Chàng đi, thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân dân hết thảy đều không như trước nữa. Duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ của mình hỏi thăm những người già cả, thì, thấy có người nói :
- Thủa bé, tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất, đến nay đã hơn sáu mươi năm... Chàng bấy giờ mới hậm hực bùi ngùi, bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoàng sơn, rồi sau không biết đi đâu mất...
Nếu thực tình Từ Thức muốn trở về lại cõi trần, thì có gì đâu mà cảm thấy xa lạ bơ vơ. Cảnh vật nhân gian thay đổi. Có thể cây đa đầu làng đã cằn cỗi khô gầy. Có thể chiếc cầu gỗ đã thay cho chuyến đò ngang diệu vợi. Cũng có thể mái nhà cũ đã thay nhiều lớp tranh, khu vườn chuối biến thành luống khoai... Nhưng cơ cấu xã hội, phong tục tập quán không khác xưa bao nhiêu. Vẫn những cụ đồ nghiêm túc, cảnh chợ búa rộn ràng và hội hè đình đám. Tuy tên các kỳ mục trong làng đã khác, nhưng vẫn bấy nhiêu hệ thống tổ chức hành chánh, bấy nhiêu giai tầng xã hội... Vì luôn luôn là một tình nhân hờ : Từ Thức lại ra đi. Giả sử Từ Thức muốn ở lại, chẳng bao lâu cái ông lão ngớ ngẩn phiêu bồng không biết từ đâu đến nầy sẽ dễ dàng hòa mình vào cuộc sống chung. Nhưng suy nghĩ kỹ hơn, chúng tôi thấy nguyên nhân nỗi bơ vơ của Từ Thức không phải từ bên ngoài, thành quách xóm làng hay nét mặt bà con hàng xóm. Nỗi buồn phát nguồn từ nội tâm. Những biến động vĩ đại trong tâm hồn một người đã trải qua sáu tháng hạnh phúc ơ hờ trên Nam Nhạc biến chàng thành người xa lạ. Thảm kịch đó đã xảy ra hoặc trong thực tế hoặc trong tâm tưởng của người dân Việt Nam thế kỷ mười lăm. Từ Thức bơ vơ nhiều lần, gần gũi hơn là lần Võ Phiến ghi nhận về những chàng Từ Thức tân thời ở cả hai miền Nam Bắc sau hiệp định Genève ( bài "Từ Thức bơ vơ" trong Tạp Bút 1 ).
Và bây giờ, trong thế hệ chúng ta, nếu có một chàng Từ Thức mê thơ say đàn mến cảnh lạc loài trở về miền Bắc hay miền Nam Việt Nam sau sáu mươi năm, chắc chắn nỗi bơ vơ còn mênh mông hơn nhiều. Từ Thức lại bơ vơ, Từ Thức vẫn luôn luôn bơ vơ.
Thật vậy, chúng ta cứ tạm hiểu Từ Thức như một nghệ sĩ đích thực, dám nổi hào khí quăng trả ấn tín mũ áo, từ quan mà về với cuộc sống phóng túng chân thật. Không nghiêm nghị hò hét ra oai. Không nhỏ nhẹ cầu xin. Không huấn từ kiến nghị gì hết. Chỉ biết có lòng ta, khi yêu bảo yêu khi ghét bảo ghét. Chán tất cả mọi sự kiềm tỏa cưỡng chế từ xã hội và thói quen, người nghệ sĩ đích thực là Từ Thức đi tìm một bài thơ, một khúc ca cho mình.
Tìm ở đâu bây giờ? Chúng tôi nghĩ đến cảnh cỗ xe cẩm vân của Từ Thức tân thời bị gió đưa tạt về phương đoài, chênh chếch sang mạn bắc. Từ Thức tìm thấy gì ? Chàng hy vọng tìm thấy nhiều bạn bè quen thân. Nhưng cuốn chỉ nam văn nghệ đầu tiên người nghệ sĩ đích thực tra cứu có ghi hàng chữ lớn, màu đỏ chói chang :
Tất cả văn học của đảng, dù ở địa phương hay trung ương, phải phục tùng một cách vô điều kiện nghị quyết của đảng và các tổ chức địa phương hay trung ương đảng. Một nền văn học độc lập không liên hệ với các tổ chức của đảng, không thể chấp nhận được. ( Lénine toàn tập. q. 10 )
Tra cứu một cuốn khác, Từ Thức sẽ đọc thấy :
Con người chỉ là một kẻ phục vụ tích cực hay yếu kém cho chủ nghĩa cộng sản. Chỉ là một người thợ, làm việc giỏi hoặc dở. Tôi có quyền định giá trị anh như vậy là vì chính tôi đây, tôi cũng chỉ biết giá trị con người bằng cách ấy. Đời tôi chỉ biết làm việc, bất kỳ ở đâu. Ở nhà riêng hay trong công xưởng, lúc nào tôi cũng chỉ là một người thợ. Ban đêm giữa lúc tôi đang ngủ say sưa, người ta điện thoại gọi tôi dậy. Người ta nhắc tôi nhớ mình là một người phục vụ chủ nghĩa. ( Vladimir Doudintsev )
Nhìn lên tường hội quán nghệ sĩ, Từ Thức đọc được bốn câu châm ngôn tuy kẻ khác mầu sơn nhưng cùng một nội dung :
Mọi cuốn sách đều có tác dụng lôi cuốn và giáo dục quần chúng ngoại trừ cuốn niên giám điện thoại.
Tất nhiên Từ Thức cảm thấy bơ vơ hậm hực ngậm ngùi. Sách vở ở đây, những bài thơ ca khúc ở đây có khác nào đống giấy tờ bề bộn ở huyện đường Tiên Du. Nếu nghệ sĩ có đủ can đảm ngồi đọc hết đống giấy tờ ấy, chàng đã không phải mang kiếp phiêu lưu. Hoàn cảnh của những chàng Từ Thức miền Bắc là như vậy. Họ là những tên phu hồ cho công trường xây dựng chủ nghĩa Cộng sản. Những sự việc tiếp nối xảy ra trước mắt sẽ làm người nghệ sĩ ấy ngỡ ngàng. Bởi vì văn nghệ phẩm rất ít thơ và nhạc. Mỗi giai đoạn văn học miền Bắc đều nhắm hỗ trợ cho chính sách của đảng và nhà nước. Có thể kể ba giai đoạn chính :
- Giai đoạn thứ nhất từ 1954 đến 1962 : Sau hiệp định Genève tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Nhiệm vụ toàn dân là đấu tranh củng cố hòa bình, tập trung nỗ lực vào công tác sản xuất cho đúng với tình hình mới : chính sách cải cách ruộng đất, kế hoạch cải tạo thành phần dân chúng để thực hiện xã hội chủ nghĩa. Văn học nghệ thuật thời kỳ nầ được mệnh danh là văn học nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa.
- Giai đoạn thứ hai từ 1962 đến 1965. Đó là thời kỳ văn học nghệ thuật hướng đến chủ đề "Công việc mới con người mới" vì bấy giờ kế hoạch kinh tế năm năm của nhà nước đã kết thúc. Đồng thời, đảng và nhà nước đã chính thức hô hào giải phóng miền Nam, củng cố miền Bắc, hoàn thành cuộc cách mạng vô sản. Tất cả sinh hoạt văn học nghệ thuật đều nhằm cổ võ tinh thần quần chúng, tạo hiệu năng cần thiết đáp ứng nhu cầu chiến trường miền Nam, chuẩn bị hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.
- Giai đoạn từ 1965 đến nay. Chiến tranh leo thang. Không lực Hoa Kỳ oanh tạc lãnh thổ miền Bắc. Để đối phó với tình trạng chiến tranh khẩn cấp, nhà nước phải động viên tinh thần toàn dân. Người nghệ sĩ miền Bắc trong giai đoạn nầy có phận sự tạo ra những mẫu anh hùng cách mạng, say mê chống Mỹ cứu nước.
Trong suốt ba giai đoạn, Từ Thức đã là một anh phu hồ đa đoan công việc và hết sức vâng lời. Nhưng có những lúc rảnh rỗi, ngồi nghỉ lấy hơi giữa hai chặng dân công tải đạn, hay tạm dừng vài phút trước khi tiếp tục hò hét cổ động thi đua sản xuất, Từ Thức lại trở thành nguyên vẹn Từ Thức. Giáo điều, nguyên tắc, khẩu hiệu, đường hướng, chỉ tiêu, vứt hết. Từ Thức thành thật với mình :
Tôi còn có nhược điểm, bởi vì tôi còn yêu đời. Quay về phương nào người ta cũng chỉ thấy sự sống, sự âu yếm và thông cảm. Chắc chắn như em biết, tôi còn trẻ, tôi còn nhiều dục vọng con người. Tôi thực không thể là một người của xã hội cộng sản, một tên thợ được nhận làm thuê, dù là một tên thợ cả. ( Vladimir Doudintsev) .
Từ Thức đột nhiên không thể nhận là cái máy viết truyện làm thơ theo đơn đặt hàng. Lúc còn ở bưng biền chống thực dân, cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ đủ hấp lực, đủ quyền năng làm người nghệ sĩ quên đi những thiếu thốn cơm áo. Cả dân tộc đang chịu đựng khổ đau để giành độc lập, nên người nghệ sĩ chưa có quyền đòi một chỗ mát. Sau Genève, những Từ Thức bưng biền về thành, lần đầu tiên, họ đắng cay vì kiếp nghèo. Tình hình sinh hoạt vật chất của họ được Hoàng Huê ghi nhận trong một bản tường trình đại hội văn nghệ miền Bắc :
Ai cũng biết rằng đời sống của chúng ta thiếu thốn quá. Đây là một sự thật buồn bã vẫn hằng ngày đập vào mắt chúng ta làm cho những kẻ đơn giản nhất cũng phải suy nghĩ. Chúng ta không thắc mắc về cảnh sống trong kháng chiến. Nhưng trở về Hà Nội, giữa những phố xá đầy nhung lụa, tủ kính và ánh đèn xanh đỏ, có lẽ chưa bao giờ người nghệ sĩ thấy cay đắng như lúc nầy. Cần phải nói thẳng rằng trong số tám biên tập viên có vợ ở tòa soạn báo Văn Nghệ, thì sáu người đã thất nghiệp hay bán thất nghiệp. Những trang giấy trắng đáng lẽ chỉ dùng để chép thơ cũng đã bao lần biến thành đơn xin việc. Những lá đơn ấy gửi đi, rồi im lặng, không nghe một tiếng trả lời. ( Trăm hoa đua nở trên đất Bắc )
Nhưng trên đời sống cơm áo, người nghệ sĩ còn một nỗi khao khát. Họ muốn sống chân thực, muốn đúng là một Từ Thức, muốn được thoát ra ngoài những chương trình kế hoạch, những hội nghị kiểm thảo phê bình để :
Yêu ai cứ bảo rằng yêu.
Ghét ai cứ bảo rằng ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết.
Cũng không nói ghét thành yêu.
( Phùng Quán )
Ước vọng đó ngày càng nhiệt thành để giống như khi xưa Từ Thức cương quyết vất bỏ ấn tín mũ áo, những chàng Từ Thức tân thời miền Bắc lớn tiếng tố cáo những tên cai thầu văn nghệ, những tên lao công văn nghệ. Giọng Văn Cao sang sảng :
Hãy dừng lại.
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển.
Phùng Quán một lần nữa xác định khát vọng chân thật và địa vị tuyệt đối của nghệ thuật :
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời.
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá
Những phản ứng dữ dội đầy nhân bản đó chẳng mấy chốc bị chính quyền dập tắt. Không khí văn nghệ lại bình lặng. Từ Thức lại trở về công trường, tiếp nốt công việc những người phu hồ. Từ Thức về trần, lại bơ vơ vì không thể tìm được cái thoải mái chân thật trọn vẹn cho người nghệ sĩ ở bên kia vĩ tuyến mười bảy.
Từ Thức có thể tìm thấy ở miền Nam nầy không ?
Đấy là một câu hỏi mà chính những người làm văn nghệ miền Nam chúng ta không dám đặt ra, hay đôi lúc đặt ra mà không dám trả lời trực tiếp. Những kỷ luật khắt khe, những chương trình kế hoạch tỉ mỉ phù hợp với chủ trương của đảng và nhà nước đã tước đoạt quyền sống của Từ Thức, vùi dập tàn nhẫn khát vọng làm người chân thật. Ở Bắc, Từ Thức chỉ tìm thấy một niềm tin có sẵn, không tìm thấy niềm tin của mình.
Niềm tin đó, cần thiết lắm chứ.
Người ta cần có một tin tưởng vững chắc để sống. Nếu khi ra đời đã gặp được những tin tưởng được xã hội chấp nhận sẵn sàng thì thực là may mắn. Ta không đòi hỏi gì hơn là tiếp tục đời sống của mình trên cái nền tảng có vẻ kiên cố, yên ổn ấy. Nhưng một khi xã hội gặp biến cố đất đứng trụt lở dưới chân, mọi người lảo đảo ngã nghiêng tìm một chỗ dựa. Tấn bi kịch của thế hệ chúng ta là đã đánh lạc mất các thần tượng.
( Võ Phiến. Tạp Bút 1 )
Cho nện đúng như Võ Phiến nhận định, lạc vào miền Nam, Từ Thức vẫn bơ vơ vì đã đi từ một cực đoan nầy sang một cực đoan khác. Xã hội miền Nam chúng ta hiện đang ở trong một cuộc khủng hoảng về niềm tin. Người ta không còn tin ai cả. Dĩ nhiên là mọi người được quyền tự do, nghệ sĩ được hát bài ca mình thích, được ngâm bài thơ mình yêu. Nhưng, những chàng Từ Thức không biết mình đang hát gì, ngâm gì.
Thật vậy, tiếp nối qua bao nhiêu thế hệ, người nghệ sĩ miền Nam đã đánh mất các thần tượng, nên trải qua những biến động chua chát.
Trước hết là thế hệ bốn mươi, thế hệ những nhà văn như Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Mạnh Côn. Đây là thế hệ những thanh niên cầm cờ đỏ tiến về Bắc bộ phủ, gia nhập tự vệ thành, vẫy tay chào người yêu Nam tiến, rồi dứt khoát bỏ đằng sau thành phố quen thân và cuộc sống thư sinh để vào bưng biền. Khí thế cách mạng bừng bừng. Còn có cuộc đời nào đẹp cho một thế hệ tuổi trẻ bằng cuộc đời dấn thân, sẳn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Nhưng đất đã dần dần trụt lở dưới chân họ, và họ đã lảo đảo ngả nghiêng. Họ băn khoăn, so sánh giữa cái giá độc lập của dân tộc và cái giá nhân phẩm của chính mình. Ý niệm độc lập dân chủ có đủ để phải hy sinh tự do và cơm áo của thế hệ này, hay có thể của biết bao thế hệ sau ? Thật là một cuộc lựa chọn so bì đau lòng, nhất là bấy giờ ai ai cũng thấy rõ sinh hoạt sa đọa và tính chất phi chính nghĩa của những người đứng trong hàng ngũ Pháp. Không nói đến những chàng Từ Thức tiếp tục chấp nhận làm anh phu hồ, những Từ Thức về thành trước hay sau Genève đều mang một thứ mặc cảm tội lỗi. Họ thấy phải làm cái gì để biện minh cho sự lựa chọn đã rồi. Họ muốn nói với mọi người, nói thật to, rằng họ không phải là kẻ hèn nhát. Kẻ thua cuộc. Cuộc di cư vĩ đại đưa hàng triệu người vào Nam khiến số người khao khát đi tìm một lời biện minh ngày càng đông. Cố gắng giải thích vì sao mình bỏ kháng chiến, bỏ quê hương, thực sự đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Cho nên, những nghệ sĩ của thế hệ bốn mươi đã đáp đúng đòi hỏi của đám đông và thời cuộc, nhất là lúc các liên minh quân sự nhằm vây chận ảnh hưởng Cộng sản ở Đông Nam Á tiếp nối nhau ra đời.
Rồi tình thế ổn định, những di dân lập nghiệp vững vàng trên đất lạ, chính quyền quốc gia vượt qua được hai năm thử thách nguy hiểm trước sự kinh ngạc thán phục của người ngoại cuộc. Sự ổn định ấy của tình thế xóa tan mặc cảm cho thế hệ bốn mươi, nên thế hệ ba mươi lớn lên cảm thấy hoàn toàn sòng phẳng, không hệ lụy đến bất cứ lựa chọn băn khoăn nào. Cuộc ra đi năm 1954, đối với thế hệ trước, quan trọng không kém cảnh Kinh Kha qua sông Dịch, với thế hệ ba mươi chỉ là một kỷ niệm phiêu lưu dài. Cộng sản hay không Cộng sản hết là một bận tâm thường xuyên, không khí bình thản của thời cuộc tạo một khoảng trống không.
Thế hệ ba mươi, muốn quấy động cuộc đời cho phù hợp với đam mê hào khí tuổi trẻ, bắt đầu lên giọng ngổ ngáo, phủ nhận mọi giá trị dĩ vãng, thao thức đi tìm các thần tượng mới. Nhóm Sáng Tạo đòi xét lại giá trị văn chương và xã hội của Tự lực Văn đoàn. Nhân vật kịch và tiểu thuyết là những thanh niên bơ vơ, cảm thấy rõ ràng niềm đau nhức của khoảng trống, và sự ê chề của một kiếp phiêu bồng. Khói thuốc lãng đãng lọt qua kẽ năm ngón tay gầy. Gò má hóp, vừng trán nhăn, những nếp nhăn hằn dấu tư duy. Người ta ăn uống, lang thang hay làm tình với một vẻ hững hờ vô nghĩa. Có thể thực tại đời sống của người viết lẫn người đọc đều không giống vậy. Nhưng sự ái mộ của tuổi trẻ đối với loại nhân vật như vậy biểu lộ tâm sự chung của thế hệ ba mươi : họ đã phá hết những thành quách lâu đài của quá khứ và công lệ, xem thường niềm tin tìm thấy của thế hệ trước, nhưng vẫn chưa che được một mái tranh tránh gió mưa bão táp. Họ lạnh, và cô đơn.
Nỗi bơ vơ cô đơn ấy chưa thấm gì so với tấm lòng những chàng Từ Thức của thế hệ hai mươi. Chiến tranh đối với những nghệ sĩ trẻ nầy đã có sẵn trước khi họ bỏ cái ná cao su bắn chim và nhường mấy viên bi ve cho em kế.
Họ sinh ra trước một sự đã rồi, và lớn lên theo cuộc chiến. Cuộc chiến khốc liệt đảo lộn mọi quan niệm cố hữu về đạo đức nhân sinh, người ta dạy một đường, thế hệ Từ Thức hai mươi thấy người ta làm một nẻo :
Người ta đã dạy tôi hãy thương yêu đồng loại
Người ta đã dạy tôi hãy giữ lấy tình người
Từ khi tôi biết nói, từ khi anh biết đi
Người ta khuyên anh thế, người ta khuyên tôi ri...
Nhưng anh ôi người ta, ôi em ôi người ta
Người ta không như thế, người ta đã quên đi
Người ta không như thế, người ta chẳng thương gì.
( Nhạc Miên Đức Thắng )
Một cách thành thật, các nghệ sĩ hai mươi đã không còn tin ai. Cho nên họ làm một cuộc xét lại, xét lại những gì thế hệ trước đã để lại cho thế hệ nầy :
Để lại cho em giọt máu dân lành
Để lại cho em từng nấm mộ xanh.
Chập chờn bay trong bại thắng
Ngọn cờ khăn sô mầu trắng.
Để lại cho em một bãi sa trường.
( Nhạc và lời : Phạm Duy, Nguyễn Đắc Xuân )
Những thân xác gục xuống, những vành khăn tang, những xóm đìu hiu :
Nhà ơi không đèn không lửa
Vườn ơi không cỏ không hoa.
( Thơ Phan Trước Viên )
bi đát phũi phàng quá, đến độ mọi lý thuyết nhân danh đều trở thành giả dối. Cho nên đối với thế hệ hai mươi, trạng huống tâm hồn hoàn toàn khác trước. Họ không may mắn sống vào thời bình, yên ổn nghe tình ca và bình yên xem tranh tĩnh vật, rồi mới thao thức đi tìm một lời biện minh hay một dáng thần tượng. Đối với thế hệ nầy, có hai vấn đề trước mắt :
- Thế giới Cộng sản trở lại mang tính chất huyền thoại những du kích quân áo đen di chuyển trong trời khuya rời làng khi người người còn yên giấc ngủ, chân vẹt dấu đá chông gai. Ngay những xác chết sình phồng phơi trong công viên vai áo rách, ngực lỗ chỗ dấu đạn, cục cơm gói muối còn cột dây lưng, cũng vẫn còn vẻ huyền nhiệm đủ làm ngây say tuổi trẻ.
- Trong khi đó, sự hiện diện của nửa triệu lính Mỹ trở thành một ám ảnh khốc liệt, đòi hỏi mọi người phản ứng cấp thời. Trong vòng mấy năm, đời sống xã hội ở chung quanh các căn cứ quân sự và thị trấn đảo lộn. Giá trị đạo đức bị thử thách. Niềm tin ở một vài phạm trù tinh thần tan rã.
Đó là hai yếu tố phát sinh một nền văn học nghệ thuật phủ nhận chiến tranh rầm rộ trong mấy năm gần đây. Thi ca tiểu thuyết, âm nhạc đua nhau tố cáo sự tàn khốc thô bạo của cuộc chiến hiện tại :
Quê hương ngập chiến tranh
Quê hương có bia mộ
Quê hương còn snack bar
Quê hương không có bạn
Quê hương lắm hận thù
( Nhạc Miên Đức Thắng )
Nhưng những chàng Từ Thức hai mươi nầy không dứt khoát như thế hệ bốn mươi. Họ không biết đổ lỗi cho ai. Người yêu người thân của Từ Thức có thể chết bên trong hay bên ngoài vòng kẽm gai, chết ở Chu Prong hay ngoài Hà Nội.
Cuộc chiến nầy do Cộng sản gây ra ư ? Họ ậm ừ không trả lời. Do những Con tầu xa xa ngoài Nam Hải ư ? Họ không phủ nhận mà cũng không gật đầu đồng ý. Đặt câu hỏi thẳng hơn, rõ hơn, Từ Thức né tránh :
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hờn căm
Tên nó là hận thù...
( Phạm Duy )
Hoặc lững lơ con cá vàng bằng một thứ nhạc ngữ mê hoặc ( rõ nhất là trong nhạc Trịnh Công Sơn ). Chính họ chịu hậu quả của cuộc chiến, những chàng Từ Thức tân thời. Họ phản kháng, thật mạnh, như sức mạnh của tuổi thành đồng. Nhưng họ không biết đối tượng ở đâu, nên đập đổ công kích cái gì. Họ tội nghiệp như anh chàng Don Quichotte.
Cũng có thể họ vô vọng vì hiểu rõ mình là con cờ thí, trên ván cờ thí, trên ván cờ của những tên ma đầu quỉ quyệt đánh cuội để chia phần. Họ hiểu họ bất lực, không thể làm được gì. Hát lên, đọc lên, ngâm lên, tự dìu mình vào cuộc cách mạng ảo tưởng, bù đắp cho sự tê liệt của hành động phản kháng. Thơ nhạc phủ nhận chiến tranh do đó chỉ có giá trị huyễn diệu tiêu cực, làm cho những chàng Từ Thức ngang tàng tưởng rằng hát lên xong là mọi sự sẽ biến đổi : và súng sẽ câm, đạn thôi nổ, bom tịt ngòi, và lại được thảnh thơi với tình ca và tranh tĩnh vật.
Nhiều nghệ sĩ hai mươi không thể chịu đựng mãi vở kịch mình dựng cho mình, quyết định làm anh phu hồ. Nhiều người ở lại không bằng lòng với bạn bè anh em ( xem phản kháng như một thời thượng, một cách chơi ), giận dữ nguyền rủa :
Con về thăm mẹ, một lần rồi thôi.
Thế hệ con, mẹ cũng liều như đứt tao nồi...
( Thơ Phan Trước Viên )
Nhạc thơ phản chiến đã từng vangb trong sân trường, trên đồng xanh, chép cho nhau trên những trang vở học trò, cuốn sổ tay thanh niên thiện chí, hát ngâm giữa thanh thiên bạch nhật không cần micro, ampli. Dần dần, văn nghệ phản chiến đổi bạn đổi nhà, và cuối cùng, cô ca sĩ phản chiến Khánh Ly đã thành bà bầu của phòng trà Queen Bee.
Tan rồi một ảo ảnh. Có chàng Từ Thức nào bơ vơ hơn Từ Thức hai mươi ?
***
Đêm đó, chúng tôi hai đứa rủ nhau vào Queen Bee nghe nhạc. Ngoài phố
xe cộ dập dìu. Cầu thang đưa lên phòng trà loanh quanh, rộng rãi, sang
trọng. Cánh cửa mở ra, âm thanh dìu dặt mơn trớn đưa chúng tôi vào vùng
ánh sáng âm u huyền hoặc. Trần lót nhung đỏ. Ghế da mịn và êm. Khách đến
mỗi lúc một đông. Thú thật, chúng tôi đến đây lần đầu nên bỡ ngỡ xa lạ
với hết thảy. Ông khách béo phệ đầu tóc hoa râm đang ôm một em bé phía
trước, có lẽ là một thương gia xuất cảng giấy bạc năm trăm Trần Hưng Đạo
và nhập cảng phụ tùng Honda. Cậu thanh niên mặc áo hở cổ mang kính cận
phì phèo điếu Craven A có thể là một sinh viên liên tiếp được hoãn dịch
vì lý do học vấn. Người đàn ông khỏe mạnh vạm vỡ ngồi phía trái với một
người đàn bà tuyệt đẹp có thể là loại diều hâu thứ dữ chuyên giữ tổ.
Cũng có thể là một thanh niên được miễn dịch vĩnh viễn vì sức khỏe. Chìm
trong bóng tối, có nhiều khuôn mặt nữa, trong túi có chứng chỉ hợp lệ
quân dịch vì lý do nầy hay lý do khác.Vài ca sĩ bậc trung lên hát câu giờ. Không có gì đáng nói, dù là một xúc động nhỏ. Rồi một nhạc sĩ lên hát hai bản nhạc đương nổi tiếng mà ý và lời cũng không khác gì những bài phủ nhận chiến tranh đã có. Thính giả giữ vẻ trân trọng giả tạo, chăm chú một cách chểnh mảng, lắng nghe một cách ơ hờ. Chúng tôi cảm thấy có cái gì không ổn, không thuận. Khúc hát cho quần chúng lam lũ chịu đựng bom đạn tàn phá, hận thù cào xé hình như không hợp với phòng trà, ít ra trong bữa chúng tôi có mặt tại đó, hoặc ít nữa không hợp bằng tình ca. Những tape nhạc đang thịnh hành có ghi nhiều bài của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, nhưng hầu hết là tình ca. Tiếng vỗ tay rời rạc sau khi hai bản nhạc được trình diễn xong khiến chúng tôi tin rằng mình nghĩ đúng. Tiếp tục chương trình, cô Carol lên hát nhạc kích động da đen. Không khí phòng trà nhộn nhịp, hào hứng. Thính giả vỗ bàn theo nhịp hát. Ngoại cảnh và nội tâm hòa đồng. Người ta vui một cách chân thực. Chúng tôi lại tự hỏi : phải chăng đây là khúc ca thích hợp cho những chàng Từ Thức thành thị, sống y như sự sống vốn vậy không mầu mè lòe loẹt bướm hoa hay vẽ vời xương rơi máu chảy.
Từ Thức không thể tìm thấy một bài hát nào khác cho mình, thuần túy cho mình sao ? Thái Thanh lên hát và trả lời thẳng cho chúng tôi. Nàng hát ba bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương. Chúng tôi xúc động vô ngần, nuốt từng lời ca, và đôi mắt đôi môi đôi tay diễn tả đã thôi miên hết cả mọi người. Cả phòng yên lặng, chăm chú, trân trọng, không một chút giả tạo. Sự xúc động ấy khiến chúng tôi tin rằng những nghệ sĩ Từ Thức trẻ tuổi của xã hội Việt Nam rồi sẽ tìm được ca khúc cho mình. Từ Thức không thể thành tên phu hồ. Từ Thức cũng không thể thành những kẻ hát ngao ngụy tín và ảo vọng. Từ Thức sẽ hết bơ vơ, khi tìm được một phương thế sử dụng nghệ thuật thích hợp diễn tả hết chân tình.
http://nguyenmonggiac.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét