Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

CAY ĐẮNG

“ Tại sao mày không nói thật cho tao biết?”
Mặt Vũ căng lên. Tôi ngồi chịu trận. Hắn muốn xỉ vả gì tôi cũng cứ làm lơ. Tôi hiểu nỗi xúc động của hắn.
“ Ăn đi! Tám năm không được ăn, bây giờ được ăn lại bày đặt vẽ chuyện. Cứ ăn cho nó khỏe người đã. Chuyện đâu còn đó.”
Vũ dằn mạnh đôi đũa xuống bàn.
“ Sư anh chứ! Anh làm như tôi là thằng chết đói không bằng!”
Tôi vẫn nhẩn nha.
“ Thì chết đói thật chứ làm bộ làm tịch gì nữa! Cơm trắng chẳng có mà ăn giờ được ăn phở, sướng thấy mồ tổ. Phải nhìn vào sự thật, đừng làm phách làm tướng.”
Vũ lắc đầu.
“ Tao chịu thua mày. Mày vẫn như vậy. Đối với bạn bè như con củ xê ấy!”
Cứ cho cái thằng vừa bị choáng váng này hiểu là cuộc đời bây giờ nó kỳ quái lắm. Chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Tám năm đi tù, thấu xương, mới được thả về, mừng còn hơn trúng sổ xố độc đắc cá cặp. Đùng một cái, rơi tõm xuống địa ngục. Còn gì là con người nữa.
“ Tối qua chắc mày không ngủ được?”
“ Ngủ đếch gì mà ngủ! Tao nằm mà bụng cứ sôi lên. Định sáng dậy mang thân trở về xin ở tù lại.”
“ Nhảm!”
Tôi vùi đầu vào tô phở. Phở bà Dậu vẫn là phở số một bây giờ. Sao hôm nay lại thấy không được ngon. Vũ cũng uể oải lùa phở vào miệng. Ăn xong, tôi lại quầy trả tiền. Bà chủ tiệm hỏi tôi đôi câu về chuyện đi đứng. Người nào cũng cấn cái trong đầu chuyện cốt lõi này. Thời buổi lạ. Ai cũng nghĩ tới chuyện đổi dời. Bà Dậu và tôi đều có giấy bảo lãnh đi Canada, cùng đang làm thủ tục, cùng ngóng tương lai có tàu bay, nên lần nào đến ăn cũng trao đổi đôi câu. Đồng thanh hay đồng khí chẳng biết mà miếng vè trong bát phở của tôi bao giờ cũng tươm tất nhai dòn rau ráu.
Trở lại bàn , tôi dục Vũ.
“ Biến chứ! Kiếm cái gốc cây ngày xưa cho có không khí.”
Ngày xưa, chúng tôi cùng làm một chỗ, rảnh là hú nhau đi cà phê. Có tiền thì ngồi ở Cái Chùa, hết láng thì cứ cà phê gốc me làm chuẩn. Hồi đó, bọn cấp chỉ huy trẻ chúng tôi khoảng năm bảy tên, đứa thì giữ một phòng, đứa thì coi một sở, chưa có đứa nào ngoi được lên tới cái mác Giám Đốc. Chúng tôi họp thành một nhóm làm nhột mấy anh già đang giữ những chức vụ cao. Nhột vì các anh ấy sợ tụi tôi liên kết với nhau hất các anh ấy xuống khỏi ghế, những cái ghế các anh ấy đã khổ nhọc ra sức dành lấy và cột chắc vào cái chỗ ngồi rất phúng phính của họ. Nhột hơn nữa là cái cách chúng tôi sống. Rất ngược ngạo với phong cách bệ vệ, đĩnh đạc cố làm ra vẻ cấp trên của họ. Nhóm chúng tôi, nhanh chân chạy đi được trước có mấy tên. Ngày trình diện tại nhiệm sở sau đó, không thấy mặt thằng nào là mừng cho thằng đó. Mừng nhưng cũng xót cái bụng. Sao chúng nó nhanh chân thế chẳng biết. Sư các anh nhé! Các anh kín như bưng, chẳng thấy anh nào rủ mình một tiếng. Xót thì chửi đổng vậy chứ lúc hỗn quân hỗn quan, lo chạy được cái mạng đã xấc bấc xang bang, còn hú được ai. Mấy thằng còn lại rủ nhau vào tù hết. Tôi là thằng được về trước nhất. Cỡ công chức có môn bài như Đốc Sự Quốc gia Hành Chánh còn phải ở lại nói chuyện phải trái hơi lâu. Cỡ Cao Học Hành Chánh như Vũ thì lê la từ Nam ra Bắc không hẹn ngày về. Tám năm được về như hắn kể ra cũng còn có hạng. Bò về được tới nhà, nghe tiếng con nít khóc vọng ra, hắn biết sự tình. Biết nhưng mà vẫn choáng. Nghe tin đồn thì từ những ngày còn trong trại, nhưng hy vọng thì vẫn cứ hy vọng. Tin đồn thường thất thiệt! Trong một bức thư gửi cho tôi, hắn đã nài nỉ tôi cho hắn biết sự thực.
“ Sao hồi đó mày không kể hết sự thực cho tao?”
Tôi lừ lừ đôi mắt như muốn đo cái sự can cường của thằng bạn mờ người trong tù.
“ Kể sự thực lỡ mày nổi điên trong đó thì còn ra cái thể thống gì nữa!”
” Mày chơi với bạn lâu ngày mà không biết tính bạn. Cỡ tao mà điên được à? Còn khuya!”
Tôi liệng sát chiếc xe đạp cà khổ vào xe hắn.
“ Thằng nào miệng cũng nói ngon lắm, nhưng vào việc mới biết. Nhất là chuyện liên quan đến con tim. Tao chẳng dại.”
Vũ xuội lơ.
“ Tao đếch thèm nói với mày nữa. Thằng cà chớn!”
Tôi nắm lấy ghi đông xe hắn, chạy hàng hai. Ngày xưa chạy kiểu này sẽ bị mấy anh bạn dân làm phiền ngay. Bây giờ, đường xá thênh thang, chủ yếu là xe đạp, chạy kiểu dắt díu như thế này cũng chẳng ăn bao nhiêu đường của người khác.
“ Tao nói thiệt với mày nhé. Nếu tao không cà chớn thì chắc gì có ngày mày về như thế này. Đừng có lên gân!”
Chẳng hiểu hồi đó sao chuyện của Thanh lại lọt được vào tới tai hắn. Tôi nghĩ hắn biết từ mấy đứa em gái hắn vào thăm mỗi khi được phép thăm nuôi. Mà tôi dè chừng hắn còn biết rõ hơn nữa. Vợ hắn vốn không được lòng bên nhà chồng. Khi hắn vào làm chung sở với tôi thì hắn đã có hai thằng con trai. Theo những gì hắn tâm sự với bọn chúng tôi sau những chầu nhậu ngà ngà thì cuộc hôn nhân của hắn với Thanh không được hai bên gia đình tán thành. Bên nào cũng dành phần phải về mình. Hắn và Thanh, mặc cuộc chiến tranh nhỏ đang xảy ra bên lề tình yêu, vẫn cứ dắt nhau lên bàn thờ xỏ nhẫn cho nhau trước sự lạt lẽo của cả hai bên cha mẹ. Cuộc tình của hắn ngon lành như vậy. Hai vợ chồng thương nhau hết lòng. Chồng công chức hạng A, vợ giáo sư Trung học Đệ Nhị Cấp, hai đứa tằn tiện cho cuộc sống chung. Trước khi mất nước, hai vợ chồng đã mua được một căn nhà nhỏ, lợp tôn, ở Bình Thạnh, hơi xa nhưng hai vợ chồng đều có xe honda nên cũng không đến nỗi nào. Từ nhà hắn tới sở làm phải chạy ngang qua nhà tôi. Nhiều lần hắn vớt tôi đi ăn sáng trước khi vào sở. Cuối tuần, hắn chở vợ con tới chơi nhà tôi, có khi vui chuyện ở lại ăn cơm. Thế nên vợ hắn cũng thân với vợ tôi. Tôi ở tù chẳng bao lâu thì được cho về trước. Tại sao họ cho tôi về thì tôi cũng chẳng biết. Cứ như trúng số. Hắn chạy theo nhắn với tôi thỉnh thoảng xuống thăm chừng vợ con hắn dùm. Hắn chẳng dặn thì tôi cũng phải làm. Trong thời buổi khốn khó con người thường xích lại gần nhau hơn, huống chi là bạn thân với nhau. Đường xa cũng phải gần dù phương tiện di chuyển chỉ là xe đạp. Cứ lạch cạch mà đâu cũng tới hết. Mỗi tuần tôi chở con gái tôi xuống nhà Thanh một buổi để Thanh dậy tiếng Anh. Mỗi khi được phép viết thư vào trại, Thanh vẫn cho tôi biết để gửi cho Vũ ít chữ trấn an.
Chúng tôi thắng xe bên quán cà phê lề đường ngày xưa chúng tôi vẫn thường hay la cà tới. Chủ quán vội đưa ra hai chiếc ghế gấp lùn tịt và một chiếc bàn dã chiến. Khách chung quanh hầu như anh nào cũng có chiếc mũ chụp trên đầu. Tôi không hiểu vì sao mà Sài gòn lại sản sinh ra một loại văn hóa mũ nở rộ đến thế. Hầu như mọi người chẳng ai muốn chường mặt ra dưới những tia nắng quái. Tôi lột chiếc mũ có vành màu ka ki trên đầu xuống. Vũ cũng làm theo. Chiếc mũ của hắn mang từ trại cải tạo về nhão nát thảm thương.
“ Chút nữa về nhà nhớ nhắc tao đưa cho mày chiếc mũ khác nhé. Chụp chi chiếc mũ tổ đỉa đó cho mất giá trị đi!”
Vũ ngượng nghịu.
“ Giá trị gì nữa.Thời buổi này cần chi cái mặt tiền. Sao mà chẳng được. Dân Sài gòn  bày vẽ quá.”
“ Mày làm như mày chưa bao giờ là dân Sài gòn hết cả đấy.”
Tám năm tù tội làm con người hắn giản dị đi nhiều. Sáng nay tôi bảo hắn lấy cái xe đạp của vợ tôi mà đi, hắn cũng đưa đẩy. Thôi, tao đi bộ cũng được. Đi mà không xẻng cuốc, không lon không túi, giầy dép đàng hoàng như thế này là tiên rồi. Cần gì phải xe cộ! Tôi phì cười. Này, mày trở lại thế giới văn minh rồi. Phải cư xử, suy nghĩ sao cho ra con người văn minh chứ. Vũ trọn mắt.  Văn minh hả? Chưa đâu!
Vũ quay quay chiếc mũ.
“ Bây giờ tao rừng rồi! Chỉ thiếu điều mọc đuôi!”
Tôi cười ha hả. Mấy ẩm khách chung quanh liếc nhìn qua. Vũ nháy tôi, nhỏ giọng.
“ Mày giữ ý giữ tứ một chút chứ. Bây giờ tao mới thấy anh Sartre nói đúng. Hỏa ngục là người khác! Mẹ kiếp. Vậy mà anh ấy cũng nhào vào hỏa ngục, cháy râu cháy tóc mới nhẩy ra, cứ tưởng lửa nào cũng giống như lửa của anh Picasso vẽ ấy! Tao cũng đang cháy xém mặt mũi đây.”
Vũ lại trở về chuyện đang làm hắn điêu đứng. Kể cũng điêu đứng thật. Vợ chồng lấy nhau vì tình rõ ràng, tại sao chỉ vài năm thử thách, thiên nga đã gãy cánh? Tôi còn nhớ như in buổi tối hôm đó, chừng vài tuần sau khi không dạy con gái tôi học nữa vì bận, Thanh đạp xe tới nhà tôi trong lúc mưa gió. Vừa vào nhà, nàng hỏi ngay, như câu hỏi đã nằm từ lâu trong đầu nàng tới độ không thể chờ lâu hơn được nữa.
“ Anh có biết chừng nào anh Vũ được về không?”
Nhìn bộ mặt thảng thốt chờ câu trả lời, tôi thấy tội nghiệp Thanh vô tả. Trả lời ra sao đây? Nếu tôi nhìn được vào danh sách những người sắp được thả thì hay biết mấy.
“ Vũ cũng như các bạn đã đi tù ba năm rồi, chắc cũng sắp được về. Ba năm là cái giá chót, tôi đoán vậy.”
Thanh như ngồi không yên.
“ Vậy là anh cũng chẳng biết gì!”
Tôi khỏa lấp.
“ Tôi có là cán bộ ở bộ Nội Vụ đâu mà biết. Mà nếu tôi là cán bộ thật thì chắc bà cũng chẳng tới hỏi tôi!”
Thanh ngồi trằn trọc, nhích qua bên này, nhích qua bên kia. Và bỗng nhiên nàng bật khóc.
“ Tôi cần anh Vũ lắm!”
Người nàng mềm nhũn theo tiếng khóc rấm rứt. Vợ tôi phải an ủi cho Thanh nguôi cơn xúc động. Thanh như nổi điên.
“ Chị có anh ấy ở bên cạnh rồi, hiểu sao được tôi!”
Những chiếc lá me lăn tăn li ti rụng xuống chiếc bàn mộc đã ố đi từng mảng. Tôi không muốn nói với Vũ về cái linh cảm tôi có vào tối hôm đó sau khi Thanh tất tưởi ra về. Tôi biết có chuyện nhức nhối trong lòng người thiếu phụ trẻ. Nhưng tôi lại cố lừa dối mình bằng cách nghĩ là Thanh có chuyện gì đó với gia đình chồng.
“ Vợ mày đã có một thời gian điêu đứng vì sự vắng mặt của mày.”
Vũ gằn giọng.
“ Thì ai chẳng vậy. Cả trăm ngàn thằng đi tù chứ riêng gì tao. Ăn thua là tùy người.”
“ Nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Tao hỏi thật mày nhé. Chuyện của mày và Thanh, sau khi chúng mày đã có con, mọi sự đã an bài, gia đình mày có coi Thanh như con dâu không?”
“ Mày biết đấy, cái gì một khi đã có vết thì khó lành lặn lại được. Nhưng tao nghĩ là chẳng đến nỗi nào, nhất là khi tao gặp hoạn nạn.”
Tôi ngồi yên. Đầu óc rỗng tuếch. Khung cảnh này vẫn như xưa. Ngày trước, những buổi uống cà phê như thế này ít ra cũng năm bẩy mạng. Cây me già có chiếc thân sần sùi, cóc cách vẫn như chẳng thay đổi, dù chỉ một chiếc lá. Những vết đinh của những người bán hàng bên vỉa hè đóng vào để căng bạt che mưa che nắng vẫn còn hằn nguyên những thương tích trên cây. Khung cảnh yên ắng như khung cảnh trước trường Võ Trường Toản, trước mặt Sở Thú, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vào một buổi trưa có những vạt nắng mỏng nhẹ khi tôi chờ đón con đi học về. Hằng cũng chờ con dưới một tàn cây bên đường. Người nữ luật sư của thời trước nay vừa làm mẹ vừa làm cha nhác thấy tôi đã dắt xe đạp qua đường. Chồng nàng là bạn đồng sự của tôi và Vũ, cũng còn ở tù cùng trại giam với Vũ. Chuyện quanh một hồi rồi cũng tới chuyện của Thanh.
“ Tội nghiệp chị ấy, bơ vơ kể từ khi anh Vũ ra đi. Anh có biết là hồi anh được về, chị ấy đã tới nhà tôi than khóc. Tại sao anh về mà anh Vũ vẫn chưa được về. Tôi đã phải trấn an chị ấy. Mình đã buồn thối ruột mà lại còn phải cõng thêm một nỗi buồn nữa. Khổ thật!”
Tôi đánh trống lảng.
“ Chị có tin gì của Văn không?”
“ Tôi mới ra Bắc thăm anh ấy tháng trước.”
Tôi háo hức muốn biết tin bạn bè.
“Văn khỏe chứ?’
Hằng cười nhạt.
“ Khỏe nghĩa là còn lết được. Thần sắc anh ấy xuống lắm, người nào cũng lo không biết gia đình ở nhà ra sao làm mình phải đóng kịch phát mệt. Nói thật với anh, tôi chưa bao giờ phải nói dối chồng, vậy mà bây giờ cứ xưng xưng nói dối. Được cái lương tâm yên ổn vì nói dối có…chính nghĩa!”
Hằng cười vang. Tôi giỡn theo.
“ Chị vẫn còn đứng trước tòa đấy nhỉ? Cãi vẫn còn hay lắm!”
Hằng vừa cười vừa…cãi.
“ Thầy cãi thì lúc nào mà chẳng cãi! Ông Văn ông ấy không có ở nhà nên chẳng có ai mà cãi, tay nghề cũng lụt đi nhiều rồi đấy anh ạ! Ấy, cứ như tôi thì chẳng có chuyện gì. Chị Thanh thì lại khác.”
Hằng như muốn nói với tôi về trường hợp của Thanh. Tôi vuốt theo.
“ Kể ra thì cũng tội chị ấy.”
Hằng tinh quái.
“ Tội mà ông nói với cái giọng tỉnh queo như vậy! Các ông thì ông nào cũng như nhau hết. Chỉ được cái…cường hào ác bá! Trách bọn đàn bà chúng tôi thì tài lắm, chẳng có một trường hợp giảm khinh nào cả!”
Tôi cố nín cười.
“ May quá, bà xã tôi không phải là luật sư!”
Hằng lên giọng.
“ Mà ông thấy tôi nói có đúng không? Mỗi người một hoàn cảnh, phải xét tới yếu tố này trước. Như tôi chẳng hạn. Gia đình ông Văn thấy tôi cô đơn, vất vả thay chồng nuôi con, họ săn sóc, thăm hỏi, giúp đỡ ngày một. Vậy thì có chuyện gì đâu! Nếu mà trong hoàn cảnh tôi mà tôi lại lăng nhăng chuyện này chuyện kia thì tôi còn ra cái gì nữa? Mặt mũi nào mà nhìn chồng con. Nhưng hoàn cảnh chị Thanh lại khác. Chị ấy cô đơn nhưng không được gia đình bên anh Vũ chăm sóc. Hoàn cảnh một phụ nữ như chúng tôi, chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Các ông phải hiểu cho những hoàn cảnh đó!”
Tôi chẳng thể thúc mũi dao quá sâu vào chuyện nhà của Vũ. Nhìn thấy Vũ ngồi một đống đó, như người mất hồn, tôi thấy tội nghiệp thằng bạn.
“ Cái hoàn cảnh chó má thật!”
Vũ uể oải nhìn tôi. Cặp mắt thú bị thương như muốn nạo hồn tôi ra.
“ Hoàn cảnh là một chuyện, nhưng con người cũng có phần của con người chứ. Mày coi mấy thằng đi học tập như bọn mình, mày thì không kể vì mày có số đẻ bọc điều được chúng nó tha về sớm, có thằng nào về trong tâm trạng não lòng như tao không?”
Ừ nhỉ, kể ra Vũ nói cũng đúng. Tụi bạn tôi quả không thằng nào lâm vào cảnh này, nhưng nhìn quanh thì thiếu giống gì những thân tù tội về nhà trong ngặt nghèo. Có điều những người đàn bà này sảy chân vì những thúc bách khác. Có người bị những tên cán bộ cấp phường cấp xã manh tâm trù dập để chiếm lấy thân xác của một giống cái thuộc một thế giới khác thập phần quyến rũ hơn. Có những người phải lao vào việc kiếm sống, lăn lộn với đời, trả thân đổi lấy những lợi lộc nhất thời trên những chuyến buôn đường dài. Có những người cần có nơi nương tựa để kiếm sống nuôi thân, nuôi con. Họ có cái cớ cho việc sa ngã của họ. Trường hợp Thanh thì khác. Vẫn trường lớp như xưa mặc dầu trường lớp bây giờ vạn phần vất vả hơn. Nghề thầy trước đây đã không nuôi nổi người, bây giờ cái khoảng cách giữa ngày đầu tháng và ngày cuối tháng còn dằng dặc hơn mặc dù thầy cô đã biết hội nhập vào cuộc sống mới bằng những bó rau, con cá, miếng thịt cột vào xe đạp trên đường từ trường về nhà. Dạy học không chỉ là đứng giảng dậy vài chục giờ mỗi tuần mà là ngày hai buổi công tác, lê la tại trường cho hết họp trường họp tổ, hát hỏng sinh hoạt, báo tường, công tác chủ nhiệm. Ngày không phải bắt đầu với ánh nắng và kết thúc khi mặt trời lặn mà ngày dài triền miên lan ra cả những lúc trời tối thui vẫn còn chưa hết họp hành. Nhưng dù sao, trong những ngày lao xao đó, có được một công việc, có được những phần gạo mỗi tháng, có được những nhu yếu phẩm thường ngày, mặc dù không đủ, nhưng vẫn có phần khá hơn nhiều người khác. Thanh cũng biết kiếm thêm lợi tức bằng việc bán sách báo, tranh ảnh tượng đạo trước cửa các nhà thờ vào mỗi ngày Chủ Nhật. Thanh là một tín đồ rất vừa lòng Đấng Tối Cao. Ngày trước, khi có dịp đi lễ với vợ chồng Vũ, tôi thấy Thanh hát rất nhiệt thành, thuộc không sót một kinh nào, cứ như nếu bỏ nàng vào một dòng tu thì nàng chẳng cần thời gian hội nhập cũng có thể không lúng túng với chiếc áo choàng tu sĩ.
Con người kính Chúa yêu chồng như vậy, sao bỗng trượt chân chẳng phải vì những lợi lộc vật chất? Vũ nói không sai. Hiểu vợ không ai bằng chồng. Nhưng trường hợp của Thanh thì Vũ chắc cũng chẳng hiểu tại sao Thanh lại rẽ qua một lối mòn chông gai đến như vậy. Khi chuyện của Thanh đã hiển nhiên trước mắt, tôi cũng đã ngơ ngẩn chẳng hiểu ra sao. Bởi vậy nên khi nhận được thư của Vũ tôi đã không cho hắn những tin tức rõ ràng như hắn mong muốn. Tôi đã viết cho hắn, sau nhiều ngày suy nghĩ, là xã hội bây giờ có nhiều điều mà ngay người sống ở ngoài như tôi cũng không hiểu được. Vũ ở trong một hoàn cảnh khác chắc chắn không quyết định gì được về một cuộc sống mà tự mình không có kinh nghiệm. Tôi chỉ vắn tắt cho hắn biết là vợ con hắn vẫn khỏe mạnh. Chuyện gì thì đâu còn đó, cứ cố gắng giữ gìn sức khỏe, và thòng một câu thiệu bắt buộc cho một bức thư vào nơi tù đầy, cứ cố gắng học tập tốt, lao động tốt để chờ một ngày về chắc chắn không xa.
Bây giờ Vũ đã về, câu đầu tiên hắn hỏi tôi là về cái tội nói quanh không cho hắn biết rõ ràng việc lăng nhăng của vợ hắn. Phở ăn rồi, cà phê đang nhâm nhi, lòng hắn vẫn bời bời.
“ Nếu ngày đó mày thẳng thừng cho tao biết, tao chẳng biết được là tao sẽ phản ứng ra sao. Bây giờ về đến nhà, tận mắt thấy, tận tai nghe, tao vẫn còn choáng váng. Tại sao lại như vậy nhỉ?”
“ Thế ra bây giờ mày mới hơi bình tâm trong suy nghĩ được một chút, không còn cà khịa với tao về chuyện lơ mơ trong thư viết cho mày. Nhưng thôi, bỏ chuyện đó đi. Mà chuyện trong đầu mày cũng bỏ đó luôn. Mày cứ ở nhà tao ít bữa để vợ chồng tao vỗ béo cho mày ít ngày, chờ khi nào lòng thật thanh thản, tâm thật lắng đọng, bình tĩnh nhìn vào sự việc rồi quyết định phải làm sao. Đồng ý chưa?”
Ở nhà tôi được vài ngày, Vũ đòi đi.
“ Mày đi đâu bây giờ? Tính về nhà bà cụ mày hả?”
“ Không! Về bên đó cũng điên đầu chẳng kém về nhà tao. Tao vào chùa!”
Tôi há hốc miệng.Thằng này định làm một cú ngoạn mục hay sao đây?
“ Chán để tóc rồi à?”
Vũ cười. Tôi chưa bao giờ thấy nụ cười nản như vậy.
“ Tao ở với thằng Hạo một thời gian. Tao cần một chỗ yên tĩnh,”
Hạo là bạn học với Vũ ngày xưa, đâu từ thời Tiểu học thì phải. Ngày trước thỉnh thoảng Vũ có đưa tôi xuống Thủ Đức thăm cảnh chùa của Hạo. Đó là một ngôi chùa cổ, êm ả, lặng lẽ nép mình trong những hàng tre rậm rạp. Hạo là một thầy tu có căn có cốt. Tôi vẫn nghĩ nghịch ngợm trong đầu là nếu không có chùa thì không biết Hạo sẽ nương thân vào chỗ nào trong cái cuộc đời hoàn toàn không thích hợp với con người nhu mì của hắn.
“ Mày tính cũng hay. Nhưng mà mày có chắc bạn mày còn ở đó không?”
“ Hắn không ở đó thì ở đâu! Nếu vào tới sân chùa mà tao thấy một nấm mộ thì tao biết nó không còn ở trong chùa nữa.”
Tôi cười. Nhắc tới bạn nối khố xưa, Vũ đã biết đùa rồi đó.
“ Đừng ở luôn nghe. Mà không chừng có khi mày lại muốn ở luôn cũng nên. Nếu có ở luôn thì cho tao biết, tao sẽ tặng mày một bộ cà sa!”
“ Mày thì lúc nào cũng tếu được. Thôi tao đi!”
Vũ ôm gói quần áo ra đi không cho tôi đưa ra bến xe. Khi tôi đóng cửa nhà, hắn mới nói như muốn giải thích sự vội vàng của hắn.
“ Ở với mày, thấy vợ chồng mày hàng ngày, tao nghĩ tới tình cảnh tao.”
Vũ không nói hết ý nhưng tôi hiểu. Nhìn lưng hắn lủi thủi khuất ở đầu ngõ, tôi quay vào, tay bất giác quệt lên mắt.
Chưa đầy một tuần, Vũ đã quay lại nhà tôi. Mặt hắn ngùi ngùi. Tôi muốn thắp thêm chút ánh sáng trên bộ mặt khó nhìn.
“ Sao? Mày chán tương chao của thằng Hạo rồi à?”
Mặt Vũ tỉnh bơ.
“ Mày đừng gọi nó là thằng. Dù sao, có tí áo nâu khoác lên người, nó cũng nghiêm trang ra gì.”
Tôi đón hỏi.
“ Chắc nó lên lớp mày rồi hả?”
Vũ gật đầu.
“ Suốt ngày nó cứ bắt tao hỷ xả. Tao gật đầu muốn mỏi cổ. Cái sừng của tao nặng quá!”
Tôi chẳng nói gì. Nói gì được bây giờ? Vũ khích.
“ Còn mày, mày có lời khuyên nào cho tao không?”
Trước khi Vũ về, mấy thằng chúng tôi, toàn là bạn của Vũ, đã cà phê cà pháo với nhau bàn xem có làm được gì cho Vũ không. Sao mà cái đầu chúng tôi hồi này tối thế không biết nữa. Chẳng có thằng nào nghĩ ra được một ý tưởng kha khá một chút. Chỉ rặt giao banh! Cuối cùng, đành phải chấp nhận đây là chuyện mà chỉ có thể quyết định được bởi chính người trong cuộc.
“ Chẳng cứ tao, mà tất cả những thằng bạn của mày, tụi tao chỉ biết được một điều là tụi tao chẳng có thể khuyên mày được gì hết. Chuyện của mày, chỉ có mày với cái tâm của mày xử lấy!”
Vũ cười cười nhìn tôi.
“ Chuyện xong rồi. Tao đã về gặp Thanh. Tao đã quyết định chia tay với bà ấy!”
Tôi không bị choáng bởi cái tin giờ chót mà Vũ vừa thông báo nhưng vẫn cảm thấy hụt hẫng. Cuối cùng, chuyện phải đến đã đến. Tôi nghĩ đến Thanh, đến nỗi cay đắng không tránh được của người đàn bà bị cơn lốc cuốn theo.
“ Thanh có nói gì không?”
Vũ lắc đầu.
“ Không. Chỉ khóc.”
Khi Thanh vác cái bụng đã vun đầy đến nhà tôi, nàng cũng khóc hết nước mắt. Trong suốt buổi chiều một ngày Chủ Nhật âm u đó, Thanh chỉ nói tới chuyện về của Vũ. Nàng vẫn mong mỏi chồng. Hình như để giải tỏa một tình trạng căng thẳng quá sức chịu đựng của nàng. Nàng như điên như cuồng trách cứ tôi tại sao tôi được về sớm mà Vũ không được như vậy. Tôi nhớ lại lầnThanh như điên như dại nói cần Vũ lắm lắm. Ngày đó nàng là một Thanh rối rắm bất an. Lần này nàng là một Thanh bời bời mong sớm một kết cục. Chiếc bụng sờ sờ chẳng che dấu không được ai nhắc tới. Chúng tôi cố nhắm mắt làm ngơ. Cả Thanh. Cả tôi. Cả vợ tôi. Chỉ khi Thanh đã ra về, vợ tôi mới nước mắt đầm đìa. “ Hoàn cảnh cả!” Tôi lơ láo cất cái này, dọn cái kia, chẳng muốn nghĩ ngợi gì. Cứ ngơ ngáo như một người mất trí nhiều khi cũng có cái hay. Hoàn cảnh? Thì cũng là hoàn cảnh. Trong cái bát nháo của cuộc đổi đời, những thảm cảnh xã hội đầy rẫy chung quanh. Trường hợp của Thanh hình như không nằm trong cái chung này. Đó là một thảm kịch cá nhân.
Vũ kéo tôi về bằng câu hỏi nghe ra rất thản nhiên tự tại.
“ Mày có biết Thanh đã dan díu với ai không?”
Tôi gật đầu.
“ Tao biết chứ!”
Vũ bỏ nhẹ.
“ Vậy mà tao mới biết đây!”
Tôi nghe như một lời trách.
“ Tao tính về bất chợt để gặp thằng nhãi đó luôn. Nhưng từ khi nghe tin tao về nó trốn biệt mất. Tao tính bằng mặt bằng lời giao nó trách nhiệm săn sóc Thanh. Nhưng thôi, thế cũng là xong!”
Thằng nhãi mà Vũ nói là một đứa học trò của Thanh. Tôi có thấy hắn vài lần khi hắn cùng Thanh ngồi bán ảnh tượng trước cửa nhà thờ. Những lần đó, nhác thấy bóng vợ chồng tôi, Thanh đã kéo nón che mặt, cúi gầm xuống lơ đi.
“ Bây giờ mày tính sao?”
“ Tính cái gì?”
“ Đời mày!”
Vũ đứng dậy ra rót ly nước, uống một hơi, vân vê chiếc ly gần cạn trong tay, chậm rãi ngồi lại, chậm rãi trong tiếng trầm trầm như cầu kinh.
“ Tao sẽ mang hai thằng con tao về cho bà cụ tao nuôi. Còn tao sẽ tính đường dọt.”
Hai đứa tôi ngồi như hai chiếc bóng. Bốn bàn chân gác lên chiếc bàn thấp. Tôi vớ tờ báo coi. Rất lâu sau đó, Vũ vươn vai, đứng dậy, rủ tôi.
“ Đi cà phê mày!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét