Ngày 01/2/2006, ông A gửi tiết kiệm số tiền 100.000.000 đồng tại Ngân hàng B, thời hạn 3 tháng, lãi suất 1%/tháng. Sổ tiết kiệm có ghi: “Đến kỳ hạn, khách hàng không đến nhận lại vốn hoặc làm thủ tục gửi tiếp thì số vốn đáo hạn sẽ không sinh lãi tiếp”. Ngày 01/5/2006, ngày 1/8/2006 ông A đến Ngân hàng làm thủ tục đáo hạn thêm tổng số 2 kỳ hạn (3 tháng) nữa, sau đó không tiếp tục đáo hạn.
Ngày 01/02/2011, ông A đem sổ tiết kiệm đến Ngân hàng để rút toàn bộ tiền gốc, lãi, yêu cầu trả lãi đến ngày 01/02/2011. Ngân hàng B chỉ chấp nhận trả ông A số tiền gốc 100.000.000 đồng và lãi của 3 kỳ mỗi kỳ 3 tháng, tổng số là 109.272.000 đồng, từ chối trả lãi từ 01/11/2006 đến 01/02/2011 với lý do ông A không đến đáo hạn theo thỏa thuận. Hai bên không thống nhất được số tiền Ngân hàng trả. Ngày 02/01/2012, ông A khởi kiện Ngân hàng B yêu cầu trả lãi từ 1/11/2006 đến ngày xét xử sơ thẩm, lãi theo thỏa thuận trong hạn, ngoài hạn tính lãi theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định với từng kỳ hạn 3 tháng lãi nhập gốc. Cách tính như sau: lãi trong hạn kỳ 1-2-3 theo lãi thỏa thuận 3%/kỳ- tính đến 31/10/2006 là 109.272.000 đồng; từ kỳ thứ 4 bắt đầu từ ngày 1/11/2006 lãi suất theo lãi cơ bản Ngân hàng Nhà nước đối với từng kỳ hạn 3 tháng: kỳ 4 (0,6875%/tháng- Quyết định số 1887/QĐ-NHNN ngày 29/09/2006) gốc và lãi đến kỳ 5 là 111.523.003 đồng; kỳ 5 từ 1/2/2007… tính đến ngày xử sơ thẩm tháng 5 năm 2011 là khoảng 165.000.000 đồng (tính tròn) .
2. Các quan điểm về việc giải quyết tranh chấp:
Ý kiến thứ nhất: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ý kiến thứ hai: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc Ngân hàng B phải trả ông A 109.272.000 đồng gốc và lãi trong hạn (9 tháng) đến ngày 31/10/2006; trả lãi theo lãi suất cơ bản 9%/năm kể từ ngày 1/11/2006 đến ngày xét xử sơ thẩm 5/2011. Cụ thể số tiền phải trả là 158.000.000 đồng (tính tròn).
Ý kiến thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả): Tiền gửi tiết kiệm là một dạng hợp đồng vay tiền (Khoản 3 mục I Thông tư liên tịch 01/1997/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp và Bộ Tài chính). Theo quy định tại Điều 471 BLDS năm 2005: khi đến hạn trả, bên vay chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.Điều 19 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm quy định như sau: “Kéo dài kỳ hạn gửi tiền: Khi đến hạn thanh toán tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, nếu người gửi tiền không đến lĩnh và không có yêu cầu gì khác thì tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm có thể nhập lãi vào gốc và kéo dài thêm một kỳ hạn mới theo thỏa thuận của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm với người gửi tiền”.
Đối chiếu với quy định trên, ông A và Ngân hàng B có ghi chỉ tính lãi trong hạn gửi tiền, nên phải theo thỏa thuận này. Ông A chỉ đáo hạn 2 lần, vì vậy ông chỉ được tính lãi của 3 kỳ hạn, mỗi kỳ 3 tháng (tổng gốc và lãi là 109.272.000 đồng), từ ngày 01/11/2006 cho đến ngày 01/02/2011 ông không được trả lãi vì đã thỏa thuận số vốn đáo hạn sẽ không sinh lãi tiếp; do ông không chịu nhận tiền (chứ không phải Ngân hàng chậm trả) nên Ngân hàng không phải trả bất cứ một khoản lãi, phạt chậm trả nào khác.
Do đó, ông A chỉ được nhận lại số tiền 109.272.000 đồng là tiền gốc và lãi của 3 kỳ hạn (09 tháng) theo sổ tiết kiệm; kể từ khi ông A có yêu cầu mà Ngân hàng không thi hành án thì Ngân hàng phải trả ông lãi chậm trả theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước kể từ thời điểm yêu cầu cho đến thời điểm trả.
Trên đây là quan điểm của tác giả, mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét