Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Tìm lại một phần niềm tin đã mất

Từ rất lâu tôi bỏ thói quen viết lách. Gần hai mươi năm lăn lộn với thương trường, tôi đã không còn tin cuộc sống còn những điều tốt đẹp. Tham gia vào chuyến đi lên Tây Bắc với Gánh Hàng Xén lần này, tôi muốn tìm lại chút gì đó để bấu víu, để cố gắng tin rằng: đâu đó vẫn còn những người và những điều tử tế.
Entry này, tôi không viết về những người bạn của Gánh Hàng Xén, bởi vì cũng như tôi, họ đang ý thức cố gắng tạo ra những điều tốt đẹp (dù là rất nhỏ). Tôi muốn viết tặng những người bạn chưa từng gặp mặt, những người xa lạ mà bình thường tôi sẽ lướt qua họ một cách thờ ơ.
Chuyến hàng của Gánh Hàng Xén chuẩn bị lên vùng Tây Bắc khá nặng, chủ yếu là quần áo cũ, sách vở, thuốc men… cho các cháu nhỏ ở 3 xã Tả Gia Khâu, Pa Cheo, Sàng Ma Sáo tỉnh Lào Cai. Theo kế hoạch, xe tải chở hàng của tôi sẽ xuất phát lúc 2h sáng để kịp có mặt ở Tả Gia Khâu trước 4h chiều ngày 4/3. Phải lên sớm để có thời gian chia hàng cho các điểm trường/lớp cắm bản.
Chặng đường Hà Nội – Yên Bái khá nhẹ nhàng, dù đường tối và mưa nặng hạt. Qua khỏi địa phận Yên Bái, bắt đầu có những đoạn đường uốn lượn, ôm theo những vạt rừng. Cậu lái xe còn trẻ và một phút lơ đãng với mặt đường trơn trượt, chiếc xe tải chở hàng lật ngang. Cung đường lên Tây Bắc là thế, dù đã gần 6h sáng, nhưng sương mù còn khá nặng, đường trơn, luôn luôn là cái bẫy cho cánh lái xe.

Chúng tôi khá vất vả mới có thể chui ra khỏi chiếc xe tai nạn. Vừa đặt chân được xuống đất, tôi đã nhận được lời hỏi thăm và cái vỗ vai ân cần của anh bạn chủ quán bên đường. Thấy xe lật, họ chạy sang đường xem có thể giúp được gì. Anh chủ quán khá nhiệt tình, cho tôi số điện thoại của nhóm cứu hộ và vài thông tin chi tiết của khu vực đó. Hỏi ra mới biết, đoạn đường này ngày nào cũng có xe bị tai nạn.
Gọi được xe cứu hộ, tôi tranh thủ thông báo cho trưởng đoàn, chị Sống Thật Chậm, và doanh nghiệp cho tôi mượn xe để tìm phương án giải quyết. Lúc đó, tôi thực sự giận dữ và lo lắng vì sợ xe phải nằm lại Yên Bái không thể mang hàng đến cho các cháu nhỏ vùng cao đúng như lịch đã hẹn.
Sau vài phút thông báo, doanh nghiệp cho mượn xe đề nghị sẽ cho một xe tải khác đi từ Hà Nội lên để bốc hàng đi tiếp, và từ phía chị Sống Thật Chậm, anh TamCa cũng để lại một lời hứa hẹn sẽ giúp đỡ. Cuộc điện thoại với anh TamCa vừa dứt (hay cảm giác của tôi như thế?), tôi nhận ngay được một cuộc gọi khác. Giọng phụ nữ nhẹ nhàng và lo lắng xưng tên là Hương, giám đốc chi nhánh công ty bảo hiểm Toàn Cầu. Chị thở phào khi tôi thông báo là không có thiệt hại về người, xe hàng lật ngang bên đường, và địa điểm chính xác của chiếc xe tai nạn.
Mới 6 giờ sáng, đứng một mình bên lề đường, tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm, an ủi, và những chỉ dẫn cần thiết từ các bạn nhân viên của công ty bảo hiểm Toàn Cầu. Các anh chị hối hả liên hệ ngay lập tức với các đoàn xe tải của cả Yên Bái và Lào Cai. 6h15 phút, tôi được thông báo là sẽ có một chiếc xe tải khác bắt đầu xuất phát từ Yên Bái đến thay thế cho chiếc xe bị tai nạn cùng lời dặn dò ân cần của một bạn tên là Hiếu : “Anh cứ cho chuyển hàng sang xe mới và xuất phát, bọn em sẽ đón anh ở Lào Cai và dẫn đường cho xe đi tiếp lên Tả Gia Khâu. Mọi chi phí cho chuyến xe, bên em đã thỏa thuận và lo xong hết rồi.”

Đội cứu hộ loay hoay khá lâu mới có thể đưa chiếc xe chở hàng lên mặt đường, vừa lúc chiếc xe tải từ Yên Bái chạy đến. Trước đó, tôi đã nhờ anh chủ quán gọi hộ một số thanh niên ở khu vực lân cận ra giúp chuyển hàng. Mệt mỏi vì chuyến đi sớm, và bực dọc vì tai nạn bất ngờ, tôi không hề cảm tình với những người đàn ông lam lũ đứng vây quanh. Họ nhìn tôi, một ông chủ với xe hàng đầy ắp như 1 con mồi béo bở và buông một câu ngã giá khá lạnh lùng : “Bốc cả xe hàng, giá 500.000 đồng hoặc là ông tự mà làm”. Tôi im lặng, chấp nhận vì không muốn kéo dài thời gian và làm hỏng kế hoạch của cả đoàn. Khi bốc hàng, những người đàn ông kia mới nhận ra, đây là một chuyến hàng từ thiện. Họ trải bạt xuống đường để những túi hàng không lấm bùn, nhẹ nhàng sắp xếp ngay ngắn từng bao quần áo cũ (bên trong có tủ thuốc thủy tinh) sang chiếc xe tải mới. Sau khi xếp hàng xong, anh bạn thủ lĩnh của nhóm đưa lại cho tôi 200.000 đồng với lời nhắn : “Chúng tôi đóng góp cho các cháu nhỏ vùng cao, nếu biết trước thế này, tôi đã mang ở nhà thêm bao sắn và ngô gửi cho các cháu.”
Chúng tôi có mặt ở Tả Gia Khâu lúc 5h30 chiều, vừa kịp chia hàng cho các điểm trường cắm bản.
Entry này, tôi xin cảm ơn :
-         Những người bạn mới tôi chưa từng gặp mặt: Chị Hương, giám đốc chi nhánh và các anh chị nhân viên công ty bảo hiểm Toàn Cầu, những người bị đánh thức, hối hả thu xếp cho kỳ được chiếc xe chở hàng trong buổi sáng tinh mơ ngày chủ nhật và cương quyết giành chịu mọi chi phí cho chuyến xe hàng từ Yên Bái lên Tả Gia Khâu.  
-         Anh bạn chủ tịch HĐQT công ty đã tài trợ cho một phần số hàng và chiếc xe (bị tai nạn). Các bạn trong công ty của Anh rất nhiệt tình khi đề nghị được điều động một chiếc xe khác đi từ Hà Nội lên Yên Bái, và chịu mọi chi phí cứu hộ, sửa chữa chiếc xe tải với sự tiếc nuối và áy náy khi không thể giúp chúng tôi đi đến cuối chặng đường.
-         Những người đàn ông quê mùa, lam lũ đã chuyển hàng cho chúng tôi. Giá trị 2/5 số tiền công dỡ và chuyển hàng các anh gửi lại cho các cháu nhỏ vùng cao, đối với tôi là vô giá.
-         Anh lái xe người Yên Bái, vì quá bận nên tôi không kịp hỏi tên. Thỏa thuận ban đầu đi từ Yên Bái lên Mường Khương (vì các bạn thuê xe nhầm địa điểm đến), từ Mường Khương lên Tả Gia Khâu thêm 30km đường đèo. Anh bình thản vượt qua đèo Pha Long, nhiệt tình đưa hàng đến tận một số điểm trường cắm bản. Không một lời than vãn cho đoạn đường phát sinh (di chuyển khoảng 10km/h). Không một lời trách cứ khi anh phải ngủ lại bản một đêm (vì giao hàng đến tận các điểm lớp cắm bản đến 7h tối).
-         Và xin cảm ơn cú tai nạn lật xe, đã mang lại cho tôi một phần niềm tin đã mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét