Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Phật pháp căn bản

Nhẫn nhục là chịu nhịn những điều sỉ nhục xấu hổ, nhục nhã; chịu đựng tổn thương trước những cảnh, sự việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt.
  1 )- Nhẫn nhục là gì?
Nhẫn là nhịn chịu, nhục là tổn thương sỉ nhục.
Nhẫn nhục là chịu nhịn những điều sỉ nhục xấu hổ, nhục nhã; chịu đựng tổn thương trước những cảnh, sự việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt.
Nhẫn nhục là nhận chịu những điều người khác làm cho mình khổ não, trong tâm mình không những không tức giận mà còn không nghĩ tưởng tới việc sẽ báo oán trả thù.
 
2 )- Tại sao cần phải nhẫn nhục?
        Nhiều người vì được nuông chiều được nể nên tưởng mình là hay là nhất, càng ngày càng tỏ ra “khinh người”, rồi đâm ra nói năng hành động qúa trớn. Có kẻ vì si mê có tính “cả vú lấp miệng em” át giọng người khác, cho người khác là ngu là dốt không bằng mình. Lại có người ngu si điên đảo cho rằng “ta đây là nhất” không ai bằng mình nên lấn lướt, hống hách. Tất cả những người như thế đều là người vô minh, dù người đó có bằng cấp này nọ (thực ra, người có học ít khi có những hành động lỗ mãng) đều là người vô minh cả. Bởi vậy khi bị những người ấy sỉ nhục, mắng nhiếc, đánh đập tàn nhẫn, chúng ta nên coi việc đối xử như thế là do không hiểu sự thật, cần phải kiên nhẫn giải thích sự việc
        Nhưng có người vì không dằn được cơn tức giận mà sinh ra đỏ mặt tía tai, quát tháo ầm ĩ, đá bàn quăng ghế, buông ra những lời cộc cằn chửi rủa tục tằn, hành hạ đánh đập người một cách tàn nhẫn. Có kẻ nổi cơn thịnh nộ đâm, chém, bắn người khác gây ra án mạng mà phải ân hận suốt đời. Lại có những việc rất nhỏ nhặt trong gia đình hay ngoài xã hội chỉ vì một câu nói không đáng kể hay một cử chỉ nhỏ nhặt, mà người không kiên nhẫn đã gây ra biết bao buồn phiền đau khổ cho người và cho mình. Ở đây có thể nói người không kiên nhẫn đối với các việc nhỏ nhặt là người nóng nảy, vì nhân một việc bé xé ra to, nên là người tạo ác.
        Nhẫn nhục được gắn liền với chữ “bình tĩnh, kiên nhẫn, chịu đựng”, những người nóng nảy hay mất bình tĩnh, mất kiên nhẫn. Họ không tự chủ được những nghịch cảnh khó khăn nan giải, nên nói năng hành động vội vàng nông nổi thiếu suy nghĩ. Trong gia đình mà mọi người đều không kiên nhẫn sẽ đưa đến mất hạnh phúc và dễ tan vỡ. Đối với xã hội mọi người đều không kiên nhẫn sẽ đưa tới xáo trộn và không vững bền.
        Người học đạo cũng vậy, khi gặp nghịch cảnh không nhẫn nhục sẽ làm cho tâm luôn luôn dao động, có khi còn bị đọa vì không nhẫn nhục mà làm các việc ác.
        Do đó tại sao chúng ta phải học và thực hành nhẫn nhục là vậy.
 
3 )- Các loại nhẫn nhục: Có ba loại:
a- Thân nhẫn:
        Là sự chịu đựng của thân trước các nghịch cảnh không vừa ý, như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát. chỗ ở nơi nằm không được tiện nghi, hoặc bị hành hạ đánh đập thân thể. Trước những nghịch cảnh như thế, người nhẫn nhục không hé răng mở miệng phàn nàn hay chống cự đánh trả, mà chỉ bình tĩnh giải thích sự việc và chịu đựng.
b- Khẩu nhẫn:
        Là sự im lặng của miệng trước các nghịch cảnh không vừa ý, như có người chửi mắng, nói lời vu oan, đâm thọc, không nói có, có nói không, nói thêm bớt, nói bóng nói gió, nói thêu dệt v.v… Trước những lời nghịch tai như thế, người nhẫn nhục chỉ nói lời giải thích chân thật ôn hòa. Nếu không được nghe thì giữ yên lặng, chứ không nổi giận dùng những lời ác mà đối chọi lại, hoặc gây thành chuyện lớn, sinh cãi nhau, đánh lộn, giết chóc v.v...
c- Ý nhẫn:
        Là sự nhẫn nhục của tâm ý, trong lòng người nhẫn nhục trước nghịch cảnh của thân không có ý nghĩ than trời trách đất về sự nóng lạnh bệnh tật, không than thân trách phận về sự thiếu thốn. Người nhẫn nhục trước cảnh bị hành hạ xác thân hay bị vu oán giá họa, nhục mạ đủ điều, cũng đều nhẫn cả. Chỉ giải thích một cách chân thật, không hề có ý nghĩ tức giận, trong lòng không nổi lên oán hận căm hờn sẽ trả thù sau này v.v…
        Trong ba loại nhẫn nhục, ý nhẫn là quan trọng nhất, vì có khi thân chịu đựng được những bất nghi, đau đớn, nhưng miệng còn thì thầm lẩm bẩm ca cẩm nguyền rủa. Có khi miệng không nói năng chi cả, nhưng vẫn tức giận trong lòng rằng ”ngày nay ta không thể ăn tươi nuốt sống ngươi, ngày sau ta sẽ trả thù này”. Bên trong ý thức không nhẫn nhục được thì thế nào cũng có ngày sự giận dữ thù hằn sẽ hiện ra, không ở hành động, cũng ở lời nói.
        Khi lòng tức giận hận thù được lắng xuống trước mọi nghịch cảnh, sự nhẫn nhục mới thật sự là kiên cố rộng lớn (Ba La Mật).
 
4 )- Nhẫn nhục như thế nào? 
        Có hai thứ nhẫn nhục:
a- Nhẫn nhục chấp tướng:
        Là nhẫn nhục vì danh lợi, vì có người khen, vì sợ uy quyền, vì chưa đúng lúc, chưa có đủ đều kiện trả thù, vì coi rẻ khinh bỉ đối thủ v.v…Đó là nhẫn nhục chấp tướng, chưa phải là nhẫn nhục thực sự, vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy chi phối.
b- Nhẫn nhục vô tướng:
        Là khi nhẫn nhục không chấp vào tướng như nêu ở trên. Người nhẫn nhục luôn luôn tự hỏi: “Ta có làm điều gì sai quấy không? Nếu có, ta bị sỉ nhục là phải, ta không nên tức giận mà phải cám ơn. Nếu ta không làm điều gì sai quấy, sau này sẽ được chứng minh, vì vàng bao giờ cũng là vàng, không thể vàng mà là đồng được. Hoặc ta không làm điều gì quấy, những sự sỉ nhục ấy chẳng dính liú gì tới ta, nên ta không cần khổ tâm suy nghĩ đến”.
        Nhẫn nhục còn là không muốn hơn thua, được mất, vinh nhục, khen chê, đây là tám thứ gió bão quật ngã mọi người. Không tranh đua chèn ép người khác để đạt mục đích. Không tranh cãi phải trái, đúng sai, hay dở, tốt xấu, tranh chấp này nọ. Không muốn đời là bãi chiến trường thù hận, thế giới là một lò lửa ngụt cháy. Người nhẫn nhục còn tiến tới có lòng từ bi hỉ xả rốt ráo.
        Người tu hành muốn hành hạnh nhẫn nhục kiên cố (Ba La Mật), phải quán chúng sinh và mình cùng đồng một bản thể mới không thấy ta bị nhục và người làm nhục mình. Thí dụ như tay phải làm việc cầm con dao hay cái búa, cắt đồ vật hay đóng đinh, rủi cắt hay đập phải ngón của bàn tay trái làm chảy máu hay sưng vù lên đau đớn. Bị thương tổn như thế, nhưng tay trái tự nhận tay phải cùng với mình (tay trái) đồng một thân thể, nên tay trái không thấy tay phải làm nhục làm hại mình. Nhẫn nhục như thế mới là nhẫn nhục rốt ráo Ba La Mật. 
 
5 )- Đức Phật dạy nhẫn nhục:
        Chúng ta hãy lược trích một đoạn Kinh, đức Phật dạy người tu hành về nhẫn nhục trong Trung A Hàm quyển 4 trang 286, 290, 291 như sau:
        Khi nghe, có năm cách nói: “Nói đúng lúc hay không đúng lúc, nói chân thật hay giả dối, nói dịu dàng hay hung ác, nói hòa hợp hay đâm thọc, nói có nghĩa hay vô nghĩa”. Với năm cách nói này nếu người tu hành khi nghe mà tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời ác, người tu hành bị suy thoái. Khi ấy người tu phải khởi tâm từ mẫn đối với người kia, tâm tương ưng với Từ trải khắp một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, phương trên phương dưới, bao trùm tất cả, không tranh cãi, không sân không oán. Đối với tâm Bi, Hỷ, Xả cũng vậy, không tranh, không sân oán, biến mãn tất cả thế gian rộng lớn trùm khắp, thành tựu an trú.
        Cũng vậy, nếu người tu bị người khác dùng tay đấm, đá ném, gậy đánh, dao chém, mà tâm biến đổi, hay miệng phát lời ác, hay đánh trả, người tu tất bị suy thoái. Hãy học sao cho tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời ác, không đánh trả, mà hướng đến người ấy, duyên nơi người ấy khởi tâm từ mẫn, không tranh, không kết, không oán, rất rộng lớn vô lượng vô biên, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ, khéo tu tập như thế.
        Cũng như vậy, nếu có giặc, cướp lấy lưỡi cưa bén cắt xẻ tay chân người tu hành, nếu tâm biến đổi, hay miệng phát ra lời ác, hay đánh giết trả, người tu tất suy thoái. Hãy học sao cho tâm không biến đổi, không phát ra lời thô ác, không đánh giết trả, mà hướng đến người ấy khởi tâm từ mẫn. Tâm tương ưng với Từ trải khắp một phương, hai, ba, bốn năm, sáu phương, bao trùm tất cả, không tranh, không kết, không oán, rộng lớn bao trùm khắp thế gian, thành tựu an trú. Hãy khéo tu tập như thế, liền được giải thoát.

6 )-  Vài trường hợp điển hình:  
1)- Một câu chuyện liên quan tới nhẫn nhục của chính đức Phật mà Kinh sách ghi đã xẩy ra trong mùa an cư thứ chín của đức Phật. Khi ấy đức Phật mới 44 tuổi, trung niên, cường tráng, với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, lại càng thêm uy nghi đẹp đẽ hấp dẫn. Đức Phật an cư ba tháng tại Kosambi, Ngài quán sát thế gian biết được một người Bà La Môn đã đủ cơ duyên nên Ngài đến nơi ông ta đang tế thần Lửa. Vị Bà La Môn thấy dung mạo tuyệt vời của đức Phật, ông nghĩ ngay đến người con gái diệu của ông, vì mấy năm liên tiếp ông có ý tìm kiếm một chàng rể xứng đáng nhưng chưa có người nào vừa ý cả. Bởi vậy sau khi thăm hỏi chuyện trò thích ý, ông yêu cầu đức Phật ở lại chờ không lâu ông trở về nhà lấy tặng một món qùa đặc biệt. Đức Phật biết ý ông, nên đi đến một chỗ gần đấy nhưng cố ý để lại dấu vết chân. Ông Bà La Môn trở lại không thấy đức Phật, nhưng nhận ra vết dấu chân trên đất nên dẫn vợ, con gái trẻ đẹp với quần áo lộng lẫy, trang điểm mỹ lệ đi theo vết chân. Khi gặp mặt, ông giới thiệu vợ con, và tỏ ý muốn gả con gái cho đức Phật, đức Phật vừa từ chối vừa muốn độ cho Bà La Môn nên nói: “Tôi đã thấy ái dục, bất mãn tham vọng là con của Ma Vương, Tôi không ham muốn thích thú trong nhục dục của ái tình trần tục, Thể xác đầy dục lạc là gì? Nó là khổ, là ràng buộc của sinh tử luân hồi. Tôi không bao giờ muốn rờ đến nó, dù chỉ sờ bằng chân”.
        Nghe những lời ấy, cả hai ông bà Bà La Môn đều chứng ngộ A Na Hàm là bậc chứng thứ ba trong Tứ Thiền, nhưng cô con gái Magandhiya thì trái lại, cô tức giận trong lòng. Cô cho rằng “Như thế là nhục mạ cô, chửi mắng cô”. Lòng tự ái của người con gái trong một gia đình giàu có quyền thế địa vị, trẻ đẹp. Chỉ mấy năm sau, cô trở thành thứ hậu của vua Udena, dựa trên thế lực đã có. Cô sai thuộc cấp mua chuộc, sai bảo người chửi mắng, nhục ma đủ điều, xua đuổi đức Phật ra khỏi thành ấy. Mỗi ngày đi khất thực đều bị hết toán người này đến toán người khác rỉa rói chửi rủa, họ nói: “Ông là tên ăn trộm, Ông là tên khờ dại, Ông là người ngu si, Ông là tên điên cuồng, Ông là con bò, là con lừa, là con lạc đà, Ông là con thú vật khờ dại v.v… Khi chết ông sẽ đọa Địa ngục, khi chết ông sẽ đọa chỗ nghèo khổ v.v…Ông hãy cút đi khỏi nơi đây, ở đây mọi người không muốn nhìn mặt ông , mọi người đều ghét ông không ưa ông v.v….”
        Các Tỳ Kheo (Tăng) đệ tử của đức Phật thấy nhiều người dữ dằn dùng lời thô tục chửi rủa Ngài như vậy chịu đựng không nổi nên thưa:
- Người ta chửi rủa và nhục mạ chúng ta qúa thậm tệ, xin Thế Tôn dời đi nơi khác”.
    Đức Phật nói:
- Bây giờ chúng ta đi đâu?
- Thưa Thế Tôn, nên đi đến thành khác.
- Nếu ở thành đó người ta cũng chửi mắng và nhục mạ thì ta đi đâu?
- Thưa Thế Tôn, lại đi đến thành khác.
- Các Thầy không nên nói vậy, nơi nào gặp chuyện khó khăn chính nơi ấy ta phải giải quyết cho ổn thỏa. Chỉ khi nào giàn xếp xong xuôi ta mới có quyền đi nơi khác, nhưng ai chửi rủa nhục mạ ta?
- Thưa Thế Tôn, rất nhiều người chửi mắng nhục mạ.
        Đức Phật giảng giải: “Như voi ra trận phải bị làn tên từ bốn phiá bắn tới, cũng như thế, ta phải chịu đựng những lời nguyền rủa chửi mắng từ mọi phiá, vì phần đông sống không có đạo đức, sống không giới đức. Nhiều voi ngựa được dẫn tới chỗ vua để lựa con thuần thục tốt nhất để cưỡi. Giữa đám đông đảo người tụ hội, người xứng đáng nhất là người chịu đựng được những lời chửi mắng nguyền rủa. Dù những con ngựa con voi trang trọng quý báu, nhưng người thuần thục giới đức trang nghiêm là hơn hết tất cả”.
        Và đức Phật bảo:
- Các Thầy không nên lo ngại, vì họ chỉ chửi mắng trong bảy ngày, ngày thứ tám họ sẽ ngừng, vì mọi chuyện khó khăn đến với Như Lai không bao giờ quá bảy ngày.
        Đúng như lời đức Phật đã nói, đến ngày thứ tám, khi đức Phật đi khất thực, không còn thấy một người nào có hành động lỗ mãng với Ngài nữa.
         Chúng ta thấy sự nhẫn nhục chịu đựng của đức Phật thật là có một không hai, đây mới thật là nhẫn nhục kiên cố. Bảy ngày vào thành khất thực, bảy ngày đều bị hết toán người này đến toán người khác chửi bới nhục mạ xua đuổi thậm tệ suốt từ lúc bắt đầu vào thành cho đến lúc khất thực xong trở về nơi ngự. Nếu như chúng ta gặp trường hợp như vậy sẽ xử trí ra sao?
2)-  Một câu chuyện nhẫn nhục khác của một đệ tử Phật mà Kinh sách đã ghi lại như sau:
   “Thời ấy, một hôm Tôn giả Purna đến đảnh lễ rồi xin Phật cho phép Tôn giả được đi đến xứ Chronapraranta để giáo hóa. Dân vùng này có tính hung dữ và tạo nhiều tội ác, đức Phật thấy thế nên hỏi Tôn giả:
- Thầy nguyện đem giáo pháp của Ta đến xứ ấy, nhưng nếu họ không nghe mà còn dùng lời hung ác nhục mạ, thầy nghĩ sao?
- Thưa Thế Tôn, con cho họ là người tốt, vì họ chỉ sỉ nhục mà không đánh đập con.
- Nếu họ hành hạ đánh đập thầy thì sao?
- Thưa, con nghĩ là họ còn có lòng tốt, vì họ đã không giết con.
- Nếu họ dùng dao giết hoặc dùng gậy đánh thầy cho tới khi chết mới thôi, thầy nghĩ sao?
- Thưa đức Thế Tôn, con nghĩ họ là ân nhân của con, vì họ đã giúp con bỏ được thân thối tha dơ bẩn này.
    Đến đây, Tôn giả Purna được Phật khen và chấp thuận:
- Thầy nhẫn nhục như vậy mới có thể qua xứ ấy.
    Tôn giả Purna qua xứ Chronaprananta giáo hóa một thời gian, hầu hết dân xứ ấy đều quy y Phật Pháp Tỳ Kheo (Tăng), vì Ngài đã hành nhẫn nhục từ bi hỉ xả từ trong đến ngoài của ý khẩu thân”. 
 
7 )- Lợi ích của nhẫn nhục:
        Đối với cá nhân, người nhẫn nhục tâm được an ổn, sự nghiệp bền vững, mọi người gần gũi, đối với gia đình được xum họp, bạn bè gắn bó, xã hội yên ổn thanh bình. Vì nhận thấy sự lợi ích của nhẫn nhục nên Phật đã dạy:
Người hơn gây oán hận,
Kẻ thua lòng không yên,
Hơn thua đều buông bỏ,
An ổn ngủ ngon lành.
        Sự quyết tâm thực hành nhẫn nhục nhất là những người đã từng bị lửa hận làm cho tan nát cõi lòng, lại càng nên thực hành nhẫn nhục. Người có tu hành phải để ý từng tí từng li về hạnh nhẫn nhục từ thân đến khẩu và nhất là ý. Không buông lung mặc cho ý muốn phát lúc nào thì khởi lúc ấy, không để cho tham sân si điều khiển sẽ có được tâm an bình. Được tâm an bình rồi, việc tu hành mới có thể tinh tấn, khi đã tinh tấn tới mức, lo gì không đạt đạo…

Liên  hệ :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét