Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012
Sự hiếu động của trẻ- như quan sát một con người thay đổi thế nào
Tâm lý học là một khoa học tìm hiểu về ý thức con người để biết mình biết người, biết ứng xử cho hợp tình hợp lý, biết sống một cách hài hòa và sung mãn, để trưởng thành tốt đẹp, tương ứng với từng lứa tuổi, và tránh được những thất bại trên đường đời.
Đó là một khoa học về con người với những suy tư và hành động, cảm nhận và tương tác, bên trong và bên ngoài, chiều sâu và chiều rộng. Tất cả đều được quan sát, mô tả và giải thích, đối chiếu với thực tế kinh nghiệm chung của xã hội, của nhân loại.
Từ lâu, trên thế giới, khoa Tâm lý học đã phát triển, củng cố và đem lại nhiều kết quả to lớn cho hầu như tất cả các ngành khoa học xã hội và tự nhiên của nhân loại. Tâm lý học được định nghĩa nhiều cách để chúng ta có thể thấu đáo được hết mọi khía cạnh như trên.
Như thế, tâm lý chính là cuộc sống con người với muôn hình muôn dạng, đầy bí nhiệm, rất khó khám phá và không bao giờ có thể hiểu cho trọn vẹn, bởi đối tượng của nó là con người, luôn chuyển biến, lớn lên và triển nở về thân xác lẫn tinh thần.
Tìm hiểu tâm lý trẻ em:
Trong chừng mực của vấn đề giáo dục thanh thiếu niên và thiếu nhi, các nhà sư phạm và giáo dục cũng sẽ không thể nào bỏ qua, không tìm hiểu khoa Tâm lý học đặc biệt đối với từng lứa tuổi các em.
Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu dựa vào những thành quả quý giá, tích lũy từ bao thời, của bao người cũng như chính các nét đặc thù truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta nữa.
Ngoài ra, mỗi người chúng ta cũng nên đối chiếu lại với chính kinh nghiệm thời thơ ấu và niên thiếu của mình, những gì mình đã bị gánh chịu thiệt thòi, cũng như những gì mình đã may mắn được đón nhận.
Xin hãy luôn nhớ: bản thân mỗi người chúng ta đều từng là một đứa trẻ nhỏ. Vậy, xin đừng biến các trẻ nhỏ hôm nay thành “những ông cụ non”, các “bà thánh nhỏ”, nghĩa là bắt các em phải rập khuôn về tâm lý và luân lý theo kiểu người lớn, một điều mà ngày xưa chính chúng ta đã bực bội khó chịu và âm thầm đề kháng mỗi khi bị áp đặt!
Bạn có thể lần lượt tìm hiểu tâm lý các em ở từng độ tuổi thể lý.
I. LỨA TUỔI ẤU NHI (1 — 3 tuổi)
Tâm lý lứa tuổi ấu nhi (1 - 3 tuổi)
Trong thực tế, ở độ tuổi này, các em vẫn còn hoàn toàn thuộc vào vòng tay chăm sóc và giáo dục của bố mẹ và anh chị trong gia đình các em. Thế nhưng, nếu con bạn đã qua tuổi này mà đến bây giờ bạn mới quan tâm thì vẫn cần nghiên cứu thấu đáo giai đoạn này để có thể hiểu được các diễn biến tâm lý nơi cháu bé. Nơi mỗi một con người luôn có sự phát triển liên tục từ độ tuổi này sang độ tuổi khác, cái trước làm tiền đề cho cái sau kế thừa.
Với lứa tuổi ấu nhi: Các nhà chuyên môn gọi giai đoạn tâm lý này là Première Enfance, bởi từ đây, đứa bé bắt đầu “thôi nôi”, lẫm chẫm tập đi những bước đầu đời, đưa tay sờ nắm bất cứ vật gì nằm trong tầm tay, dõi mắt khám phá những khung cảnh tương đối xa hơn và hoàn toàn mới lạ, phạm vi tương quan tiếp xúc với người khác cũng rộng hơn chứ không chỉ dừng lại nơi vòng tay người mẹ. Do vậy, cần chuẩn bị cho bé một không gian và môi trường an toàn, khoáng đãng, không ô nhiễm về tiếng động và khí thở, có nhiều đồ vật tròn trĩnh, dễ thương, nhiều màu sắc hài hòa mà hấp dẫn.
Ngoài ra, bầu khí tương quan chung quanh phải nhất thiết là sự trìu mến, yêu thương, hạnh phúc. Giấc ngủ của các em có thể được nâng niu bằng âm nhạc, nhất là những điệu ru hời dân gian Việt Nam và nhạc cổ điển êm dịu của Tây phương...
Tóm lại, đây là thời kỳ của những giác động (sensori motrice) mở ra cho các em những tiếp xúc vật chất và những tương quan nhân vị, chủ yếu dựa vào ngũ giác (nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ) vượt trội hơn hẳn giai đoạn bé còn nằm trong nôi hoặc được bồng ẵm trên tay của người lớn.
Cũng cần phải nhìn nhận rằng: điều gì đã là khởi đầu thì tất yếu sẽ là nền tảng hết sức quan trọng cho tương lai. Ngay trước lứa tuổi ấu nhi này, các nhà chuyên môn đang mở ra một giai đoạn ngược về thời kỳ đứa bé còn nằm trong bụng mẹ để khởi sự việc giáo dục một cách gián tiếp bằng khoa Thai Giáo.
Copyright © 2006 thuộc Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp Tp
http://www.gslhcm.org.vn/thieunhi_tv/gia_dinh_va_thu_vien/khi-con-thaycodon
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét