Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Tình yêu tuổi học trò và những hệ lụy

Dân trí) - Chuyện yêu đương tuổi học trò có thể là những “mối tình đầu đời” rất trong sáng, để lại những kỷ niệm đẹp trong đời người, Nhưng nếu tình cảm bồng bột nam- nữ diễn ra quá sớm và quá đà, thì sẽ dẫn tới những hệ lụy thật đáng buồn…
Khi người “trong cuộc” chưa đủ độ “chín”

Nếu như trước đây, tình yêu tuổi học trò thường chỉ nảy nở vào những lớp cuối cấp học phổ thông. Phần nhiều những mối tình học trò thường hồn nhiên, trong sáng theo kiểu: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…” (Phượng hồng – Vũ Hoàng); thì ngày nay, cùng với những thay đổi về môi trường xã hội, về tâm sinh lý của lớp học sinh mới, cùng với đó là sự “tiếp sức” của các phương tiện công nghệ, kỹ thuật hiện đại như: internet, điện thoại di động…, lứa tuổi bước vào “đường yêu” của học sinh đang dần “trẻ hóa”.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn
Thay vì những lớp cuối cấp, không ít học sinh đang học ở bậc THCS cũng phát sinh tình cảm yêu đương với bạn khác giới. Đáng nói là, do chưa đủ độ “chín” về nhận thức, tình cảm cộng với tâm lý hiếu kỳ, tò mò, thích khám phá những cảm xúc mới lạ, không ít em đã ngộ nhận về những cảm xúc, rung động của mình và cho đó là tình yêu.

Việt H ở phường Quang Trung – Tp. Vinh, mới học lớp 8 những đã hãnh diện với bạn bè vì thành tích “cưa đổ” được cô bạn tên P xinh xắn, dễ thương nhất lớp. Khi được hỏi vì sao lại thích bạn P, Việt H hồn nhiên bộc bạch: “Em thích bạn P vì bạn ấy xinh, em cũng rất thích khi các bạn trai khác trong trường nhìn em bằng ánh mắt nể phục”.

Cùng trường với H còn có Phan Thu T, dù mói học lớp 9 nhưng T đã sở hữu chiều cao 1m60, trông phổng phao, xinh xắn và duyên dáng như thiếu nữ. Sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, bố là giám đốc công ty tư nhân, mẹ là kế toán ngân hàng, là con một, T được cả nhà chiều chuộng từ nhỏ nên từ cách ăn mặc, đầu tóc cho đến cặp sách đến trường, T đều tỏ vẻ sành điệu hơn so với các bạn cùng lớp. Thời gian gần đây, đám bạn của T bàn tán nhiều về việc T thường xuyên sánh đôi với cậu bạn trai học trước T một lớp. Với T, sức cuốn hút của cậu bạn học lớp trên kia là vẻ đẹp trai bề ngoài và cách cư xử với bạn gái rất “ga lăng”.

Với những học sinh ở cấp THPT thì nhận thức về cái gọi là tình yêu cũng còn nhiều bồng bột, nông nổi. Nguyễn Khánh N ở phương Lê Mao – Tp. Vinh, hiện đang học lớp 12 ở một trường THPT dân lập trong thành phố, đã không ngần ngai khi công khai trên blog cá nhân về mối tình của mình với cô bạn học lớp 10 cùng trường. N có quan niệm về tình yêu khá đơn giản: “Yêu là lúc nào cũng dành thời gian bên nhau và đi chơi cùng nhau”. N đã “khoe” trên blog của mình: trong thời gian yêu nhau, ngày nào N và cô bạn gái cũng gặp nhau ít nhất từ 3-4 tiếng. Nhiều khi N phải nói dối bố mẹ là đi học thêm để đưa bạn gái đi chơi.

Những hệ lụy đáng tiếc

Do chưa có những nhận thức chín chắn về tình yêu, lại chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cơ bản nên hiện tượng học sinh yêu sớm đã dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Thực tế, trên địa bàn Tp. Vinh thời gian qua đã xảy ra một số vụ ẩu đả giữa các học sinh với nhau vì những lý do liên qua đến chuyện tình cảm.

Điển hình là vụ một nữ sinh của trường THPT Hà Huy Tập bị một nhóm bạn tổ chức đón đường đánh hội đồng, dùng điện thoại di động quay rồi tung lên mạng. Do phải dành nhiều thời gian cho việc lên mạng để chat, tâm sự với người yêu nên Nguyễn Việt H học lớp 8 ở phường Quang Trung đã chểnh mảng việc học hành và nhiều lấn “dính” điểm kém...
 

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: pda.vietbao.vn)

Cũng giống như Nguyễn Việt H nhưng nghiêm trọng hơn là trường hợp với “đàn anh” Nguyễn Khánh N đang học lớp 12. Dù các kỳ thi quan trọng đang đến gần nhưng N vẫn không mấy quan tâm đến chuyện bài vở, vì phải dành quá nhiều thời gian để “chăm sóc” cho “người yêu”. N trở nên lơ là trong việc học, thường xuyên đến lớp muộn, ngồi học không tập trung, trong khi sức học của N vốn chỉ ở mức dưới trung bình.
 
Với bản tính bồng bột, nông nổi và quan niệm rằng yêu là phải biết “cho”, biết dâng hiến, nhiều mối tình tuổi học trò đã có kết cục buồn khi cả hai đi quá giới hạn, quan hệ tình dục sớm. Trong trường hợp này, chịu thiệt thòi nhiều thường thuộc về các nữ sinh.

Trên thực tế, nhiều nữ sinh tỏ ra bối rối, không biết xử trí ra sao khi lỡ ăn “trái cấm” và kết quả là cái thai trong bụng cứ lớn dần lên trong khi các em chưa đủ các điều kiện để làm mẹ. Không ít trường hợp, nữ sinh phải chấp nhận đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường.

Trong số đó, không ít em do mặc cảm, xấu hổ, sợ gia đình, thầy cô và bạn bè biết chuyện đã tự tìm đến các cơ sở phá thai tư nhân để giải quyết hậu quả bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra. Sau khi phá thai, nhiều em rơi vào tình trạng hụt hẫng, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và học tập.

Gia đình và nhà trường cần là chỗ dựa

Nhiều bậc phụ huynh nhận thấy ở con những biểu hiện bất thường như: thường xuyên đi học về muộn, lơ là, chểnh mảng trong việc học, thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho ai đó… Sau khi tìm hiểu, biết con mình đã phát sinh tình cảm với bạn khác giới, nhiều bậc phụ huynh lúng túng, không biết xử lý như thế nào cho phù hợp. Một số chọn giải pháp đe nạt, cấm đoán, tìm cách kiểm soát để con mình không tiếp tục vướng vào chuyện yêu đương.

Mặc dầu vậy, giải pháp trên không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng. Phan Thu T ở phường Quang Trung – Tp.Vinh do được nuông chiều từ nhỏ nên tính tình có phần ngang bướng. Khi được bố mẹ khuyên nhủ không nên yêu sớm, ảnh hưởng đến việc học tập, T nhất quyết không chịu nghe theo và còn tuyên bố: nếu còn bị bố mẹ và gia đình “cấm yêu”, sẽ bỏ nhà ra đi.

Ở tuổi dậy thì, việc các nam sinh và nữ sinh xuất hiện những tình cảm “lạ” với bạn khác giới là điều tự nhiên. Vấn đề là người lớn cần có những cách xử trí linh hoạt, phù hợp. Mọi sự cấm đoán cực đoan, can thiệp thô bạo vào chuyện tình cảm của con trẻ ở độ tuổi mới lớn có thể gây ra những phản ứng tiêu cực, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Nên chăng, khi phát hiện trẻ yêu sớm, cần gần gũi, tìm hiểu, chia sẻ từ đó định hướng cho các em nhận thức về tình bạn, tình yêu trong sáng. Làm sao để chúng thấy được rằng ở tuổi học sinh, việc quan trọng nhất tác động đến tương lai là việc học.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản ở tuổi mới lớn. Trong đó bao gồm cả việc trao đổi, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là gia đình và các thầy, cô giáo trong nhà trường phải là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy để giúp học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì vượt qua được giai đoạn tâm lý có nhiều thay đổi, xáo trộn này.

Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)

LTS Dân trí - Ngày nay, do đời sống vật chất cũng như tinh thần đầy đủ và phong phú hơn thời trước rất nhiều, cho nên trẻ em phát triển nhanh hơn cả về thể chất, tâm hồn và tình cảm khác giới. Trước thực tế đó, các bậc cha mẹ cũng như thầy cô giáo nên quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển tâm sinh sinh lý của trẻ em để biết được những diễn biến bất thường, nhẹ nhàng gần gũi hướng dẫn những điều nên làm và uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc.

Bên cạnh việc tập trung cho học tập, nên tạo điều kiện cho các em có mối quan hệ lành mạnh trong tình bạn (cả bạn nam và bạn nữ); có các hình thức vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi. Nếu có điều kiện, nên cho các em học thêm nhạc, họa và chơi các môn thể thao, giúp các em có đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh.

Đấy là những việc làm thiết thực mà nhà trường cũng như gia đình nên phối hợp chăm lo để giúp các em phát triển hài hòa trong đời sống tinh thần và tình cảm, không rơi vào tình trạng yêu đương quá sớm và quá trớn ở tuổi học trò.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét