Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG XÃ HỘI

(Antisocial personality disorder)
                                                               BS Ngô Văn Lương
                                                   Khoa Tâm Thần Bệnh viện TW Huế
       Rối loạn nhân cách chống xã hội hay mất cân bằng tâm thần là một trạng thái không bình thường của nhân cách biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các qui tắc đạo đức xã hội và pháp luật.
       Phần lớn những người rối loạn nhân cách chống xã hội xuất thân trong những gia đình không được hoà thuận trong cuộc sống, vắng bố hoặc chịu sự giáo dục không thích hợp, thường là bố quá nghiêm khắc trong khi mẹ quá nuông chìu. Lớn lên trong môi trường xã hội không ổn định, nhiều tội phạm, thường là những đối tượng bị ruồng bỏ, ngược đãi…Nghiên cứu tiền sử gia đình cho thấy những người có rối loạn này thường có bố nghiện rượu và rối loạn nhân cách chống xã hội, mẹ có nhân cách kịch tính (histrionic) và rối loạn phân ly (histeria). Theo nhiều tác giả chính sự kết hợp hai yếu tố môi trường xã hộidi truyền đã hình thành kiểu rối loạn nhân cách này.
       Rối loạn thường xuất hiện ở tuổi dậy thì ở trẻ gái và sớm hơn ở trẻ trai. Biểu hiện của rối loạn nhân cách thể hiện rỏ nét ở sự mất kìm chế bản thân, thường có những hành vi xung động như không thích ứng được khi có xung đột hay những sự kiện gây bất mãn, không nhận thấy lỗi lầm của mình, luôn qui trách nhiệm cho người khác và xem mình là nạn nhân, không tính đến điều phải trái cũng như hậu quả, do đó dễ dẫn đến kích động, đập phá,xâm phạm, bỏ trốn hay tự sát…Khí sắc thường không ổn định,lo âu, trầm cảm, hay thay đổi chỗ ở, lạm dụng rượu; ma tuý…Người bị rối loạn nhân cách cũng thường vi phạm các qui tắc đạo đức xã hội, nhất là trong hoạt động tình dục. Ở nữ giới thường thấy có những nét kịch tính của rối loạn phân ly. Do đặc điểm nhân cách không bình thường này, người bị rối loạn thường có những hành vi phạm tội.
       Do càng ngày càng có kinh nghiệm hơn trong cuộc sống, được giáo dục đúng cách trong môi trường thích hợp rối loạn có thể giảm sau nhiều năm. Ngược lại, rối loạn tiến triển ngày càng nặng hơn nếu tiếp tục sống trong điều kiện môi trường không thuận lợi và thường có tỉ lệ tử vong cao do thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm, do biến chứng của việc sử dụng rượu, ma tuý, tai nạn hoặc tự sát…
       Để hạn chế sự hình thành rối loạn nhân cách chống xã hội chủ yếu vẫn là sự giáo dục đúng hướng và đảm bảo một môi trường sống lành mạnh.

http://www.ykhoanet.com/yhocphothong/tamthan/tamthan12.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét