Phải chăng, bằng một ngòi bút thấm đẫm nhân văn, Marie NDiaye – một phụ nữ da màu, muốn khắc sâu vào tâm tưởng của độc giả khắp thế giới hai tiếng ấy.
Ba phụ nữ can đảm
Tác giả: Marie NDiaye
Dịch giả: Hồ Thanh Vân NXB Hội Nhà Văn Giá bìa: 76.000 |
Dù đã được “cảnh báo” trước về một cuốn tiểu thuyết không hề dễ đọc, một cuốn tiểu thuyết “lạ hóa”, nhưng “Ba phụ nữ can đảm” của Marie NDiaye vẫn khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, suốt từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng.
Bất ngờ không phải vì tình huống truyện, không phải bởi những cách thắt nút hay mở nút thông thường, mà bất ngờ bởi cách mà tác giả sử dụng để viết nên cuốn sách ấy.
Cuốn sách tái hiện lại ba mảnh đời, tôi thích dùng từ “mảnh đời” hơn là “cuộc đời” bởi số phận của ba người phụ nữ được tái hiện trong trang sách đều không toàn vẹn. Nó chỉ như một lát cắt, một góc nhỏ, nhưng là cái góc cay nghiệt nhất, ai oán nhất, bi thương nhất.
Ở đó, người ta thấy cái góc của Norah, nữ luật sư 38 tuổi gốc Phi, đang định cư tại Paris thì bỗng dưng được người bố ở Sénégal gọi về nhà vì tin cậu em trai đang phải ngồi tù vì tội giết người. Chỉ trong một tình huống ngắn ngủi ấy, nhưng gần như cả cuộc đời Norah đã được tái hiện lại: bố mẹ ly dị từ khi còn nhỏ; xây dựng gia đình với một cuộc hôn nhân chắp vá; mẹ tái hôn với người đàn ông khác, người bố chìm đắm trong mối quan hệ hoan lạc với những người phụ nữ đáng tuổi con mình, bỏ quên trách nhiệm của một người cha, thậm chí bắt con cái phải gánh chịu những tội lỗi do chính mình gây ra…
Người ta cũng thấy cái góc của Fanta, một người phụ nữ gốc Phi khác theo chồng sang Pháp sinh sống với lời hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp. Nhưng trái với ước mong về cuộc sống màu hồng, cuộc hôn nhân của Fanta rơi vào trạng thái căng thẳng và nặng nề, chẳng khác nào địa ngục. Điều đặc biệt là câu chuyện của Fanta được kể lại dưới góc nhìn, góc tự sự của chồng cô – Rudy Descas.
Và cái góc cuối cùng, cũng là chìa khóa làm rõ hơn cho chủ đề câu chuyện, là cái góc bi kịch của Khady Demba, một người phụ nữ góa chồng, bị gia đình nhà chồng hắt hủi, lưu lạc sang Châu Âu trong một hành trình đầy bất hạnh: bị bắt làm gái, bị bạo hành, bị ném ra đường làm kẻ ăn mày… và kết lại bằng cái chết đầy bi thảm.
Ba mảnh đời chỉ liên kết với nhau bằng một sợi dây vô cùng mỏng mảnh, mà nếu không để ý thì độc giả cũng khó lòng nhận ra. Đó là chi tiết Khady trong câu chuyện cuối là người nấu ăn cho bố của Norah, lên đường đến Pháp để gặp cô chị họ Fanta. Ngoại trừ mối liên hệ mong manh ấy, thì dường như họ không có điểm nào chung.
Thế nhưng ba cái “góc” của họ lại được xếp lại gần nhau, theo cấp độ tăng dần của tính bi kịch, và hoàn chỉnh trong một cuốn tiểu thuyết chứ không phải là một tập truyện ngắn như nhiều người nghĩ rằng nên như thế. Phải chăng, ngoài dụng ý tạo nên một cấu trúc khác lạ cho tác phẩm của mình, Marie NDiaye còn muốn nói, còn muốn khắc họa một điều gì hơn thế?
Phải chăng, những Norah, Fanta hay Khady, rốt cuộc cũng chỉ là một cái tên để gọi, một biểu hiện nhạt nhòa của tính cá thể, ẩn sau đó là cả một thế giới tăm tối những bi kịch giống nhau của “Phụ - Nữ”. Phải chăng, bằng một ngòi bút thấm đẫm nhân văn, Marie NDiaye – một phụ nữ da màu, muốn khắc sâu vào tâm tưởng của độc giả khắp thế giới hai tiếng ấy.
“Phụ - Nữ”, nguồn cảm hứng của nghệ thuật, nét đẹp của cuộc sống, cứu tinh của gia đình, thế nhưng cũng là nơi để người ta trút lên đủ mọi cơn thịnh nộ. Norah, Fanta hay Khady chỉ là ba trong rất nhiều, rất nhiều những cuộc đời khác, số phận khác, thậm chí còn bi kịch hơn, đang hàng ngày hàng giờ lặp đi lặp lại vai diễn tủi nhục của mình trong sân khấu cuộc đời. Đâu đó giữa biển người rộng lớn này, có những người phụ nữ vẫn hàng ngày lo toan cho cuộc sống gia đình để đêm đêm lui vào cái góc nhỏ của mình và khóc; có những người phụ nữ cả đời vì chồng vì con mà vẫn bị coi khinh; có những người phụ nữ bị bạo hành, bị chà đạp, bị biến thành công cụ để phục vụ cho lạc thú của đàn ông…
“Ba phụ nữ can đảm” không phải là tuyên ngôn bảo vệ bình đẳng giới, bởi họ, những người phụ nữ Châu Phi ấy không hề đứng lên đòi quyền sống, cũng chẳng hề mở miệng rao giảng bất kỳ thứ triết lý nào. Họ chỉ như thế, nhẫn nhịn chịu đựng, nhưng không để bị dập vùi. Họ can đảm không phải bằng nắm tay giương cao, mà bằng tinh thần, như một viên ngọc vẫn tỏa sáng lấp lánh cho dù cuộc đời tăm tối.
“Ba phụ nữ can đảm” là một cuốn sách về hiện thực, cay đắng và khắc nghiệt. Nhưng nó làm tôi thỏa mãn. Và tận sâu trong cái vực tăm rối và rữa nát những bi kịch ấy, tôi vẫn nhìn thấy một lối thoát nhỏ bé, đấy là khi Khady, cô cái của câu chuyện cuối, ra đi vào cõi vĩnh hằng. Hình ảnh cuối cùng mà cô nhìn thấy, không phải là những kẻ ăn xin rách rưới, không phải là đám lính tráng được trang bị súng ống, cũng không phải là hồi ức về cái nhà thổ bẩn thỉu, nơi đã vắt kiệt thể xác của cô, mà là nó – một con chim cánh dài màu xám. Cái con chim bay liệng trên bầu trời tự do ấy, cô tự nhủ, cũng chính là “mình – Khady Demba đây mà”. Và cô đã ra đi, hạnh phúc với cái phát hiện ấy, hạnh phúc với sự bay bổng của tự do vĩnh viễn, dù phải đánh đổi bằng cái chết.
Cuộc đời đắng cay là thế, số phận ác nghiệt là thế, thể xác dù có thể bị dập vùi, bị chà đạp, nhưng tinh thần con người, chẳng ai có thể ngăn được, vẫn như cánh chim kia, bay lên trên mọi khổ đau tủi cực để hướng về phía có ánh nắng và khí trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét