Lợi dụng người bị nạn, những kẻ “mất lương tâm” lao vào hôi của… đang là vấn nạn nhức nhối, đáng hổ thẹn!
Thùy
Dung, cựu sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, chia sẻ: “Thật buồn vì tầm văn
hóa của một bộ phận người dân hiện nay. Thấy người bị hại không những
không giúp đỡ, lại còn ra sức vơ vét… Đâu rồi những lời răn dạy của cha
ông ta: Thương người như thể thương thân. Lá lành đùm lá rách. Bầu ơi
thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…”Tranh nhau quyết liệt…
Khoảng 5h ngày 28/7, khi xe tải BKS 47P-2149 lưu thông trên Km 648 thuộc Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), thì bất ngờ lật nghiêng giữa đường. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng do toàn bộ thùng hàng chứa trái cây (chủ yếu là chôm chôm) rơi tung tóe ra đường, nên nhiều người dân lợi dụng cơ hội, tranh nhau quyết liệt hôi của, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, khiến đoạn đường bị ách tắc hơn 4 giờ.
Theo những người chứng kiến, người cướp trái cây bỏ vào bao, kẻ dừng xe máy chở cả thùng hàng… khiến tài xế chỉ biết đứng kêu trời.
Vụ hôi của khi xe hoa quả bị lật ngày 28/7 vừa qua. Ảnh: Theo NLĐ |
Cũng trong tháng 7 (ngày 9/7), tại Km 415+100 trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An), chiếc xe tải mang BKS 89K-3682 do tài xế Nguyễn Văn Hải (SN 1977) điều khiển, đang lưu thông hướng Hà Nội – TP HCM, thì bị một xe khách chạy ngược vượt cố vượt qua, lấn phần đường, tài xế Hải vội phanh gấp, làm chiếc xe tải bị lật nghiêng. Hàng trăm thùng tương ớt trên thùng xe tràn xuống đường. Lúc đó, người dân xung quanh đã tỏ một thái độ “vô cảm” khi xông vào xô đẩy để “hôi” các thùng tương trên xe tải.
Tài xế Nguyễn Văn Hải than: “Thật bất ngờ trước dòng người đột ngột xông vào “hôi” của một cách mạnh mẽ như vậy. Mặc dù đã van xin mọi người đừng lấy hàng hoá, nhưng tất cả đều vô nghĩa. Mãi tới khi thấy mình bị bất lực quá nên phải nghĩ ra cách gọi điện cầu cứu cơ quan chức năng địa phương nơi đây thì sự việc trên mới chấm dứt. Tuy nhiên, một số lượng lớn thùng tương ớt đã không cách nhưng có tay của bọn xấu tính mang đi”.
Cảnh hỗn loạn “cướp” tiền của người bị nạn ngày 16/6. Ảnh: TTO |
Lợi dụng tình cảnh lúng túng của người đàn ông, những người đi xe máy gần đó cùng một số người dân trong khu vực đã ào ra giữa đường lượm mất số tiền bị rơi ra trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của người đàn ông bị nạn.
Chỉ trong vòng chưa tới hai phút, số tiền đã bay vào túi của những người “hôi của” quá vô tâm, ước tính hơn 30 người. “Người ta bị nạn không giúp đỡ thì thôi chứ sao lại tranh nhau cướp tiền của họ như vậy. Quá vô cảm!”, một người tài xế lái taxi ngao ngán nói.
Lợi dụng lúc người dân sơ hở ở mỏ đá, kẻ gian đã nhanh chóng ăn cắp tài sản. Ảnh: VNN |
Đầu tháng 4/2011, khi cả nước đang bàng hoàng về đại tang sau vụ sập mỏ đá ở Nghệ An thì nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân để tẩu tán tài sản. Theo nguồn tin, có ít nhất 9 chiếc xe máy của người dân ở đây đã bị kẻ gian lấy cắp tại khu vực sập mỏ đá Lèn Cờ.
Trước đó, trong vụ sập nhà 6 tầng tại Hà Nội, có một nhóm khoảng 5, 6 phụ nữ, dáng vẻ đồng nát nhanh nhảu len vào hiện trường. Không phải họ cứu giúp gia chủ trong cơn hoạn nạn mà họ nhanh tay lấy đi các biển bảng, sắt, thép… trong đống đổ nát. Ngoài ra, một số vật dụng khác của gia chủ cũng bị nhóm người này nhanh chóng tẩu tán.
Mất nhân tính không kém là vụ hôi của trong một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vào khoảng 22h ngày 15/4/2011, tại đoạn đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội) đã xảy ra một vụ va chạm trực diện giữa một xe máy chở 3 người và một xe tải đi ngược chiều khiến 1 người trong tình trạng nguy kịch và 2 người bị thương nặng.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, có 2 thanh niên đi xe máy đã lợi dụng mọi người đang bị thương lấy trộm túi xách của nạn nhân. Một người dân đã lấy xe máy phóng đuổi theo 2 tên cướp, sau khi truy đuổi khoảng 4km, 2 tên cướp đã ném lại túi sách, lấy đi điện thoại di động và một số tiền…
Tính xấu cần lên án!
“Tuy những hiện tượng này không là phổ biến, chỉ là số ít trong xã hội nhưng cũng đủ cảnh tỉnh hơn về sự xuống cấp về đạo đức, khi mà con người ta coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị đạo đức ngàn đời ông cha đã dạy. Do vậy, việc người dân lợi dụng xe gặp tai nạn để tranh nhau hôi của là một tính xấu cần lên án. Rất cần các cơ quan chức năng, ban nghành của từng địa phương tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp tai nạn”, anh Khang, một giảng viên ĐH, nói.
Trong khi đó, bác Ngọc (60 tuổi) ở khu Mỹ Đình, nhận xét: “Tính nhân văn, thương người, đồng cảm, chia sẻ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn của những người hôi của đã biến mất, mà thay vào đó là giá trị vật chất trên hết… Ở đây, tôi thấy ý thức một bộ phận người dân mình kém quá! Bên Nhật bị sóng thần, động đất nhưng người dân không hề có hiện tượng hôi của hay chen lấn, giành giật hàng cứu trợ, vậy mà người Việt lúc hoạn nạn không giúp nhau thì thôi, đằng này tranh nhau hôi của, chẳng khác nào “cướp hội đồng”! Đề nghị các ngành chức năng cần làm tốt công tác giáo dục và có biện pháp xử lý nghiêm minh những kẻ cướp này!”.
Hành vi lợi dụng việc người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, thậm chí đã chết… để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc (hôi của) của người bị tai nạn giao thông không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Trộm cắp tài sản”. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, trong trường hợp hành vi “hôi của” chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi “hôi của” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét