Có hay không người chết sẽ báo thù?
Vừa qua, xã hội rúng động vì hàng loạt án giết người tàn bạo mà kết quả là kẻ gây án phải nhận bản án chung thân, tử hình. Không đáng sợ sao được khi ngoài cướp của giết người; hận thù về tình yêu nên kết liễu “một nửa” của mình; bế tắc vì bị đe dọa nợ nần…, thì hành vi giết người xảy ra có khi chỉ vì một cơn bực dọc, một cú va quẹt xe giao thông hay chỉ vì lý do ghen tuông khi có tin nhắn lạ,…
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, có một sự thật hãi hùng mà ít người ngờ đến là, khi nạn nhân trút hơi thở cuối cùng thì mọi oan gia, nghiệp chướng lại bắt đầu diễn ra trong gia đình của những đương sự có liên quan. Và đôi khi, bản án nhận được do sự phán quyết của thế giới tâm linh mà hung thủ nhận được còn khủng khiếp hơn cả án tử khi bị tuyên trước vành móng ngựa.
Để hiểu thêm về “Sự phán quyết của thế giới tâm linh đằng sau những vụ án giết người”, chúng tôi đã có dịp trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Hội Liên Hiệp Khoa học UIA - một trong những người nghiên cứu suốt 20 năm qua về thế giới tâm linh.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh |
Người chết báo thù?
* Qua phương tiện truyền thông báo chí đăng tải trong thời gian gần đây, chắc ông cũng đã được nghe nói về thủ đoạn giết người ngày càng dã man, không còn nhân tính và đang có dấu hiệu tăng dần, lan truyền, khiến dư luận bức xúc và yêu cầu phải có hình phạt đích đáng. Vậy theo ông, về mặt tâm linh, khi giết người, hung thủ phải gánh chịu những hình phạt nào ngoài bản án pháp luật tuyên?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Về mặt tâm lý, hung thủ sẽ bị dằn vặt, khiếp sợ do ám ảnh tội lỗi gây ra. Nhưng nặng nề hơn cả nếu tội giết người được soi dưới ánh sáng của tâm linh. Người bị bức hại, bị tước đi sinh mạng trong lúc họ còn ôm ấp biết bao hoài bão về sự nghiệp, biết bao tình cảm về tình gia đình, tình yêu.. sẽ tìm cách trả thù kẻ đã chấm dứt mọi tương lai, hạnh phúc của mình. Ở đây, không gì hợp lý hơn nếu viện dẫn luật nhân quả để lý giải.
Theo quy luật này, gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó. Nếu giết người ở kiếp này thì cũng sẽ bị chính người bị hại hay người khác giết hại ở kiếp khác. Nếu giết người bằng phương pháp tàn độc nào thì kiếp sau cũng sẽ bị giết lại bằng chính những thủ đoạn tàn khốc ấy.
Trong lịch sử cũng như các văn hóa tín ngưỡng của nhiều dân tộc trên thế giới đã có những câu chuyện, khi chép, truyền tai nhau từ đời này qua đời khác những tình tiết ma báo oán, ma báo thù. Hành động trả thù kẻ giết hại mình không chỉ diễn ra ngay trong kiếp này mà còn ở nhiều kiếp sau. Việc này không có gì lạ và cần nhìn nhận bằng một thái độ công bằng với những ứng xử hợp lý.
Ảnh minh hoạ |
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh:
- Trước hết nên đề cập đến sự giáo dục của xã hội và gia đình. Theo đó, việc để trẻ em sớm tiếp cận những bộ phim, trò chơi game bạo lực đã khiến các em bị tiêm nhiễm, và cho rằng hành vi giết người, truy sát là hết sức bình thường, thậm chí tiêu diệt “mục tiêu” càng nhanh, càng gọn thì càng xứng danh “anh hùng”.
- Thứ hai, khi sử dụng chất kích thích, thuốc gây ảo giác, ma túy, thanh thiếu niên sẽ dám làm những hành động tàn khốc, giết người không chút thương tiếc, nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó: giết cả người thân để có tiền mua thuốc phiện, giết người để cướp tài sản, giết người do bị chạm nọc tự ái…
- Thứ ba, việc một số gia đình hành nghề giết mổ, sát sinh (một đời hay nhiều đời) cũng sẽ dễ dẫn đến tình huống khiến cho các thành viên trong gia đình ra tay sát hại lẫn nhau một cách dễ dàng bởi hàng ngày chứng kiến cảnh đâm chém máu me, coi cảm giác đau đớn tột độ của các con vật bị bức hại là bình thường, thậm chí nhìn riết thành quen, thành nghiện, không còn cảm xúc sợ sệt khi “ra tay hạ thủ” một ai đó.
- Thứ tư, sự ảnh hưởng của tà ma, tâm ma do nhân quả, nghiệp chướng từ quá khứ chiêu cảm thúc giục cũng sẽ dẫn đến hành động giết người.
Và còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến hành vi tước đoạt mạng sống của con người, nhưng tóm lại, một khi thú tính nổi lên thì nhân tính không còn, khi ấy, dù đứng trước mặt mình là đồng loại, kể cả là người thân yêu của mình đi chăng nữa thì vẫn can tâm giết chết bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
* Trong mấy năm trở lại đây, các vụ án giết người mà nạn nhân và hung thủ có mối quan hệ luyến ái đồng tính ngày càng gia tăng và có tính chất rất dã man. Ông lý giải về "hiện tượng" này như thế nào?
- Hiện chưa có thống kê cụ thể nào của cơ quan chức năng khẳng định rằng các vụ án giết người có liên quan đến tình yêu đồng tính tăng. Tuy nhiên, do báo chí trong thời gian qua liên tục đưa tin về những trường hợp như thế nên tạo ra một vấn nạn đáng lưu tâm. Tôi cho rằng xuất phát từ sự ghen tuông quá mức, dẫn đến thành điên loạn mà đỉnh điểm là hạ sát người tình đồng tính.
Đồng thời, trong tư duy cũng như trong cảm xúc yêu đương của nhóm người này sẽ thường xuyên không ổn định, dễ bị đảo lộn. Yêu đương đồng tính xét ở một góc độ nhất định có nhu cầu chiếm hữu về thân xác rất cao, nảy sinh ý nghĩ khi cho rằng sẽ rất khó tìm một đối tượng phù họp theo sở nguyện.
Và một khi quá lệ thuộc, hy vọng vào cảm xúc đó, khi bị "người tình" chia tay sẽ ngay lập tức dẫn đến phản ứng mạnh mẽ, ra tay tước đoạt mạng sống của đối tượng trong trạng thái bị kích động.
Ảnh minh hoạ |
* Theo ông, về tâm linh, nạn nhân khi bị giết thì không những đau đớn, hoảng loạn khi chết mà sau đó, ở một thế giới vô hình, họ có phải tiếp tục chịu đớn đau sau khi bị giết, bị phanh thây để phi tang?
- Khi hung thủ ra tay, với nhiều động cơ và hành vi khác nhau sẽ dẫn đến cái chết của nạn nhân khác nhau. Có kẻ giết nạn nhân ngay lập tức để thỏa mãn thói hung hãn. Có kẻ giết từ từ, để nạn nhân mất máu dần dần mà chết đi trong hoảng loạn kéo dài. Có kẻ dùng thuốc độc đầu độc khiến nạn nhân chết mà không biết mình đang bị giết...
Toàn bộ những hành vi giết người ấy đều sẽ để lại sự đớn đau, ngay cả sau khi nạn nhân trút hơi thở cuối cùng, tiến tới giai đoạn cận tử nghiệp và tồn tại dưới dạng ở thân trung ấm, thường gọi là thần thức.
Đối với tư tưởng nhà Phật, nếu như thần thức chú tâm đến một đối tượng thiện tính như Tam bảo, tự tạo cho mình niềm tin sâu sắc, hoặc khởi niệm từ, bi, hỉ, xả thì sẽ có sự tái sinh trong cảnh giới an lành. Nhưng ở trường hợp chúng ta đang đề cập là những nạn nhân bị bức hại, thì cảm giác đau đớn, hoảng loạn, căm phẫn trong giai đoạn cận tử nghiệp sẽ lưu lại và đeo bám dai dằng thần thức. Vậy thì do quá đau đớn, phẫn nộ mà thần thức sẽ khởi tâm sân hận, khiến những nghiệp, duyên bất thiện thôi thúc mạnh mẽ việc báo oán, báo thù không bao giờ dứt, và đạo Phật gọi là "oan oan tương báo"
* Trong quá trình công tác tại UIA, ông có ấn tượng gì về những trường hợp người chết tự tìm về để kể cho người thân của mình về cái chết oan ức và tố giác kẻ thủ phạm không? Nếu có, người chết quay trở về trong trạng thái như thế nào, khóc lóc hay oán hận?
- Tại UIA chúng tôi có hình thức áp vong, tức là người đã khuất nhập vào người thân trong gia đình để “giao lưu, bày tỏ”, hoặc thông qua nhà ngoại cảm để nhờ “phiên dịch” để chuyển tải thông điệp của mình, song cũng không ít trường hợp nạn nhân đã chết nhập thẳng vào hung thủ đã gây ra cái chết cho nạn nhân để thủ phạm tự khai nhận toàn bộ quá trình thực hiện tội ác của hắn.
Sẽ có nhiều người nếu chưa trực tiếp đến trụ sở UIA tại số 1 Đông Tác, Hà Nội thì dễ suy luận đó là một hình thức mê tín dị đoan. Thực tế cho thấy, gần 20 năm qua, những người làm công tác khảo nghiệm về khả năng đặc biệt của UIA đều chứng kiến hàng nghìn trường hợp người chết về để gặp lại người thân trong gia đình với những thông tin cụ thể, với những nhân chứng cụ thể hiện vẫn còn sống. Nói vậy để cho các bạn thấy rằng, tuy nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng, nhưng mọi việc vẫn không vì thế mà dừng lại. Mọi hậu quả do tội lỗi, tội ác hại người, giết người thì cũng không vì thế mà kết thúc.
Viện KSND Tối cao và Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an kết hợp với chương trình nghiên cứu về khoa học tâm linh đã nhiều lần tìm ra thủ phạm các vụ án hình sự giết người rất nhanh chóng với những bằng chứng, tang chứng rõ ràng. Trong quá trình sử dụng năng lực ngoại cảm để xác định tội phạm, nhiều nạn nhân tuy đã chết nhưng vẫn có thể diễn tả lại cảm giác đau đớn khi bị giết. Chúng tôi nhận thấy, đâ phần những nạn nhân ấy luôn về với cảm giác căm hận và khăng khăng ý định báo thù.
* Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm của Học viện Cảnh sát nhân dân) đã nghiên cứu về tội phạm giết người trong giai đoạn từ tháng 1.2009 đến 9.2010 với trên 4,000 phạm nhân đang thụ án tại 4 trại giam thuộc Bộ Công an quản lý đã đưa ra một thực trạng làm rúng động xã hội: 14% đối tượng có độ tuổi từ 14 - dưới 18, chiếm gần 1/5 các độ tuổi còn lại... Xét ở góc độ tâm linh, ông nhận định như thế nào khi càng nhiều thanh niên phạm tội giết người?
- Lứa tuổi dưới 18 có thể nói là giai đoạn đang hình thành nhân cách nên trong bản thân, sẽ có những xáo trộn tâm lý, dễ bị kích động, có xu hướng học đòi theo bạn bè trong khi bản thân thì chưa được trang bị các kỹ năng sống như: giải quyết mâu thuẫn, quản lý cảm xúc chính mình…. Đồng thời, lứa tuổi này chưa có cơ hội tiếp cận để hiểu các quy chế, văn bản quy phạm pháp luật về tội giết người.
Ngoài ra, các bạn trẻ chưa có trải nghiệm thực tế về luật nhân quả, về việc "ác giả ác báo", mà chỉ có suy nghĩ: muốn, phải, cần, miễn làm sao thỏa mãn dục vọng của mình. Những nguyên nhân xã hội ấy cộng thêm việc thanh thiếu niên sớm tiếp xúc thường xuyên với bộ phim, trò chơi game bạo lực đã dần dần hình thành nên khuynh hướng bạo lực. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, vì căn tính bồng bột "tâm viên ý mã" nên rất dễ bị các yêu tố tà ma xâm nhập và gây ra những tội ác mà bản thân các hung thủ cũng khó hình dung tại sao trong phút chốc mình lại trở nên tàn độc như vậy.
* Có nhiều người vì sân hận, căm tức mà dẫn đến hành động mất nhân tính. Vậy nên, lửa hận thù một khi đã khởi thì vô cùng nguy hiểm và là nguyên nhân chính cho hầu hết các vụ án giết người. Xin ông cho biết ý kiến của mình?
- Đúng như vậy. Lửa hận thù sẽ phá hủy toàn bộ thành tựu trong kiếp sống này cũng như trong đời sau của mình. Chỉ có từ bỏ hận thù thì mới ngăn chặn án giết người. Nếu anh A giết anh B, thì anh B đời sau sẽ trả thù anh A, với mức độ oán hận gấp 2 lần. Qua đời sau, anh A lại trả thù anh B với mức độ oán thù gấp 4 lần… rồi cứ thế chất chồng oan oan tương báo Nhưng khi một trong hai bên dừng lại, hòa giải, thì lập tức báo thù sẽ dứt ngay.
Tội giết người phải trả giá trước pháp luật. Nhưng tốt nhất không nên, hướng các nạn nhân khi chết tiếp tục sân hận, mà ngược lại, nên hòa giải để hung thủ thành tâm khai báo, nhận ra sai phạm để tự hung thủ hòa giải tâm linh với nạn nhân. Có như vậy, mới là cách giúp cho nạn nhân ra đi một cách an lành nhất. Đồng thời, răn đe cho kẻ phạm tội biết rằng tội ác của anh sẽ luôn còn đó, luật nhân quả không bao giờ buông tha nếu không thành tâm sám hối.
* Có nhiều trường hợp được xem là “máu lạnh”, ban đầu có thể tránh được tội, thế nhưng, sau một thời gian, hung thủ lại bi thôi thúc đi tự thú. Theo ông, nguyên nhân có khi nào do người chết ám ảnh, điều khiển trong các hành vi tự thú này không?
- Trong mỗi con người đều có tính Thiện. Vì vậy, tự thú là do tòa án lương tâm từ tính Thiện sẵn có ấy hướng dẫn, soi đường để tìm lại tính Thiện trong con người mình. Tuy nhiên, xét ở góc độ tâm linh, có những trường hợp phần thần thức người chết nhập vào những người còn sống để kể lại toàn bộ sự việc, từ đó tạo cơ sở cho người thân và cơ quan điều tra tìm ra các manh mối sự việc, tạo áp lực cho hung thủ trước hay sau cũng phải tự thú vì mong được sự khoan hồng của pháp luật.
Trên thực tế, cũng có nhiều hung thủ bị thúc giục tự thú do nạn nhân “quay trở về” đe dọa, ám ảnh, bắt buộc hung thủ phải khai nhận toàn bộ quá trình gây án tước đoạt sinh mệnh của nạn nhân.
* Được biết, một hành vi ác, một mưu đồ ác, một cử chỉ ác, lời nói ác độc có khi có hiệu ứng lây nhiễm cho xã hội, và giết người cũng không ngoại lệ. Ông có lo ngại rằng tội ác này nếu không được trừ khử tận gốc thì sẽ tạo thành một hiệu ứng domino không?
- Tội ác cũng như cỏ dại, nếu không trừ khử tận gốc thì sẽ như cỏ dại mọc lên. Người xưa có câu "nhất nhật bất niệm thiện, chư ác giai tự khởi" nghĩa là nếu một ngày không nghĩ đến điều thiện thì cái ác sẽ mọc lên.
Pháp luật khi tuyên án kẻ giết người chỉ là khắc phục hậu quả khi nó đã xảy ra, còn việc ngăn chặn không cho tội ác ấy khởi lên mới là điều quan trọng nhất. Xét ở góc độ nào đó, việc ngăn chặn hành vi giết người có thể tìm thấy trong các nền giáo dục, các tôn giáo.
Như trong giáo dục truyền thống ông bà mình có câu: “Thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Hoặc Đạo Thiên Chúa thì đề cao lòng bác ái để yêu tha nhân như chính mình, trong khi Đạo Phật thì hướng Phật tử khơi dậy lòng từ bi hỷ xả.
* Có không "thám tử tâm linh"?
* Thám tử tâm linh được cho là những người tham gia phá án nhưng không hề sử dụng bất kì các phương tiện hỗ trợ nào ngoài khả năng ngoại cảm đặc biệt. Trong lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều "thám tử tâm linh" tài giỏi như Gerard Croiset, Peter Hurkos hay Annette Martin. Theo ông, tại Việt Nam, có những "thám tử tâm linh" này chưa?
- Trong 20 năm qua, chương trình nghiên cứu về khả năng đặc biệt của UIA có hợp tác với các cơ quan chức năng trong các hoạt động tư pháp và điều tra hình sự. Nhưng vì lý do an ninh nên chúng tôi không công bố những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, để ghi nhận những đóng góp thầm lặng ấy, Cục điều tra Hình sự của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đã tặng bằng khen và hiện vật để ghi nhận những đóng góp của các nhà ngoại cảm thực thụ và các cán bộ trong chương trình nghiên cứu về khả năng đặc biệt của UIA.
* Dù cho sở cảnh sát Hoa Kỳ tuyên bố họ không sử dụng tâm linh để truy tìm tội phạm, nhưng cũng không bác bỏ lý thuyết này. Một cuộc khảo sát năm 1993 tại sở cảnh sát trong 50 thành phố lớn nhất ở Hoa Kỳ tiết lộ rằng, 1/3 số cảnh sát đã chấp nhận tham khảo dự đoán của thám tử tâm linh. Ông nghĩ đã đến lúc đưa các nhà ngoại cảm Việt Nam cùng tham gia điều tra tội phạm được chưa?
- Ở Việt Nam đã dùng khả năng này như một kênh cung cấp thông tin tin cậy cho công tác điều tra các vụ án hình sự . Tuy nhiên, như đã nói, chương trình nghiên cứu của các cơ quan hợp tác cùng UIA không thể công bố cụ thể để bảo vệ tính mạng, an toàn cho các nhà ngoại cảm , cũng như để bảo mật toàn bộ công tác điều tra.
Việc dư luận có yêu cầu nhà ngoại cảm tham gia việc tìm xác trong vụ giết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (HN) thì UIA xin trả lời như thế này:
- Chương trình nghiên cứu về khả năng đặc biệt của 3 cơ quan chưa hề nhận được văn bản yêu cầu tham gia của cơ quan chức năng điều tra hình sự, do vậy về lý thì không được phép tùy tiện tham gia.
- Không có đơn chính thức của gia đình nạn nhân xin cơ quan chúng tôi giúp đỡ, do vậy về tình thì cũng không thể tham gia .
Thông qua bài phỏng vấn này, một lần nữa đại diện UIA thay mặt 3 cơ quan cùng hợp tác nghiên cứu về khả năng đặc biệt, chúng tôi xin khẳng định năng lực đặc biệt của một số nhà ngoại cảm là có thật, đã được Chính phủ và Bộ Khoa học Công nghệ nghiệm thu và ghi nhận, nhưng không có nghĩa là họ có thể dự đoán, nhìn thấy, hoặc “phiên dịch” bất kỳ chuyện gì, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nằm ngoài quyền năng của họ, trong đạo Phật gọi là Tùy Duyên. Cá nhân nào tự xưng là nhà ngoại cảm mà chưa từng làm việc, chưa được tham gia các chương trình khảo nghiệm thì các hành vi của họ không được sự công nhận và bảo lãnh của 3 cơ quan ( UIA, Viện Hình sự - Bộ Công an, Trung tâm bảo trợ VHKTTT) .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét