Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

kho tư liệu về Bác Hồ của anh “Hai Lúa” Nguyễn Văn Nhung

Mặc dù đã được anh bạn đồng nghiệp làm báo địa phương giới thiệu từ trước, nhưng lần đầu tiên được “mục sở thị” cái “gia tài” đồ sộ bao gồm tranh ảnh và những tư liệu và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm cặp bên mé sông Kinh Lộ (thuộc xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) của anh “Hai lúa” Nguyễn Văn Nhung vẫn khiến tôi không khỏi bất ngờ. Hơn 30 năm sưu tầm những tư liệu và hình ảnh về Bác, đến nay anh Nhung đang sở hữu hơn 6.000 tư liệu và trên 2.000 hình ảnh về Bác. Việc làm đầy ý nghĩa của anh đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người sưu tầm tư liệu và hình ảnh Bác Hồ nhiều nhất.
Cơ duyên sưu tầm tư liệu về Bác
Hôm chúng tôi đến, anh Nguyễn Văn Nhung đang bận tiếp khách. Khách của anh là các em học sinh của trường THCS và THPT huyện Kế Sách, đến nhờ anh tìm giùm tư liệu và hình ảnh để viết bài dự thi “Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên đàn em thơ tíu tít vây quanh với vô số những câu hỏi, anh nhiệt tình thuyết minh, giảng giải cặn kẽ, say sưa kể lại những câu chuyện về Bác. Các em chăm chú lắng nghe, ghi chép lại trong những quyển vở học trò.
Tranh thủ lúc anh đang bận, tôi dạo một vòng quanh ngôi nhà. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hai chiếc bàn thờ được đặt trang trọng ngay chính diện. Một bức tượng Bác bằng thạch cao ở bàn thờ chính. Kế bên là một bàn thờ khác, bên trên đặt di ảnh Bác, phía trên di ảnh Bác là câu nói trích từ bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội lần thứ VI của Đảng: “Chúng ta thành kính hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu mà tư tưởng và đạo đức của Người luôn sống mãi trong sự nghiệp của nhân dân ta”. Hai bên là hai tấm giấy điều ghi lại câu nói của người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Xung quanh bốn phía tường nhà treo kín ảnh Bác, phía dưới là kho tư liệu được sắp đặt ngăn nắp, quy củ như một thư viện nhỏ…
Xế trưa, khách đã vãn, anh Nguyễn Văn Nhung mới có thời gian rảnh để tiếp chúng tôi. Xoa xoa hai bàn tay vào nhau, trên gương mặt sạm đen của anh nở nụ cười rạng rỡ: “Ngày nào cũng có khách, hôm nay còn ít, mọi khi còn đông hơn nữa kia. Mong nhà báo thông cảm! Hơi mệt nhưng hôm nào không có ai tìm đến tìm hiểu, tra cứu tư liệu về Bác là mình lại thấy nhớ, thấy buồn, người bứt rứt không yên…”. Đối với anh Nguyễn Văn Nhung, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn ở trong tim, hiện diện ngay cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ!
- Từ đâu mà anh lại có ý định đi sưu tầm những tư liệu và hình ảnh Bác Hồ? – Tôi hỏi.
- Vào một ngày năm 1969, khi tôi mới 11 tuổi, được mẹ dẫn về thăm quê ngoại. Đêm ấy, đang nằm bên ngoại, tôi chợt nghe thấy tiếng khóc sụt sùi. Trong suy nghĩ non nớt của mình, tưởng có chuyện gì tôi liền bật dậy thì thấy ngoại đang ôm một tấm ảnh và khóc. Ngoại đang ôm ảnh của ai mà khóc vậy? Ngoại trả lời: “Bác Hồ đó con! Người vừa mất!”. Lần đầu tiên tôi nghe nói đến hai tiếng Bác Hồ, thấy lạ nên liền hỏi: “Bác Hồ là ai? Sao ngoại lại ôm ảnh Bác Hồ và khóc?”. Ngoại trả lời: “Khi nào lớn lên con sẽ biết!”… Ngừng lại một lát như để kìm nén nỗi xúc động, một lát sau anh Nhung chậm rãi kể tiếp: “Sau đó ít lâu, tôi theo mẹ đến một ngôi chùa. Tại đây, tôi thấy nhà sư cũng đang thắp nhang trước di ảnh Bác Hồ. Tò mò, tôi lại hỏi thì nhà sư đó trả lời: “Đó là vị thánh sống của dân tộc Việt Nam. Người đã tìm đường để dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân và đế quốc, đưa nhân dân ta từ vũng lầy bước ra ánh sáng, thoát kiếp lầm than nô lệ…”. Câu nói của vị sư găm vào trí óc non nớt của tôi khiến tôi phải suy nghĩ. kể từ đó tôi ghi nhớ cái tên đó trong đầu…”.
Nhưng “cú hích” khiến anh Nguyễn Văn Nhung bắt đầu công việc sưu tầm những tư liệu và hình ảnh về Bác là thời gian sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Một lần gặp các chú bộ đội cụ Hồ, thấy chú nào cũng có ảnh Bác, anh liền lân la đến hỏi chuyện. Được các chú bộ đội kể cho nghe câu chuyện một nông dân Cà Mau gửi cây vú sữa theo đoàn quân tập kết ra Bắc tặng Bác Hồ. Cây vú sữa ấy được Bác trồng, chăm sóc, nâng niu. Nhìn cây, không phút giây nào Bác không nhớ đến miền Nam. Bác nói: “Miền Nam trong trái tim tôi!”. Từ đó, hình ảnh Bác Hồ đã khắc sâu vào tâm khảm anh với lòng ngưỡng mộ, kính yêu muôn vàn sâu sắc. Anh quyết định phải làm một điều gì đó để thể hiện tình cảm của mình đối với Bác và quyết định sưu tầm những tư liệu và hình ảnh về Người.
Người “giàu” nhất xứ cù lao
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở một vùng quê nghèo khó nhất của huyện Kế Sách, nhà không một tấc đất cắm dùi, ngay từ nhỏ cậu bé Nguyễn Văn Nhung đã phải trầm mình dưới dòng nước con sông Kinh Lộ mò cua bắt cá giúp mẹ kiếm cái ăn qua ngày. Nhà nghèo, thương mẹ tảo tần vất vả sớm khuya, nên học chưa hết cấp II cậu bé Nhung đành bỏ ngang việc học để đi làm thuê kiếm sống. Lớn lên, rồi lập gia đình, cái đói cái nghèo vẫn chẳng buông tha. Gia đình bên vợ cũng nghèo, cưới nhau xong, hai vợ chồng anh dắt nhau về cất một căn chòi lá bên mé sông Kinh Lộ để che mưa che nắng, có chỗ chui ra chui vào. Hàng ngày, vợ anh quẩy gánh cháo đi bán dạo nơi đầu làng cuối xóm, còn anh đi làm thuê làm mướn kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Năm đứa con “trứng gà trứng vịt” nối nhau ra đời, cuộc sống cứ thế trôi đi. Thời gian này, anh bắt đầu tìm kiếm những tư liệu và hình ảnh đầu tiên về Bác. Cuộc sống khó khăn vất vả như vậy nhưng trong lúc đi làm thuê làm mướn, thấy có những tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ là anh Nhung lại nằn nì xin cho bằng được. Người nào không cho, anh bỏ tiền ra xin chụp lại rồi trả bản gốc. Chẳng mấy chốc “gia tài” những tư liệu và hình ảnh về Bác của anh Nhung đã lên tới con số hàng ngàn.
Những tư liệu và hình ảnh về Bác mà anh Nhung sưu tầm được
Tuy nhiên, “đã nghèo lại vướng cái eo”, cơn bão số 9 năm 1997 khắc nghiệt đã giật đổ căn chòi lá che mưa che nắng của vợ chồng anh và năm đứa con. Xót của thì ít, nhưng anh “xót đau đến trào cả nước mắt” khi nhìn hàng ngàn tư liệu, bức ảnh về Bác Hồ mà anh đã kỳ công sưu tầm được không có nơi cất giữ, bị ẩm mốc, mục nát phải bỏ. Bà con hàng xóm nhiều người xót xa ái ngại cho hoàn cảnh của anh.
Nhớ lại những ngày ấy, anh Nguyễn Văn Nhung cười mà rưng rưng nước mắt. Nhờ sự tần tảo của hai vợ chồng, cuộc sống tuy chưa dư dả gì nhưng đã có cái ăn, sắp nhỏ cũng được đi học. Từ đó, anh chuyên chú hơn vào việc tìm kiếm và sưu tầm những tư liệu và hình ảnh Bác Hồ.
- Ở một vùng quê, nơi đời sống vật chất của người dân còn chưa đầy đủ, đời sống tinh thần còn là vấn đề xa xỉ thì nhờ đâu mà anh lại sưu tầm được kho tư liệu “giàu có” về Bác Hồ như vậy? – Tôi hỏi. Anh Nhung tâm sự:
- Tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm tư liệu và hình ảnh về Bác từ năm 1978. Lúc đầu tôi đạp xe lên huyện, rồi lân la lên tỉnh tìm đến ngành văn hóa thông tin, đến các cơ quan báo đài của tỉnh… hỏi xin báo cũ. Không cứ trên tỉnh, ngay cả UBND các xã, trường học, bưu điện… cơ quan nào có báo là tôi có mặt. Ngoài ra, khi tích góp được ít tiền tôi lại bắt xe lên thành phố Sóc Trăng mua sách báo cũ mang về. Nghe ngóng thông tin gia đình nào có tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ tôi lại tìm đến. Nếu xin không được thì tôi nằn nì họ cho chụp lại hoặc nhờ họa sĩ đến vẽ luôn tại chỗ. Mỗi chuyến đi như vậy tôi cũng sưu tầm được khá nhiều…Ngưng một lát, anh Nhung kể tiếp: “Có được “nguồn rồi” đêm đến tôi chong đèn tìm trong đống sách báo ấy có tư liệu, hình ảnh nào về Bác thì cắt ra, sắp xếp, phân chia theo từng nội dung, từng giai đoạn. Đến nay tôi đã sưu tầm được hơn 6.000 tư liệu và trên 2.000 hình ảnh về Bác Hồ!” – anh Nhung vui mừng khoe.
Anh Nguyễn Văn Nhung kể, khi biết anh là một nông dân nghèo nhưng lại có đam mê sưu tầm những tư liệu và hình ảnh về Bác và đặc biệt, kể từ khi được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người sưu tầm những tư liệu và hình ảnh về Bác Hồ nhiều nhất, nhiều nhà hảo tâm, “mạnh thường quân” đã tìm đến thăm và hỗ trợ anh xây dựng một căn nhà nhỏ để có nơi lưu giữ “gia tài” quý giá này. Giờ đây, căn nhà nhỏ nhưng khang trang của anh Nguyễn Văn Nhung ở xã Thới An (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hàng ngày luôn có người đến tra cứu, tìm hiểu những tư liệu và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong đó có không ít những vị khách phương xa. Đặc biệt, trong mấy năm qua anh liên tục tiếp đón các đoàn học sinh, các cơ quan đoàn thể trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đến tra cứu, tìm hiểu để tham gia cuộc thi “Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với anh Nhung, đó là niềm hạnh phúc đang được sẻ chia và nhân lên gấp bội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét