Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Nghệ An: Cá bống bớp – Đối tượng thay thế tôm nuôi hiệu quả

Cá Bống bớp (Bostrichthys sinenesis) là loài cá có giá trị dinh dư¬ỡng cao, thịt thơm ngon, rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Những năm gần đây lại là mặt hàng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao (200.000-300.000 đồng/kg kích cỡ 20- 40con/kg) nên cá Bống bớp bị bắt nhiều, có dấu hiệu giảm sút nguồn lợi nghiêm trọng. Hiện nay rất ít gặp cá có kích thước 20-30cm, hầu hết là 5-10cm và cũng bị khai thác triệt để, có nguy cơ bị cạn kiệt ở vùng biển nước ta, là loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Chính vì sự khan hiếm con giống ngoài tự nhiên nên nhiều cơ quan đã đi vào nghiên cứu sinh sản nhân tạo con giống. Cụ thể Phân Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I - Cửa Lò - Nghệ An đã cho sinh sản thành công đối tượng này, đến thời điểm hiện tại đã giải quyết một phần con giống trên địa bàn tỉnh.
Cá Bống bớp là loài cá có thể sống và phát triển tốt ở môi trường có độ mặn từ 20-30%0, nhiệt độ 20-30 độ C. Chất đáy ao là chất bùn pha sét, đất thịt pha cát là phù hợp với tập tính đào hang và sống từng đôi hoặc từng đàn trong hang. Thức ăn ưa thích là còng, cua, cáy, cá tạp, ngoài ra cũng có thể ăn thức ăn công nghiệp.
Nhận thấy đây là loài cá có sức chịu đựng cao, thích hợp với môi trường của các vùng ven biển đặc biệt là các vùng nuôi tôm trong tỉnh. Cá dễ nuôi, ít rủi ro nhưng lại cho hiệu quả kinh tế rất cao và nhu cầu tiêu thụ cá thương phẩm ngày càng lớn, nên các ngư dân ở một số vùng trong tỉnh cũng dần đem đối tượng cá này vào nuôi ở những ao đầm hoang hoá, vùng nuôi tôm kém hiệu quả, bước đầu cho thấy kết quả rất khả quan. Để có thêm đối tượng nuôi mới cho những vùng nuôi tôm kém hiệu quả, những ao sau vụ một nuôi tôm, bà con nên ứng dụng đối tượng nuôi này để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất với quy trình kỹ thuật nuôi không quá phức tạp:
1. Tiêu chuẩn ao nuôi
- Các vùng bãi triều có chất đáy là đất thịt pha cát, cát sỏi. Độ mặn thích hợp 5-25%0, có độ pH đất từ 6 trở lên. Xa nguồn nước thải công nghiệp, nước sinh hoạt, và các nguồn gây ô nhiễm khác.
- Diện tích: từ 500 - 3000m2.
- Độ sâu mực nước từ 1,2-1,5m bờ phải cao hơn mức nước cao nhất là 0,5m.
- Xung quanh bờ ao cần chôn phên nứa hay lưới nilon chìm dưới nước 60-70cm, cũng có thể đào rãnh xung quanh bờ rộng 25cm, sâu khoảng 60 - 80cm âm dưới đáy ao và đổ cát nện chặt rồi đắp đất lên trên để đề phòng cá đào hang xuyên qua bờ ao đi ra mất. Mỗi ao có 2 cống để tiện cấp và thoát nước khi cần thiết.
- Cách bờ 1m tạo hang bằng gạch ngói, đá hay các ống nhựa, ống tre. Trong ao nên thả rong bún, rong đuôi chó, rong câu nhằm tạo môi trường mát, yên tĩnh và hấp thụ các loại chất độc trong ao nuôi.
2. Chuẩn bị ao nuôi.
- Tháo cạn nước trong ao, vét bớt bùn, vệ sinh ao đắp lại những nơi bờ bị sạt lở, kiểm tra lại cống thoát.
- Phơi ao từ 5-7 ngày sau đó tiến hành cày bừa, nên cho nước vào để thau rửa 1-2 lần rồi rải vôi xử lý với lượng từ 8 – 15 kg/100 m2 ao. Sau đó tiến hành cấp nước vào ao.
- Nước lấy vào được lọc qua lưới mịn để ngăn cá tạp vào ao.
- Diệt tạp: Dùng Saponin 10-15 kg/1000m3 nước
- Gây màu: Bón phân chuồng 2 tấn/ha.
- Sau khi cấp nước gây màu nước được 3- 4 ngày thì tiến hành thả giống.
3. Chọn và thả giống.
Mùa vụ thả: Thả cá vào khoảng tháng 4 - 5 dương lịch.
- Chọn cá cỡ 6 - 8 cm, đồng đều cá khoẻ mạnh không bị bệnh, không dị hình dị tật không bị trầy xát, mất nhớt.
- Thời gian thả: Thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát.
* Lưu ý: Không nên thả cá làm nhiều đợt, vì nếu thả không đồng cỡ hoặc không cùng thời gian sẽ dẫn đến ăn thịt lẫn nhau.
Mật độ thả: Nuôi bán thâm canh thả 5-7 con/m2
Đề phòng bệnh ký sinh trùng trước khi thả nên tắm cho cá bằng sunfat đồng 5gam/m3 trong 10 phút
4. Chăm sóc và quản lý.
Chăm sóc: Hàng ngày cho cá ăn bằng tép, cá tạp băm nhỏ hoặc don dắt tươi. Khi cá lớn trên 10cm có thể cho ăn còng, cáy để cả con hoặc cá tạp băm nhỏ.
Thời điểm cho ăn: Lúc sáng sớm và chiều mát ở nơi yên tĩnh. Lượng thức ăn mỗi ngày từ 10-15% trọng lượng thân. Khi lấy nước vào ao nếu nhiệt độ nước ổn định 28-30oC nên cho cá ăn thêm.
Quản lý: Kiểm tra ao hàng ngày vào sáng sớm trước lúc cho cá ăn, kiểm tra hoạt động của cá, mực nước, bờ, lưới chắn cống cấp thoát, để kịp thời xử lý khi có sự cố.
Định kỳ bón vôi để cải thiện môi trường và phòng bệnh cho cá. Lượng vôi bón là 1 - 2kg/ 100m3( Hoà vôi với nước tạt đều xuống ao).
Lưu ý: Nên giảm thức ăn vào mùa hè khi có nhiệt độ cao trên 39oC, hay mùa đông thời điểm nhiệt độ xuống dưới 15oC. Thay nước vào những ngày có con nước triều cường, mỗi lần thay 1/3-1/4 lượng nước trong ao.
5. Phòng bệnh
Nên áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp như: Cải tạo ao tốt, thả cá đúng mùa vụ, cá giống chất lượng, cho cá ăn đảm bảo chất lượng, cho cá ăn đúng giờ đúng vị trí, thường xuyên kiểm tra hoạt động của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.
6. Thu hoạch
- Sau khi nuôi cá được 5- 6 tháng tiến hành kiểm tra, cá đạt kích cỡ từ 12 cm trở lên thì thu hoạch.
- Nên thu hoạch cá vào sáng sớm. Ngừng cho ăn trước khi thu hoạch 1 ngày. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ thu hoạch và dụng cụ vận chuyển, phương tiện vận chuyển đảm bảo.
-Trước lúc thu hoạch tháo bớt nước trong ao và vớt bỏ giá thể. Sau đó mới dùng lưới kéo thì sẽ hiệu quả, có thể dùng vợt để bắt cá, tránh cá bị xây xát, bị chết trong quá trình thu hoạch và vận chuyển. Nên thao tác nhanh trong quá trình bắt cá, không kéo dài thời gian thu hoạch.
  http://vibo.com.vn/NewsDetail.aspx?newsId=446

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét