Thông thường, người ta sẽ chỉ xin lỗi khi mình có lỗi. Với tôi, điều đó đương nhiên cũng như vậy. Nhưng trong cuộc sống, không phải điều gì cũng theo ý mình. Đôi lúc không thể “Đúng là đúng mà sai là sai”. Hoàn cảnh, các mối quan hệ, tính chất sự việc và nhiều yếu tố khác có thể tác động tới kết quả và xin lỗi ngay cả khi mình bị oan cũng là điều dễ hiểu.
Là một đứa khá cứng đầu, tôi sẽ không bao giờ chịu thua cho tới khi cái lý của mình được chấp nhận. Đương nhiên, trong trường hợp này tôi đúng chứ cũng không dại gì cố sống cố chết bảo vệ quan điểm sai hoặc tôi cũng chẳng biết nó đúng hay sai nữa.
Hôm rồi, chỉ vì một chữ “nếu” mà tự dưng phải xin lỗi đến 3, 4 lần, một cách thành khẩn và nhẫn nhịn nhất có thể. Tôi không có ý đó nhưng vô tình người ta lại hiểu vậy thì biết làm sao. Thậm chí còn dùng 1 số từ mang tính chất quy chụp và cực kỳ thiếu thiện cảm. Nhưng đáng tiếc “người ta” ở đây lại không phải một người thân thiết, thậm chí còn chưa từng gặp mặt nên việc giải thích lại ý mình một cách cặn kẽ, tôi cho là không cần thiết. Đôi khi chỉ cần một câu “Em không có ý đó ạ” là đủ. Bày ra một đống câu từ “Em thế này, em thế nọ, ý em thế này, ý em thế kia,…” sẽ chỉ khiến “người ta” thêm khó chịu và hiểu nhầm.
Tôi không sợ cái “người ta” đấy nhưng nếu biết suy nghĩ, tôi biết mình nên hành xử như thế nào để giải quyết vấn đề. Và tôi lựa chọn cách xin lỗi ngay cả khi mình bị oan. Một câu xin lỗi đôi khi có thể khiến mình bị tổn thương, nghiêm trọng hơn là tổn hại tới lòng tự trọng, nhưng đem 2 thứ đó ra so sánh, cân đo đong đếm với những gì mình được, mất thì tôi chọn những gì ở phía trước hơn.
Mình có thể thấy thỏa mãn ở thời điểm hiện tại khi không phải xin lỗi, thậm chí trông có vẻ rất “oai phong” khi giải thích nhưng kết quả nhận lại sẽ vô cùng bê bết.
Bài học tôi rút ra được sau chuyện đó là: hãy xem đối tượng mình xin lỗi là ai? Có quan hệ, tác động thế nào với mình. “Một điều nhịn, chín điều lành” sẽ mang lại cái gì cho mình. Đừng dại dột để phải đánh đổi nhiều thứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét