Tu Phật tức là tu để thành Phật, tu theo đạo Phật để thành Phật cho nên gọi là tu Phật, mà thành Phật đòi hỏi vạn đức chứ không phải chỉ tu một hai đức được. Hôm nay quý Thầy chọn chủ đề là Hạnh Nhẫn Nhục để đem ra trao đổi cùng quý Phật tử, quý Đạo hữu. Vì hạnh nhẫn nhục này hết sức quan trọng trên con đường tu hành của chúng ta, nếu thiếu hạnh này thì thật không thể thành Phật được. Có thể quý Phật tử cũng đã từng nghe thì hôm nay chúng ta nghe thêm, chúng ta phân tích thêm để ứng dụng nhẫn nhục trong cuộc sống tu tập của chúng ta đối với một người con Phật.
Sự sống, vật sống có ý thức về sự khổ mới gọi là nhẫn nhục.
Chữ nhẫn(忍) trong chữ hán gồm có hai bộ, bộ bên trên là bộ đao(刀)bên dưới là bộ tâm (心, tức là cái đao cắm vào trong tâm mình, đấy có nghĩa là nhẫn. Ở đây ta phải hiểu là tâm thức hay tâm còn sống vậy, còn tâm chết rồi thì đao đâm thoải mái cũng chẳng sao. Đao đâm vào tim sống mới gọi là nhẫn, chữ nhẫn là như vậy, đấy là theo cách viết tiếng Hán. Còn theo nghĩa tiếng Việt, nhẫn là chịu đựng mà chịu đựng một cách ý thức vượt qua được nó. Chịu đựng những sự trái ý nghịch lòng, những sự khổ, sự khó mà chịu đựng phải vượt qua được. Cho nên chữ nhẫn có nghĩa là nhẫn chịu, chịu đựng một cách có ý thức. Biết được đây là cái nghịch lòng, đây là cái khó, cái khổ mà mình ý thức được và mình chịu cho qua được đấy mới gọi là chữ nhẫn.
Chữ nhẫn có bộ tâm ở dưới, tâm này tức là cái tâm thức của mình, là nhận thức của mình, là tâm sống không phải cái tâm chết. Ví dụ một cái xác chết mình có đem ra băm, chặt, chém nó thì có gọi là xác chết ấy nhẫn nhục không? Không. Một con cóc hay một con gà chết mình đem ra chặt nó thì không gọi là cái xác nhẫn nhục. Nhẫn là đối với sự sống, vật sống; nhưng mà sự sống, vật sống ấy phải có ý thức về việc khổ, việc khó, việc trái ý mình.
Còn chữ nhục là những điều sỉ nhục, những sự hèn kém những điều hổ thẹn, những sự nhục mạ, những sự khổ não thì gọi là nhục. Nhẫn nhục tức là chịu đựng những sự đau khổ, những sự nhục mạ, những sự chê trách, những sự kém cỏi, những sự đau đớn, chịu đựng những cái trái ý nghịch lòng.
Sa Bà là cõi nhẫn - Biết tu hạnh Nhẫn nhục thì sẽ được an vui
Chúng ta sinh ra trong cõi Sa Bà này, Phật gọi hai chữ Sa Bà có nghĩa là kham nhẫn, trong kinh Phật nói cõi Sa Bà là cõi nhẫn, đã sinh ra trong cõi này là chúng ta phải cam chịu rất nhiều cái khổ, sinh là sự khổ, cõi này là cõi chúng sinh trả nghiệp cho nên chúng ta rất khổ. Sinh ra trong cõi khổ này mà ai tu được hạnh nhẫn thì người ấy sẽ bớt khổ.
Nhẫn nhục của Thế gian
Người thế gian họ chịu nhẫn nhục để làm gì? Họ chịu nhẫn nhục với mục đích thế gian.
Ví dụ họ chịu nhẫn nhục để phục vụ cái tâm tham lam của họ, họ nhẫn nhục để đạt cái tâm sân hận của họ, họ nhẫn nhục do họ bị si mê tà kiến, họ nhẫn nhục do họ kiêu mạn mà nhẫn nhục đó là người thế gian.
Tham mà nhẫn
Thế nào là do tâm tham chi phối mà mình nhẫn nhục. Chúng ta tham gì? Tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ.
Chúng ta nhẫn nhục vì tham tiền là rất nhiều, chịu tất cả cái khổ để có tiền. Sáng 2h sáng đã tất bật đi rồi, chịu sương chịu gió đi buôn đi bán đấy là nhẫn nhục chịu khổ để có tiền. Rồi tham để được danh vọng mà phải nhẫn nhục. Nhẫn để được ăn ngon như người ta gọi là “cố đấm ăn xôi”, chịu đấm để mà được ăn miếng xôi. Ngày trước khi cúng thí xong là mình xông nhau vào mà cướp đồ thí, chịu đấm chịu đá để mà cướp được cái oản, nắm xôi. Nhẫn vì tham sắc dục rất nhiều. Có nhiều anh chàng vì ham sắc đẹp của cô gái này mà chịu nhiều cái nhục nhạ, chịu tai tiếng để đạt được mục đích. Cho nên người thế gian cũng nhẫn nhục nhưng với mục đích để đạt được lòng tham ngũ dục của họ.
Sân mà nhẫn:
Thứ hai là người thế gian do sân mà nhẫn, tức là họ bực họ tức nhưng họ kìm lại, họ nhẫn lại đó để rồi họ sẽ phục thù, báo thù. Có câu chuyện mà nhiều người biết về Việt Vương Câu Tiễn bị Ngô Vương Phù Sai bắt làm nô lệ đã giả thần phục để sau này đạt tới thắng lợi. Chúng ta có thấy Việt Vương Câu Tiễn nhẫn nhục không? Rất là nhẫn nhục! Dám nếm cả phân của kẻ thù không phải chuyện đơn giản, nhưng sự nhẫn nhục ấy để sau này báo thù thì nhẫn đấy do tâm sân hận chi phối, do sân hận mà nhẫn. Cũng có nhiều câu chuyện phục thù như thế, khi mình nằm trong tay người ta thì mình cam chịu hết nhưng nuôi tâm báo thù, trong sử có ghi lại rất nhiều.
Si mà nhẫn
Thứ nữa người thế gian do tâm si mà nhẫn, tà kiến mà nhẫn. Ví dụ như có phái tu hành bảo nhau rằng giờ mình tu hành thì phải khổ hạnh như là con bò thì mình mới đắc đạo, thế là họ thực tập như con bò, họ ăn cỏ ăn lá. Rồi phải ép xác thật khổ, bao giờ tu mà lòi xương sườn, xương sống ra mới đắc đạo. Chính Đức Phật cũng từng có 6 năm tu khổ hạnh theo những đạo này. Ngài khổ hạnh ép xác đến nỗi xương sườn giơ hết cả ra, Ngài tu qua hết các ngoại đạo. Người ngoại đạo tà kiến họ cũng rất nhẫn nhục, chịu đựng nhưng vì tà kiến mà họ nhẫn, họ không có chánh kiến gọi là si mê mà nhẫn nhục.
Kiêu mạn mà nhẫn
Một cái nhẫn nữa là kiêu mạn mà nhẫn. Ví như có người mắng mình chửi mình, mình bảo không thèm chấp, mình xem thường người ta cho nên mình nhịn không thèm nói gì, đấy là mình kiêu mà mình nhẫn.
Như vậy người thế gian nhẫn nhục với những tâm bất thiện, tâm ác (tham lam với ngũ dục, sân hận, si mê tà kiến, kiêu mạn). Họ cũng nhẫn được và chúng ta tự kiểm lại mình là chúng ta có còn vướng trong những sự nhẫn này không?
Nhẫn nhục của người đệ tử Phật
Đệ tử Phật phải nhẫn sâu sắc lắm. đệ tử Phật nhẫn để diệt trừ tham, sân, si, kiêu mạn, nhẫn đối với cả sáu căn của mình, nhẫn với chính cái tâm của mình.
Thế nào là nhẫn diệt trừ tham, sân, si? Khi tâm mình khởi ham muốn mà mình nhẫn mình không theo nó, chúng ta thấy năng lực của ham muốn rất là mạnh, rất nhiều người do cái tâm ham muốn này không nhẫn không kìm được mà tạo nên tội, những tội như giết người, cướp của do lòng ham, đam mê sắc dục; do lòng tham không nhẫn nổi cho nên đã phạm tội. Người đệ tử Phật nhẫn để dừng lòng tham đó lại và diệt cái lòng tham ấy, nên cái nhẫn của chúng ta là nhẫn từ trong tâm, nhẫn ngoài thân rồi đến nhẫn trong tâm.
Ở đời nhiều khi người ta nghĩ rằng nhẫn là mình hèn kém, cái nhẫn mà để chúng ta đạt được mục tiêu lớn cao cả không phải là hèn kém. Chúng ta vào đạo mà không thấy rõ điều này vào đạo mà chỉ thích khen, chỉ thích những lời tán tụng thôi thì mình chưa có trí tuệ vào đạo. Muốn vào đạo thì phải thấy sự nhục mạ sự chửi rủa đối với mình như uống nước cam lộ, nếu mà làm được thế thì người này gọi là bậc vào đạo có trí tuệ.
Cho nên trong kinh Phật dạy nhẫn nhục là đệ nhất đạo, người xuất gia mà không nhẫn nhục được thì không xứng đáng gọi là Sa Môn. Người xuất gia mà không nhẫn nhục não hại người thì không xứng đáng gọi là người xuất gia. Hôm trước Thầy có xem trên mạng có vị nay ăn mặc đúng kiểu nhà sư di qua sân bay cán bộ kiểm tra người ta kiểm tra hành lý tư trang, cái vị này nổi đóa lên tung cước chửi nhau đánh nhau với công an luôn, một số người hiểu lầm người ta bảo nhà sư coi như là khủng khiếp, về sau điều tra ra mới biết vị này không phải sư, đấy là một vị Thầy cúng mà vị này hơi đồng bóng, ăn mặc giống nhà sư mà điều tra ra không phải sư, nếu mà sư như thế thì quá khủng khiếp không phải nhà sư nữa. Người tu phải lấy đức hạnh nhẫn nhục để lên đầu, chúng ta biết chắc chắn cả cuộc đời chúng ta chắc chắn sẽ chịu nhiều khổ đau đây là bản chất của cõi Sa Bà thế mà mình đã học Phật tu Phật mà không biết lấy chữ nhẫn lên chịu cái nhục này thì không phải đệ tử Phật. cho nên Phật nói xuất gia không tu hạnh nhẫn nhục não hại người thì không phải gọi Sa Môn.
Người thế gian họ nhẫn họ chịu nhục để đạt được tham, sân, si thỏa mãn tham, sân, si. Người đệ tử Phật nhẫn còn để thông cảm, để mở rộng lòng mình lòng thương yêu đối với tất cả. Chúng ta thấy nếu trong giao tiếp hàng ngày mình không nhẫn thì không dễ gì thông cảm được với người. Rồi người tu Phật nhẫn để mang lại bình an cho mình cho người. Ở đời do không biết chữ nhẫn, không tu hạnh nhẫn cho nên biết bao nhiêu thảm cảnh xảy ra.
Cho nên Phật dạy “Nhẫn nhục là đệ nhất đạo” là đúng, không nhẫn là không thể thành Phật được.
Đức nhẫn cao của người đệ tử Phật nữa là nhẫn để tôi luyện ý chí của mình, nhẫn để luyện tâm mình. Người học Phật phải có ý chí có sức mạnh. Muốn vậy phải nhẫn nhục phải chịu đựng.
Đệ tử Phật tu từ nhẫn thông thường rồi đến nhẫn nhục Ba La Mật, nhẫn mà không thấy cái gì là nhẫn thì mới giúp ta đạt được giác ngộ đạt được công đức viên mãn thành Phật. Ở đời muốn thành công thì phải nhẫn dù đó là nhẫn gì đi chăng nữa, đối với người đời cũng thế đối với người học Phật, tu Phật càng phải thấy giá trị của cái hạnh nhẫn nhục này. Nhẫn nhục là sức mạnh lớn đẩy chúng ta đến được với quả vị giác ngộ.
Khi chúng ta nhẫn qua một nghịch cảnh nào sau đó mình sẽ được điều rất tốt, còn không nhẫn qua thì cái khổ liền tới. Nhẫn nhục được rồi là được tăng thượng công đức phước báu, người nhẫn nhục là người tốt là người mạnh. Cho nên người tại gia hay người xuất gia người học Phật hay người không học Phật vì cõi này là cõi nhẫn, không nhẫn thì khổ đến với mình khổ đến với tất cả.
Muốn về Tây Phương ít thiện căn thiếu phước đức thì không về được, nhẫn nhục là một thiện căn. Không ai về Tây Phương mà còn sân si cả. Không nhẫn thì tâm không an, không an thì tâm không tịnh mà tâm không tịnh thì không về Tây Phương được. Cho nên nhẫn nhục là một tư lương lớn đối với người tu niệm Phật cầu vãng sinh, nếu không nhẫn thì chúng ta không thể vãng sinh được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét