính trị phản động, ngay đến
tình yêu, dù là yêu một bông hoa hay một con người thì mọi thứ cũng
đều mang tính giai cấp cả. Cách vận dụng quan điểm giai cấp triệt để
đến mức dung tục và đôi khi nghiệt ngã ấy đã làm héo mòn phần nào
dòng nhân văn trong văn học chúng ta. Nó vừa che khuất những giá trị
nhân đạo tốt đẹp của văn học quá khứ và văn học nước ngoài, vừa cản
trở những người sáng tác nói lên những gì thầm kín trong "cõi nhân
gian bé tí" của con người.
Bây giờ thì dần dần chúng ta đã hiểu đúng hơn: cuộc
đời rộng hơn chính trị, con người rộng hơn con người giai cấp, thế
giới tinh thần của con người và ý thức giai cấp của anh ta không
phải là một, nền nghệ thuật cách mạng không phải chỉ do giai cấp vô
sản, công nông binh tạo nên và không phải tất cả những gì viết ra
trong tác phẩm, không phải tất cả hình thức và nội dung đều có thể
quy về quan điểm chính trị, lập trường giai cấp. Nhận thức đúng mối
quan hệ giữa đời sống và chính trị, con người và giai cấp là một
trong những điều kiện làm cho văn học chúng ta có khả năng phong phú
và hấp dẫn hơn.
Thực tế cho thấy hiện nay công chúng không thể chỉ
đọc mãi các tác phẩm với chủ đề chính trị, đấu tranh giai cấp, cách
mạng. Người đọc đang có nhu cầu rất lớn về những tác phẩm nói lên
hạnh phúc hay thân phận con người, lòng vị tha, tình nghĩa thủy
chung hay thói đời tham lam, phản trắc. Không phải ngẫu nhiên mà vừa
qua người ta đổ xô đi mua và đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, xem
phim video Phạm Công Cúc Hoa và tối lại chờ đợi coi suốt mười
mấy tập liền bộ phim Braxin Nô tì Isaura chiếu trên màn ảnh
nhỏ. Ở đây có vấn đề thị hiếu và trình độ, nhưng cái cơ bản vẫn là
nhu cầu của công chúng về một khía cạnh của chủ đề con người trong
nghệ thuật. Người ta không phải chỉ sống bằng chính trị mà phần lớn
là bằng quan hệ ở đời giữa con người với nhau, bằng đạo lý, văn hóa,
phong tục. Tác phẩm nào mang những nội dung này thường dễ gần gũi
với công chúng đông đảo.
Song từ đây cũng không nên nghĩ rằng viết về con
người bây giờ chủ yếu là viết về đạo lý, tình cảm, là khai thác
những hoàn cảnh éo le, những tình huống trắc trở trong cuộc sống.
Văn học chê bai thói hư tật xấu và làm rơi những giọt nước mắt cảm
thông ấy đã có từ lâu và cũng sẽ còn lại mãi với nhân loại. Nhưng nó
chưa phải là tất cả chủ nghĩa nhân đạo, chưa phải là tất cả nội dung
của văn học về con người. Văn học, đặc biệt là văn học đã bước vào
giai đoạn thực sự trưởng thành, không chỉ bày tỏ tình yêu, sự phẫn
nộ hay lòng thương xót con người mà còn là một lĩnh vực quan sát và
khám phá về con người.
"Con người là một điều bí ẩn - Dostoevski viết - cần
phải khám phá con người... Tôi tìm hiểu điều bí ẩn ấy vì tôi muốn
trở thành con người"[1].
Văn học là một phương tiện quan trọng giúp con người trở thành con
người vì nó mở ra những bí mật của con người, giúp con người hiểu
thêm về chính mình, trở nên phong phú hơn và một phần từ chỗ hiểu
mình, từ sự phong phú của chính mình, con người hiểu thêm về thế
giới, sự phong phú của thế giới.
Ngày nay đối với văn học không chỉ có vấn đề tốt xấu
hay đúng sai mà còn có vấn đề chiều sâu của nhận thức. Nghệ thuật
phải làm cho con người lương thiện và thân ái hơn, nhưng nó cũng
phải làm cho con người đa dạng, phong phú, từng trải và hiểu biết
hơn. Chính vì vậy chúng ta thấy trong nghệ thuật bên cạnh các phạm
trù truyền thống như cái cao cả, cái đẹp, cái anh hùng, cái bi, cái
hài dần dần đã xuất hiện thêm các phạm trù khác: cái lãng mạn, trữ
tình, cái xấu, cái phàm tục, sự xung đột, cái phi lý v.v...
Khá nhiều tác phẩm văn học ở ta thường thiên về lối
viết ca ngợi, khẳng định, yêu thương hay phê phán. Nghĩa là vẫn nằm
trong khuôn khổ của chủ nghĩa nhân đạo truyền thống. Khuynh hướng
này bộc lộ cả trong các tác phẩm viết về con người mới trước kia
cũng viết về con người tiêu cực hiện nay. Văn học mô tả các nhân vật
tiêu cực quả thật đã làm cho bức tranh về hiện thực toàn diện hơn,
đặc biệt là nó thể hiện bản lĩnh, sự dũng cảm của nhà văn, đóng góp
có hiệu quả của họ vào sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm
thuộc loại này chủ yếu vẫn lên án, vạch trần chứ chưa đặt nhiệm vụ
nghiên cứu con người, khám phá thế giới tinh thần của cá nhân từ đó
giúp con người phong phú và mạnh mẽ hơn, hiểu biết mình và tự tin
hơn.
Nhân đây cũng cần nói thêm rằng thiếu sót của nhiều
tác phẩm trong việc mô tả con người lâu nay một phần bắt nguồn trực
tiếp hay gián tiếp từ quan niệm không đầy đủ về chủ nghĩa hiện thực
xã hội chủ nghĩa như sự mô tả cuộc sống "trong quá trình phát triển
cách mạng" của nó, như phương pháp sáng tác mà ở đó vấn đề "con
người mới", "nhân vật tích cực" hầu như là tất cả. Công thức về chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã bị tuyệt đối hóa một cách không
đúng. Tính cách mạng của sự phát triển như một phạm trù biện chứng
thường bị lý giải cứng nhắc, dẫn đến lối viết tô hồng, cách miêu tả
một chiều bước đi của cuộc sống, sự phức tạp của con người.
Xét cho cùng, cái mới (cuộc sống mới, con người mới)
hay quá trình phát triển cách mạng chủ yếu là những phạm trù đạo đức
hay chính trị. Còn văn học đích thực tuy không tách rời chính trị và
đạo đức nhưng lại cũng không phải là những phương tiện dùng để răn
dạy đạo đức hay tuyên truyền chính trị. Trong hình thức cao nó là sự
ăn năn về đạo đức và tự ý thức về chính trị. Đối tượng quan sát và
mô tả của nhà văn bởi vậy chủ yếu cũng không phải chỉ là con người
mới mà là con người trong toàn bộ tâm lý phức tạp, với tất cả cái
mới và cái cũ, cái tốt và cái xấu, với tình yêu trong trắng cũng như
bao nhiêu lầm lạc, cả tin của nó. Lev Tolstoi đã từng nói: "Một
trong những lầm lẫn vĩ đại nhất khi xét đoán về con người là chúng
ta hay gọi và xác định người này thông minh, người kia ngu xuẩn,
người này tốt, người kia ác, người thì mạnh mẽ, người thì yếu đuối,
trong khi con người là tất cả: tất cả các khả năng đó, là cái gì
luôn luôn biến đổi"[2].
Trong việc "nghiên cứu" con người, xây dựng nhân vật
tích cực hay tiêu cực thì cái quan trọng trước hết vẫn là nhận thức
chủ quan và lý tưởng của nhà văn. Đối với văn học nhiều khi không
phải mô tả chiến công mà nghiền ngẫm về chiến bại, không phải mô tả
các điển hình tích cực mà khắc họa con người bình thường, thậm chí
phàm tục, đáng ghét lại hết sức có ý nghĩa. Cảm hứng sử thi, cảm
hứng anh hùng với tính cách là những cảm hứng chủ đạo bao
trùm, chỉ thuộc về văn học của một giai đoạn lịch sử nhất định, một
hoàn cảnh xã hội đặc biệt. Ngày nay người cầm bút có quyền không chỉ
mô tả con người mới với cảm hứng anh hùng mà hoàn toàn còn có thể
trình bày nhận thức, khám phá của mình về con người với tất cả những
cảm hứng khác nhau trên cơ sở lý tưởng cao đẹp về con người.
Đã đến lúc cần chấm dứt hẳn quan niệm cho rằng những
gì viết về cái xấu và sự kém cỏi của con người, nỗi đau và sự mất
mát, bi kịch và hạnh phúc cá nhân, những buồn vui phi lý, những xung
đột tưởng như không đâu trong khuôn khổ gia đình đều là tạp nham,
nhỏ bé, thua kém các đề tài lớn về sản xuất và chiến đấu, thậm chí
không lợi, không xứng đáng với sự nghiệp cách mạng. Đúng, đó không
phải là tất cả văn học. Nhưng đồng thời đó cũng chính là văn học,
bởi vì đó cũng là con người. "Homo sum, et nihil humanum a me
alienum puto": Tôi là người, không có gì thuộc về con người xa lạ
với tôi[3].
Và những gì không xa lạ với "tôi" cũng sẽ không xa lạ với văn học.
Hiện nay nhiệm vụ mô tả con người trong văn học chúng
ta đặt ra cho giới sáng tác những yêu cầu mới.
Trước hết, vấn đề con người cần phải trở thành một
trong những vấn đề trung tâm của văn học. Tác phẩm có thể không có
nhân vật người, nhưng nó phải là câu chuyện về cõi nhân sinh. Nhà
văn có thể viết về nhà máy, hợp tác xã, công trường nhưng mối quan
tâm chính của anh ta ở đây không phải là năng suất lao động, chất
lượng sản phẩm, cơ chế quản lý mà là quan hệ con người, là hạnh
phúc, tình yêu, nỗi cay đắng hay sự hèn hạ của con người, là những
giá trị, nhân văn của cuộc sống. Không nên tiếp tục mãi tình trạng
"quá tải" của văn học do nó phải chuyên chở quá nhiều các nội dung
khác gây ra. Trong một ý nghĩa giản dị, văn học là buồn vui đời
người, là sự chiêm nghiệm về những gì được mất, là hồi ức về quá
khứ, sự không thỏa mãn với hiện tại và dự cảm về tương lai, và trầm
tư về lẽ tồn vong của con người trong mối quan hệ với xã hội, tự
nhiên và vũ trụ. Đó là những chủ đề cơ bản và lâu dài của văn học.
Văn học là sự thật. Mà sự thật chủ yếu của văn học là
sự thật và con người. Nhiều năm qua văn học chúng ta còn mắc nợ cuộc
đời về sự thật. Sự thật về người nông dân Việt Nam trong bao cơn bão
táp của cách mạng và chiến tranh, về người lính suốt ba thế hệ cầm
súng đánh giặc trên đủ loại chiến trường với bao nhiêu vinh quang,
hy sinh và mất mát, về anh cán bộ nghiêm túc, lương không đủ ăn, về
người trí thức cách mạng với lòng yêu nước và những ngộ nhận ngây
thơ, với niềm tâm huyết, say mê và bao điều dằn vặt. Các nhà văn
ngày nay phải trả món nợ ấy cho đời.
Trong khi viết về con người, bên cạnh các tác phẩm
thấm nhuần cảm hứng đạo lý truyền thống, đậm đà màu sắc tình cảm,
văn học ta cần vượt lên để có được những tác phẩm hướng vào việc
khám phá "bí mật" của con người, tạo ra những chân dung mới về các
kiểu tính cách của con người Việt Nam hiện nay. Đặc biệt cần làm sao
để có được những tác phẩm diễn tả sâu sắc thế giới nội tâm và đời
sống tinh thần của con người. Thế kỷ của chúng ta là thế kỷ của tư
duy phân tích. Tính chất "hướng nội", sự phát triển tâm lý phức tạp,
chiều sâu và sự phong phú của các quá trình ý thức và vô thức là đặc
điểm tinh thần của con người hiện đại. Bản thân thế giới tinh thần
này cũng là một hiện thực. Đời sống và năng lực tinh thần của mỗi
con người cũng có số phận của nó và do đó, cũng cần được tái hiện
sâu sắc trong văn học.
Thường thì đa số các nhà văn chúng ta mới tập trung
khắc họa những nét điển hình xã hội, bước thăng trầm trong cuộc sống
hay đường đời của nhân vật chứ chưa dựng lên được những số phận tinh
thần, chưa diễn tả đời sống của bản thân ý thức, của những khát
vọng, tìm kiếm bên trong của con người. Đây không phải là vấn đề
miêu tả tâm lý nhân vật mà cơ bản là vấn đề chủ nghĩa nhân văn, là
quan niệm về con người. Phần đông người sáng tác mới chú ý nhiều đến
đời sống tình cảm của con người cũng như hiệu quả tác động tình cảm
của tác phẩm. Còn sự giải phóng và phát triển bên trong, thế giới ý
thức và vô thức, năng lực tinh thần của con người chưa được quan tâm
diễn tả đầy đủ. Từ đây dễ hiểu vì sao trong nhiều tác phẩm chúng ta
thường bắt gặp chuyện tình yêu trắc trở, hạnh phúc hay nỗi đau nghèo
khó, vật chất, những cảnh ngộ thương tâm, những rủi ro bất hạnh trên
đường đời dễ làm rơi nước mắt nhiều hơn chứ ít khi nhận thấy niềm
vui hay nỗi đau tinh thần, con đường khổ ải của tài năng, của ý thức
con người trong cuộc hành hương đi tìm tự do, chân lý và lẽ phải.
Cần có nhiều hơn nữa những tác phẩm mà khi đọc, khi xem người ta
không chỉ thương, khóc mà còn phải dằn vặt, suy nghĩ để hiểu, không
phải chỉ tốt lên mà còn phong phú, thông minh hơn. Đây là vấn đề rất
cấp bách đối với sân khấu, điện ảnh cũng như văn học hiện nay.
Cuối cùng, đòi hỏi vô cùng quan trọng đối với nghệ
thuật hiện nay là làm sao để nó có thể trở thành một phương tiện có
hiệu lực giúp vào việc hình thành nhân cách và cá nhân con người,
củng cố ý thức về phẩm giá và tự do sáng tạo vô biên của mỗi con
người sống trong xã hội. Đó là sở trường và cũng là nghĩa vụ thiêng
liêng của văn học đóng góp vào quá trình dân chủ hóa. Bởi vì có lẽ
không ở đâu tự do của con người lại bao la và tuyệt đối như ở đây,
không ở đâu dấu ấn của cái riêng, bản lĩnh cá nhân lại đậm nét như ở
đây, không ở đâu cái tốt của con người lớn như là trong văn học. Có
lẽ chỉ trong nghệ thuật cái riêng nhỏ bé như mới thật có ý nghĩa,
niềm vui của một người mới có thể trở thành tiếng ca bay đi toàn thế
giới cũng như nỗi đau riêng mới trở thành nỗi đau nhân loại. Có lẽ
chỉ ở đây con người mới được đếm không phải theo hàng trăm, hàng
ngàn mà theo hàng đơn vị, mỗi cuộc đời mới được so với vũ trụ và mỗi
con người ra đi như là cả một thế giới mất đi, không gì bù đắp nổi.
Đặc trưng của văn học là cái riêng, là số phận con
người. Chính vì vậy nó có ưu thế đặc biệt trong việc giác ngộ ý thức
về cá nhân, làm cho xã hội thấy rằng con người không phải là đám
đông mù quáng, là công cụ và phương tiện trong tay chính trị mà là
chủ thể của lịch sử, rằng hạnh phúc, tự do và sự phát triển của con
người là cái đích của mọi cuộc cách mạng. Một nền văn học thấm nhuần
sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn sẽ góp phần quan trọng cho
phân tích dân chủ hóa xã hội, làm lành mạnh các sinh hoạt chính trị
trong đời sống, thúc đẩy xã hội đi lên, bởi vì số phận và tự do của
cá nhân gắn chặt với vận mệnh và tự do của toàn xã hội, "sự phát
triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển tự do của tất
cả" (C. Mác)[4],
bởi vì cách mạng xã hội chủ nghĩa xét đến cùng, là nguyện vọng tự
giải phóng của cá nhân và chủ nghĩa cộng sản, như trong tuyên ngôn
của Mác - Ănghen chính là hiện thân của chủ nghĩa nhân đạo: "Nhân
danh nhân cách thực sự của con người, nhân cách của con người công
nhân, mà những giai cấp thống trị và nhà nước của họ chà đạp, Mác -
Ănghen đòi hỏi không phải là sự tự biện, mà là đấu tranh cho một tổ
chức xã hội tốt hơn" (V. Lênin)[5].
Đấu tranh cho một xã hội tốt hơn - cho chủ nghĩa xã
hội đích thực, cho dân chủ và công khai, cho đổi mới cũng là một
cuộc cách mạng nhân danh con người và vì con người. Bởi vậy đứng ở
đâu trong cuộc đấu tranh này - đó là cả một thử thách đau đớn, là
thước đo cách hiểu về văn chương, quan niệm về con người và
chính ngay nhân cách của những ai đang cầm bút hôm nay.
Nguồn: Lý luận và văn học, Nxb Trẻ
Tp.HCM, 1990, tr.51-65.
[1]
F. M. Dostoevski. Thư từ (tiếng Nga), Moskva, 1930,
tập 2, tr.550.
[2]
L. Tolstoi. Toàn tập (tiếng Nga), Moskva, 1953, tập
53, tr.185.
[3]
Câu nói nổi tiếng trong vở kịch Tự giày vò của
Terenxy - nhà soạn kịch La Mã thế kỷ II trước công nguyên.
[4]
K. Marx và F. Engels. Tác phẩm (tiếng Nga), tập 1,
tr.447.
[5]
V. I. Lênin. Toàn tập (tiếng Nga), tập 2, tr.10.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét