Khi không gian có những cơn gió se se lạnh, lá bàng
bắt đầu trút xuống và trên bầu trời xuất hiện những cánh chim bay về
phương Nam thì cũng là thời gian mà học sinh vui mừng, háo hức đón chào
ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam với những món quà thật ý nghĩa dâng
lên thầy cô giáo để thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.
Vậy,
“tôn sư trọng đạo” là gì? Có thể hiểu rằng, “tôn sư” là lòng tôn kính,
thương mến của người học trò đối với thầy; “trọng đạo” là đề cao, xem
trọng đạo lý. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” có từ rất lâu, đã trở thành
truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời phong kiến, trong bậc thang
giá trị, vua là trên hết, và người thầy xếp sau vua nhưng trước cha mẹ.
Chúng ta thường nghe nói “Quân- Sư- Phụ” là thế. Những câu tục ngữ, ca
dao truyền miệng từ xưa đến nay mà mọi người đều thấy quen thuộc: “Nhất
tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”,“Trọng thầy mới
được làm thầy” , “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu
lấy thầy”, cũng thể hiện được truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.
Có
nhiều người băn khoăn: Vì sao người học cần phải biết “tôn sư”? Bởi vì
người thầy là người biết thương mến, lo lắng cho học trò mình, biết cách
dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ, trở nên người
tốt ở trên đời. Từ xưa, lịch sử giáo dục của dân tộc ta có những người
thầy tiêu biểu, được nhân dân mãi mãi tôn vinh, gương sáng còn lan tỏa
đến ngày nay như thầy Đỗ Năng Tế (thầy dạy cả văn lẫn võ cho hai chị em
Trưng Trắc và Trưng Nhị), thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy
Nguyễn Đình Chiểu và gần đây, có thầy Nguyễn Tất Thành (tức Bác Hồ kính
yêu của chúng ta). Những người thầy đó đã để lại những tấm gương sáng về
đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào
tạo bao thế hệ học trò, con em nhân dân phò đời giúp nước, làm rạng rỡ
những trang sử vẻ vang của dân tộc. Không chỉ biết “tôn sư”, người học
còn phải biết “trọng đạo”. Một trong những biểu hiện của tinh thần
“trọng đạo” là xem trọng , biết ơn người thầy. Ngày xưa, cứ mỗi độ Tết
đến Xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu đi chúc Tết
“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Trong không khí
“vui như Tết”, mọi người vẫn không quên dành cho những người thầy những
lời chúc tốt đẹp, những sự quan tâm đầy tình nghĩa.
Ngày nay nhà giáo
được vinh danh là kĩ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “ Nghề cao
quí nhất trong tất cả các nghề cao quí.” Lớp lớp nhà giáo đã có nhiều
đóng góp cho sự nghiệp “Vì lợi ích trăm năm trồng người” (Bác Hồ), họ đã
giảng dạy những học sinh từ Mẫu giáo đến việc đào tạo ra không chỉ
những công nhân, viên chức bình thường mà cả rất nhiều kĩ sư, bác sĩ,
tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng. Và không giống những nghề cho ra đời những
sản phẩm vật chất, nghề giáo đã tạo ra những con người tri thức, có đạo
đức. Mà muốn tạo ra những sản phẩm con người vừa có đạo đức, vừa có tri
thức trong thời buổi hội nhập, trong sự phát triển như vũ bão của khoa
học công nghệ hiện nay, chắc chắn làm một thầy giáo, cô giáo cũng chẳng
dễ dàng gì. Để có một bài giảng tốt, một lời khuyên hay, người thầy
trước tiên phải là tấm gương sáng, và đã phải trăn trở, nghĩ suy biết
bao đêm ngày, lo lắng tất cả mọi thứ từ việc dặn dò học sinh học bài cũ,
soạn bài mới cho đến việc thiết kế , soạn giáo án lên lớp. Đó là chưa
kể đến những thầy cô nhà ở rất xa trường, phải đi rất nhiều cây số mới
đến được lớp học, rồi lại có những thầy cô có hoàn cảnh rất khó khăn,
cha mẹ già yếu, con cái đau ốm,.... Nhưng vượt lên tất cả sự vất vả,
người thầy luôn dành những gì tốt nhất mà mình chuẩn bị, dành hết cái
tâm của mình để học sinh có thể hiểu bài, với một hi vọng giản đơn là
mỗi học sinh sẽ trở thành một người có ích cho xã hội trong hiện tại và
tương lai. Chính vì vậy mà hình ảnh người thầy đã khắc sâu vào tâm hồn
của những ai từng là học sinh. Chắc chắn không ai có thể quên được “ngày
đầu tiên đi học mắt ướt nhạt nhòa”, được cô giáo “vỗ về an ủi thật
thiết tha”. Rồi trong một khoảng thời gian dài làm học sinh, biết bao
người đã được thầy cô uốn nắn từng chữ viết, dạy cho cách làm người,
cung cấp bao nhiêu kiến thức. Viên phấn trên tay thầy cô càng ngắn dần,
tóc thầy cô càng điểm nhiều sợi bạc thì học sinh càng được mở rộng thêm
về kiến thức, về sự hiểu biết. Trong miền kí ức của học sinh, thầy cô là
người cha, người mẹ thứ hai, là ngọn gió mơn man mùa hạ, là bếp lửa
hồng sưởi ấm mùa đông giá rét.
Tấm lòng của thầy cô bao la như trời
biển, vậy mà trong môi trường học đường, vẫn còn đâu đó một số học sinh
còn có biểu hiện xem thường kỉ cương học tập và thái độ tôn sư trọng
đạo. Ở lớp, họ không chú ý nghe thầy, đua bạn.Ở nhà, họ không chịu học
bài, làm bài, ý thức tự giác của họ chưa cao, thậm chí họ còn có thái độ
vô lễ, xem thường thầy cô. Đó là chưa kể đến một số học sinh đã rời
trường, bất chợt gặp thầy cô trên đường thì nhìn đi chỗ khác hoặc cứ
giương mắt rồi đi mà chẳng hề chào hỏi. Những học sinh đó thật là đáng
trách.
Người dân Việt Nam có tinh thần hiếu học và rất biết ơn người
có công dạy dỗ mình dù người ấy chỉ dạy mình một chữ hay nửa chữ “Nhất
tự vi sư, bán tự vi sư” . Mang ơn thầy là bổn phận của người học bởi
"Không thầy đố mầy làm nên". Bổn phận này không phải chỉ là sản phẩm của
lý trí thuần túy , nó xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu
xa bền bỉ: đó là sự thương mến kính trọng thầy. Mà đã thương mến, kính
trọng, biết ơn thầy thì phải thể hiện bằng hành động thật cụ thể, chí ít
phải chú trọng việc duy trì nề nếp, kỷ cương học tập và có thái độ “tôn
sư trọng đạo”. Mỗi học sinh cần học bài cũ, soạn bài mới trước khi đến
lớp. Ở lớp học, chúng ta nên chú ý nghe thầy giảng, học tập cùng bạn,
thi đua giành nhiều điểm tốt, lễ phép với thầy cô và thân ái với bạn bè.
Đó chính là món quà tinh thần lớn nhất mà chúng ta dành tặng thầy cô .
Thiết nghĩ, khi còn ngồi trên ghế học đường mà học sinh không học hành
nghiêm túc, không kính trọng thầy, cô giáo thì sau này khó trở thành
công dân tốt. Chắc chắn, các thầy cô giáo hết lòng với học sinh, với
nghề nghiệp, ngày xưa họ từng là những học sinh có tinh thần “Tôn sư
trọng đạo”.
Ngày 20 tháng 11 đã đến, một ngày như bao ngày nhưng lại
trọng đại hơn bao ngày bởi đây là ngày Hội của các thầy, các cô; ngày mà
các thầy cô có dịp nhìn lại thành quả do công sức khó nhọc của mình bỏ
ra, ngắm những cây xanh do chính tay mình ươm mầm và chăm sóc, là ngày
mà vẻ đẹp của các “kĩ sư tâm hồn” được tôn vinh, là ngày mà dân tộc Việt
Nam thể hiện rõ nhất truyền thống “tôn sư trọng đạo”.Với ý nghĩa ấy,
học sinh chúng ta hãy trân trọng kính dâng các thầy, các cô những đóa
hoa thành tích tươi thắm cùng lời chúc thầy cô dồi dào sức khỏe, hạnh
phúc, hoàn thành tốt công tác, mãi mãi thương yêu và dìu dắt học sinh
từng bước trưởng thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét